Tết trọn an vui: Dù đắt hay rẻ, dù giàu hay nghèo, có 1 chuyến tàu mà đời người không bao giờ được bỏ lỡ
Có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta.
Người thật lòng yêu thương nếu may mắn thì có thể tìm được luôn, nếu chưa may cũng có thể từ từ kiếm tìm. Nhưng chỉ riêng chuyến tàu cuối cùng về nhà, dù đắt hay rẻ, dù chúng ta giàu hay nghèo, đó cũng là điều không bao giờ được bỏ lỡ.
“Ừ đúng rồi, năm nay quyết tâm lắm. Dù vé đắt thế nào thì tôi cũng phải về, 2 năm chưa gặp thầy u rồi, nhớ lắm”, chị K.A (26 tuổi) chia sẻ.
Mùa Tết 2 năm trước, chị K.A vẫn một thân một mình ở nơi xứ người. Chị sang Trung Quốc du học đã được hơn 2 năm nay, dự kiến mỗi năm về thăm nhà, thăm người thân khoảng 1-2 lần. Nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến mọi kế hoạch bị phá vỡ.
“Cả năm trông ngóng, chỉ mong đến Tết thì tình hình phòng dịch nới lỏng hơn để có thể về nước với mọi người. Thế mà số mình xui, lần nào cũng gặp cảnh éo le, lỡ làng, rồi khi có cơ hội để về thì vé máy bay đắt quá, không mua nổi. Nhìn bạn bè, người thân đăng ảnh quây quần đón Tết, đi chơi chúc tụng mà mình phát thèm”, chị kể lại.
Chính vì lý do đó, ngay từ đầu năm nay, chị đã vừa đi học, vừa đi làm, chi tiêu tiết kiệm hơn để có thể dự trù một khoản kinh phí không nhỏ. Với số tiền này, dù vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ hơn thì chị vẫn có thể xoay sở được để bay về bên cha mẹ, đón một cái Tết đầm ấm sum vầy.
“Cầm tấm vé trên tay rồi mới thấy lòng mình nhẹ nhõm. Lúc ấy mới dám gọi điện về nhà, thông báo một tiếng cho mọi người. Thầy u nghe mà cũng rơm rớm nước mắt”, chị K.A cười vui vẻ. “Lúc đó tôi biết mình đã lựa chọn đúng rồi. Tiền nong tầm này quan trọng gì nữa.”
Chẳng ở một nơi xa xôi như chị K.A nhưng H.N, nhân viên văn phòng 30 tuổi tại Hà Nội, cũng tất bật lo toan để chuẩn bị cho hành trình về quê ăn Tết của mình.
“Về quê à? Chắc chắn, tôi thích nhất là đi tàu về quê mà”, anh cười xòa khi được hỏi về ý định về quê ăn Tết.
Quê anh ở Hải Phòng, thành phố hoa phượng đỏ. Mặc dù người ta thường nói, phụ nữ trời sinh là “tay hòm chìa khóa”. Nhưng do bản thân bôn ba lên thành phố học tập và lập nghiệp từ năm 18 tuổi, đến nay đã 12 năm trôi qua, anh H.N cũng quán xuyến việc nhà rất “có nghề”.
Từ giữa tháng cuối năm, anh bắt đầu tính toán các khoản phải chi tiêu trong ngày Tết, những món quà mua về biếu cha mẹ, người thân, những bó hoa hay đồ ăn thức uống có thể mua trước để đỡ đần ở nhà… Mỗi cuối tuần có thời gian rảnh rỗi, anh lại ngồi lên chiếc xe máy, vi vu khắp phố phường để mua sắm dần.
Trong những bộn bề đó, có một khoản mà anh H.N chưa bao giờ phải lo, đó là việc đi lại.
“Ngày trước tôi hay đặt xe, đi rất gấp, mang đồ đạc gì quý giá hay đắt tiền thì chẳng dám để trong cốp xe, toàn phải ôm vào người. Do mình không quen nên lúc nào cũng thấy đi xe đông đúc, cập rập, nhiều điều bất tiện”, anh kể lại. “Có lần đi cùng chuyến với mấy gia đình có trẻ nhỏ, một bé quấy khóc thôi là mấy bé còn lại cũng bắt đầu ‘mở loa’. Ở giữa xe đông đúc, mấy người mẹ có vẻ muốn cho bú nhưng cũng ngại. Thế là suốt cả chặng đường toàn được nghe nhạc hòa thanh ‘đặc biệt’, xuống xe rồi mà tiếng ‘oe oe’ vẫn ám ảnh bên tai.”
Mấy năm nay, anh về quê thư thả hơn hẳn. Cứ đến gần cuối năm, anh bắt đầu đặt mua vé tàu, tìm một khoang vé nằm, hoặc vé ngồi gần cửa sổ. Giờ đi tàu từ Hà Nội về Hải Phòng chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng, anh thích chọn đi những chuyến tàu vào sáng sớm lúc 6:00, hoặc đi lúc chập tối, khoảng 18:30. Đi buổi sáng, anh có thể thư thả nhìn ngắm phố phường, tận hưởng bầu không khí Xuân đang đến rất gần qua từng ngõ ngách. Đi buổi tối, anh có thời gian dành cho bản thân, nhìn những ánh đèn xa xăm qua khung cửa sổ, lắng nghe một bản nhạc thư giãn.
Đợi đến ga Hải Phòng, anh sẽ vác cành đào trên vai, xách theo những giỏ quà biếu cho gia đình, hân hoan bước về nhà thật nhanh. “Vui lắm, háo hức lắm, chỉ muốn mọc cánh để bay nhanh hơn”, anh kể.
Lời kết
Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta lại phải đối mặt với nhiều mối bận tâm hơn. Chúng ta có sự nghiệp, có bạn bè, có người yêu, rồi một ngày sẽ có gia đình riêng, có những người thân yêu khác nữa. Nhưng cứ đến Tết, tất cả những lo toan bộn bề lại lùi về phía sau, để giây phút quân quần bên mẹ cha trở nên thiêng liêng hơn cả.
“Có 2 thứ đời người không được bỏ lỡ: Một là chuyến xe cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta.” Đó là lời thoại trong bộ phim Mắt Biếc, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Vừa hay, hành trình về nhà sẽ giúp ta đạt được cả hai điều đó, một mái ấm thực sự và cha mẹ đang ở đó chờ đợi.