Tết Nhâm Dần 2022: Sân khấu TP.HCM sẵn sàng đón khán giả trở lại
(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 9 tháng tạm ngưng biểu diễn, các sân khấu kịch nói, hát bội và cải lương cùng các loại hình văn hóa truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh đều đã sẵn sàng trở lại trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, các sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh chọn diễn lại các vở kịch đã chuẩn bị từ năm trước. Đa số các sân khấu đều lên lịch khoảng 2 suất/ngày từ mùng 1 đến mùng 6-7 Tết. Trong đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn luân phiên các vở Bạch Hải Đường, Chờ thêm chút nữa, Nửa đời ngơ ngác, Sài Gòn có một ngã tư, Bao giờ sông cạn... Sân khấu Hồng Vân có vở Thân sâu hồn bướm, Ngôi nhà trên thuyền, Điềm báo, Ngã rẽ...
Ngoài ra, dù thời gian chuẩn bị mùa kịch Tết khá cập rập nhưng có hai sân khấu cũng mạnh dạn chuẩn bị những vở diễn mới. Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ giới thiệu đến khán giả chương trìn; đạo diễn: Chánh Trực). Chương trình có hai tiểu phẩm hài là Giã từ thần men và Sui gia đối đầu với sự tham gia của Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên, các nghệ sỹ Chánh Trực, Tô Thiên Kiều, Tuyền Mập, Võ Ngọc Tân, Tuấn Kiệt... Nhà hát cũng mang đến những vở kịch cũ nhưng được nhiều khán giả yêu thích như Rồi mắc cái gì cười, Đẹp lắm nha, Tía ơi con lấy chồng...
Trước đó, Sân khấu Thế giới Trẻ đã chuẩn bị vở diễn mới có tên Bật công tắc là yêu (tác giả: Lê Hoàng, đạo diễn: Nghệ sỹ nhân dân Trần Ngọc Giàu) nhưng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên vở kịch chưa thể ra mắt. Hiện sân khấu này đang tất bật cho kịp lịch phúc khảo để có thể gặp gỡ khán giả mùa kịch Tết.
Bên cạnh các vở Bao giờ mẹ lấy chồng, Ngược gió, Lò võ tiếu lâm, Cuộc chiến sắc đẹp..., Sân khấu Sen Việt mang đến hai kịch bản mới, vừa tham gia Liên hoan Kịch nói Thành phố Hồ Chí Minh là Chuyện làng diễn vào mùng 10-11 tháng Giêng, vở Mảnh vỡ sẽ diễn vào 12 và 14, vào 13 tháng Giêng là chương trình Nghệ sĩ mừng xuân.
Dù thời gian bán vé kịch Tết cập rập nhưng nhiều đại diện sân khấu bày tỏ vui mừng khi mới chỉ đăng bán vé được vài ngày đã có sự phản hồi khả quan từ phía khán giả. Trong đó, Sân khấu Kịch Idecaf đã bán gần hết vé vở Cậu Đồng cho các suất diễn, vở Ngũ quý kỳ phùng cũng đã bán được 90% số vé.
Theo nghệ sỹ Ái Như, Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, mọi năm, sân khấu thường bán vé trước 3 tuần, năm nay chỉ có thể chuẩn bị trong 1 tuần nên lượng vé bán ra ở mức tương đối. Trong dịp trở lại này, Sân khấu Hoàng Thái Thanh tri ân lực lượng y, bác sỹ bằng việc trong mỗi suất diễn từ mùng 1 đến mùng 7 Tết sẽ gửi tặng 10 vé xem kịch cho khán giả đang hoạt động trong ngành y. Ngoài ra, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, từ 19 giờ đến 19 giờ 30 sẽ có hoạt động thầy đồ tặng chữ cho khán giả.
Tương tự, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân, Giám đốc hai Sân khấu Kịch Hồng Vân và Phú Nhuận cho biết, dù lượng khán giả mua vé không bằng mọi năm, nhưng theo tình hình thực tế lượng vé bán ra sau một năm dịch bệnh hoành hành thì đây là tín hiệu đáng mừng.
Bên cạnh các đơn vị sân khấu kịch nói, các sân khấu cải lương cũng rộn ràng, sôi nổi với hàng loạt chương trình chúc xuân; các vở diễn được các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa đầu tư tổ chức biểu diễn.
Tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tối mùng 3 Tết, Đoàn 1 nhà hát biểu diễn chương trình tổng hợp Nghệ sỹ mừng xuân, mùng 7 tháng Giêng sẽ là lịch diễn của Đoàn 2 với vở diễn đặc sắc như Đứa con họ Triệu. Đến mùng 8 tháng Giêng, đoàn Cải lương Vũ Luân diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, mùng 9 là lịch diễn vở “Dương Quý Phi.
Bên cạnh đó, mùng 8-9 tháng Giêng, Đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long diễn vở Mạnh Lệ Quân kỳ án tại rạp Hồng Liên. Đến ngày 12, đoàn cải lương Chí Linh - Vân Hà diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vở mà đoàn chuẩn bị để kỷ niệm 5 năm thành lập đoàn diễn vào ngày 12/6/2021 nhưng do vướng dịch bệnh nên phải rời lịch.
Trong 2 ngày 23 và 29/1, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh chọn diễn các trích đoạn phục vụ tại Lễ hội Tết Việt tổ chức ở Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tối Giao thừa, các nghệ sỹ của đoàn hát bội sẽ biểu diễn phục vụ người dân tại huyện Hóc Môn; Đoàn Nghệ thuật Hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh diễn tại Lăng Lê Văn Duyệt vào mùng 7 Tết với các tiết mục đặc sắc như Lễ xây chầu đại bội, Ngọc Huỳnh Lân xuất thế và Đức Thượng công Lê Văn Duyệt.
- Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh rục rịch sáng đèn trở lại
- Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm hướng đi mới trong mùa dịch Covid-19
Ở góc độ chuyên môn, Nghệ sỹ nhân dân Trần Minh Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tổ chức Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc vào đầu năm 2022 có tác động rất tốt đối với các văn, nghệ sỹ phía Nam. Liên hoan như một cú hích để những người làm sân khấu có thêm động lực làm nghề.
Bên cạnh đó, hàng loạt vở diễn, chương trình chào xuân mới được các đơn vị nghệ thuật xây dựng, đầu tư, càng khẳng định thực lực của lực lượng làm sân khấu, dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng sân khấu vẫn luôn có một đội ngũ làm nghề nhiệt huyết.
Tuy nhiên, theo Nghệ sỹ nhân dân Trần Minh Ngọc, để phát triển mạnh mẽ hơn, lĩnh vực sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh cần phải có sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, cơ sở kỹ thuật để người làm sân khấu đủ điều kiện làm nghề, thêm không gian biểu diễn tốt hơn kèm các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác dàn dựng. Bên cạnh đó, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động sân khấu cũng cần đẩy mạnh hơn vai trò của Hội trong nhịp sống chung của sân khấu thành phố.
Thu Hương/TTXVN