Tết hiện đại thời online
Online (trực tuyến) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thu hút đông đảo người sử dụng.
Đặc biệt, kể từ dịch Covid-19 đến nay, nhiều lĩnh vực kinh tế cũng đã khai thác mạnh mẽ hình thức này dưới dạng thương mại điện tử gắn liền với mua - bán hàng online. Đặc biệt dịp Tết này, cụm từ phiên chợ online, lì xì Tết online… đã trở nên nở rộ.
Nghĩa tình phiên chợ online
Khởi động Tết năm nay, Liên Hiệp hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) cùng Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh tổ chức phiên chợ online "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" với chủ đề "Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt". Theo đó, chương trình tặng 5.000 suất quà với tổng trị giá 3 tỷ đồng được quy đổi thành 5.000 mã phiếu mua hàng áp dụng mua sắm trực tuyến tại website https://cooponline.vn/ldld-km/. Đơn hàng được Co.opmart, Co.opXtra... giao đến tận nhà theo yêu cầu của khách hàng.
Như vậy, phiên chợ đã giúp đoàn viên, người lao động không về quê vẫn có thể mua và gửi quà về gia đình, người thân của mình kể cả ở quê. Điều này sẽ giúp người lao động có thời gian mua sắm linh hoạt, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, giảm được nhiều chi phí gian đi lại, hạn chế rủi ro khi di chuyển trong thời gian cao điểm Tết.
Chị Lê Thị Bích Thủy (quê ở Cà Mau), công nhân Khu chế xuất Tân Thuận Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh ban đầu còn bở ngỡ khi thực hiện thao tác theo hướng dẫn trên phiên chợ online. Nhưng sau vài lần nhập thông tin đúng, mọi việc đều thuận lợi và dễ dàng chọn lựa những mặt hàng giảm giá nhiều so với thị trường.
Chị Thủy cho biết, Tết này cả nhà ở lại thành phố nên sẽ dành toàn bộ số tiền mua quà gửi tặng cha mẹ ở quê. Tuy nhiên, trước khi mua, chị có hỏi thăm ông bà để mua sắm đúng theo nhu cầu và xác nhận nơi đến để phần quà được chuyển đến đúng địa chỉ.
Tranh thủ lúc nghỉ giữa ca, chị Nguyễn Thị Phượng (quê ở Quảng Trị), công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Bình cũng trích một phần đặt hàng gửi thẳng về quê làm quà chúc Tết người thân. Chị Phương cho biết, gần năm năm nay, chị chưa về quê đón Tết do con nhỏ. Đời sống việc làm khó khăn nên chị hy vọng phần quà được đảm bảo chuyển nhanh, chính xác...
"Hiện nay có nhiều cửa hàng, shop bán hàng trên mạng; siêu thị cũng ở khắp mọi nơi nên việc mua sắm trên ứng dụng cũng thuận tiện, dễ dàng và được người lao động, nhất là các nhân viên văn phòng thường mua sắm. Đặc biệt, tại phiên chợ online năm nay, việc gửi quà Tết cho gia đình thông qua điện thoại di động thật sự rất tiện lợi, lại không phải gói ghém, đi gửi hàng hóa... mà còn được miễn phí vận chuyển", chị Phượng chia sẻ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã triển khai chương trình "Chợ Tết Công đoàn" qua sàn giao dịch thương mại điện tử trên quy mô toàn quốc trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Theo đó, 201.000 đoàn viên, người lao động nhận hỗ trợ bằng tiền, trị giá 300.000 đồng/đoàn viên, thực hiện mua sắm Tết qua các sàn thương mại điện tử với tổng với số tiền trên 60 tỷ đồng. Trong số đó, Tổng Liên đoàn phối hợp với Shopee và Tiki để mở riêng chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" với trên 30.000 mặt hàng được bán, giá ưu đãi. Qua đó giúp đoàn viên tiếp cận cách mua sắm mới, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đặt hàng và mang hàng tới tận địa chỉ mà đoàn viên có nhu cầu…
Ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc tổ chức "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" qua sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; đồng thời, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, giúp đoàn viên, người lao động làm quen với hình thức mua hàng mới.
Chương trình là món quà đầu Xuân năm mới của tổ chức công đoàn dành cho đoàn viên, người lao động, góp phần cùng doanh nghiệp giữ chân người lao động, ổn định lực lượng lao động sau Tết nguyên đán. Hoạt động này cũng để tạo hứng khởi, thêm quyết tâm thi đua, hăng say lao động, sản xuất, làm việc của đoàn viên, người lao động ngay từ những ngày đầu năm mới.
Trước đó, Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp cùng Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố tổ chức "Phiên chợ công nhân - online Xuân Nhâm Dần 2022". Đây là phiên chợ trực tuyến thí điểm đầu tiên trong cả nước nhằm chăm lo cho công nhân, người lao động phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh nhìn nhận, phiên chợ công nhân - online tại thời điểm đó là việc làm thiết thực nhất nhằm mang lại lợi ích cho công nhân, người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua chương trình đã giúp người lao động gắn bó hơn tham gia các hoạt động của tổ chức Công đoàn; tích cực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh. Song song, chương trình góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Mã hóa các hoạt động Tết
Từ thực hiện thí điểm phiên chợ nghĩa tình online, Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn 2024 cũng đã ứng dụng hình thức mua sắm trực tiếp nhưng thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua ví điện tử Zalopay. Các nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị kinh doanh tham gia lễ hội sẽ được trang bị mã ZaloPay QR Đa Năng. Khách hàng chỉ cần mã duy nhất có thể thoải mái sử dụng bất kỳ ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử nào để quét và thanh toán trong vài giây khi mua sắm tại đây.
Đặc biệt, nền tảng thanh toán ZaloPay còn mang đến khu trải nghiệm "Hội Xuân Giáp Thìn" với nhiều hoạt động được kết nối với nhau trong một thiết kế tổng thể. Theo đó, khu Hội Xuân Giáp Thìn với hoạt động trò chơi dân gian đặc sắc từ online đến offline; khu Sắm Tết đa năng trải nghiệm thanh toán mã QR Đa Năng và khu Lì xì lộc 20.000 đồng cho tất cả người dân và du khách đến lễ hội...
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc ứng dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại sự kiện năm nay còn thể hiện thông điệp mà chính quyền muốn truyền tải, là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.
Tương tự, Tết Giáp Thìn 2024, MoMo cũng giới thiệu tiện ích lì xì online với nhiều ưu điểm vượt trội, tiện lợi, hiện đại, an toàn và thời thượng mà không còn phải lo lắng việc đổi tiền lẻ, săn tiền mới, lãng phí phong bao. Trong mã QR nhận tiền đa năng cùng tính năng "Tạo QR bằng ảnh AI", giúp mọi người có thể lì xì và đề nghị lì xì một cách duyên dáng, văn minh, lưu giữ được nét đẹp truyền thống lâu đời.
"Không chỉ gửi tiền lì xì kèm theo những lời chúc bắt trend một cách tiện lợi, an toàn và dễ dàng, có ý nghĩa giáo dục về tài chính, lì xì online còn là xu hướng công nghệ thời đại "ting ting" theo phong cách 4.0 còn biến Tết xa hóa gần, xóa nhòa khoảng cách địa lý khi những phong bao lì xì có thể trao đi mọi lúc mọi nơi", đại diện MoMo chia sẻ.
Các cấp công đoàn thành phố cũng đã đồng loạt triển khai đa dạng phiên chợ nghĩa tình online với các hình thức linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng địa phương và áp dụng các chương trình giá giảm từ 10 - 30% để người tiêu dùng mua hàng thuận lợi, đỡ mất thời gian di chuyển. Trong số đó, Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố tổ chức theo hình thức mua sắm trực tiếp nhưng thanh toán thông qua ví điện tử Zalopay; Công đoàn Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) khởi động "Phiên chợ online" dành cho người lao động làm việc trong hệ thống mua sắm hàng online trên website của Satrafoods...
Ông Phùng Đình Dũng, Chủ tịch Công đoàn Satra cho biết, lợi thế Satra là có hệ thống Satrafoods nên việc bán hàng trực tuyến rất thuận lợi. Việc mua sắm online giúp cho người lao động dù ở bất kỳ đâu cũng có thể mua được hàng hóa, không phải ra siêu thị chen chúc, xếp hàng, tiết kiệm được nhiều thời gian. Riêng những trường hợp người lao động lớn tuổi, không sử dụng điện thoại thông minh hay không biết cách cập nhật mã mua hàng sẽ được nhân viên Satrafoods hướng dẫn tận tình.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập của MoMo cho rằng, công nghệ đang tác động mạnh đến cuộc sống và thay đổi cách tương tác với xã hội; trong đó, có những hoạt động truyền thống, tục lệ lâu đời cũng đã bắt đầu chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ. Với tính năng Lì xì online, MoMo đang góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cho một phong tục rất ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, vừa lưu giữ nét văn hoá lâu đời, vừa giúp những lời chúc tốt đẹp có thể lan truyền không hạn chế bởi thời gian và khoảng cách vật lý.
Các ứng dụng Zalo, Facebook, Instagram... cũng đã triển khai hình thức chúc Tết online cho cả nhóm hoặc riêng từng cá nhân. Nhiều sinh viên, giới trẻ ngày nay cũng đang trải nghiệm Tết online, lì xì online để gắn kết, tương tác, thể hiện thành ý giữa người trao và người nhận dù ở bất kỳ nơi đâu mỗi dịp Tết đến Xuân về.