(Thethaovanhoa.vn) - Djokovic vô địch Grand Slam 12 lần, vẫn ít hơn Federer 17 lần và Nadal 14 lần. Nhưng vẫn có những góc độ cho thấy Nole đã vĩ đại hơn cả Federer và Nadal ngay từ bây giờ.
Để bắt đầu thì chúng ta phải xác định mức độ cạnh tranh và thời kỳ thống trị cũng như “tuổi thọ” đỉnh cao của mỗi tay vợt. Nếu xem tuổi thọ đỉnh cao là khoảng thời gian vô địch Grand Slam (vì Grand Slam là giải đấu lớn nhất, khó khăn nhất, là thước đó chính xác nhất để đánh giá tầm vóc của một tay vợt) thì khoảng thời gian ấy của Federer rất có thể chỉ kéo dài 10 năm (vô địch lần đầu năm 2003 và gần nhất 2012). Khả năng FedEx vô địch Grand Slam lần nữa vẫn có thể xảy ra nhưng không cao.
Với Nadal, khoảng thời gian này hiện cũng là 10 năm (2005-2014). Tương tự Federer, khả năng Nadal vô địch Grand Slam lần nữa vẫn có thể xảy ra nhưng khá khó khăn do những chấn thương dai dẳng và kéo dài mà anh mắc phải. Tuổi thọ đỉnh cao của Djokovic cho tới lúc này là 9 năm (2008-2016) và chắc chắn còn kéo dài nữa. Như vậy, so sánh một cách tương đối thì có thể thấy tuổi thọ đỉnh cao của 3 tay vợt gần như nhau cho tới lúc này còn trong tương lai thì khả năng cao là Djokovic sẽ vượt Federer, Nadal.
Trong khoảng 2003-2012, Federer đoạt 17 Grand Slam, Nadal vô địch 14 lần trong khoảng 2005-2014 còn Djokovic lên đỉnh 12 lần trong khoảng 2008-2016. Như vậy, về mức độ thành công trong một quãng thời gian kéo dài gần như nhau thì Federer và Nadal làm tốt hơn Djokovic. Tuy nhiên điều đó chưa hẳn có nghĩa là họ xuất sắc hơn tay vợt Serbia vì chúng ta còn phải so sánh tính cạnh tranh của từng thời kỳ mà mỗi tay vợt chinh phục các giải lớn.
Trong 17 Grand Slam của Federer thì có tới 12 danh hiệu anh đoạt được trong khoảng 2004-2007. Đó là thời kỳ đỉnh cao của FedEx nhưng đó là thời điểm Djokovic chưa “xuất hiện” còn Nadal cũng chưa lên đỉnh cao (chỉ vô địch Roland Garros 3 lần trong khoảng này, không vô địch giải lớn nào khác). Như vậy, thời kỳ Federer thống trị khủng khiếp nhất thì anh chưa có đối thủ lớn đúng nghĩa. Tính từ thời đỉnh cao của Nadal (2008-2014) thì Federer chỉ đoạt thêm 5 Grand Slam nữa còn tính từ khi bắt đầu thời đỉnh cao của Djokovic (2011), Federer chỉ vô địch Grand Slam đúng 1 lần (Wimbledon 2012).
Với Nadal thì trong thời kỳ Federer thống trị dữ dội nhất (2004-2007), anh chỉ đoạt 3 Grand Slam và đều ở Roland Garros. Trong thời kỳ Djokovic bắt đầu thống trị (từ 2011) và cũng là khi Federer đã qua đỉnh cao, anh vô địch Grand Slam thêm 5 lần nữa. Với Djokovic, anh khác thời Federer nhưng vẫn có khoảng 4 năm cạnh tranh đỉnh cao với Nadal (2011-2014) cũng như đối thủ cùng thời Andy Murray. Trong khoảng này, Nole đoạt 6 Grand Slam cộng với chức vô địch Australian Open 2008 (thời điểm Nadal và Federer đều trên đỉnh cao) là 7 cúp ở giải lớn. Như vậy xét về số cúp vô địch Grand Slam mà Federer, Nadal, Djokovic đạt được vào thời kỳ mà họ có ít nhất một đối thủ lớn cạnh tranh thì Djokovic thậm chí còn nhỉnh hơn Federer và ngang ngửa Nadal.
Về đấu tay đôi thì tính tổng thể cho tới lúc này, Djokovic đã vượt cả Nadal (26-23) lẫn Federer (24-22). Trong thời kỳ đỉnh cao của Nadal (2008-2014), thành tích đối đầu Nadal – Djokovic là 17-17, nghĩa là ngang nhau còn thời đỉnh cao của Djokovic và Federer khác nhau nên so sánh thì sẽ khập khiễng. Trong thời đỉnh cao của Nadal và giai đoạn cuối của thời kỳ đỉnh cao của Federer (2008-2010) thì Nadal dẫn Federer 6-2 về đối đầu còn trong thời kỳ Federer thống trị huy hoàng nhất (2004-2007) và Nadal chưa lên đỉnh cao thì Federer chỉ thắng Nadal sát nút về đối đầu (7-6). Tính tổng thể Federer kém xa Nadal về đối đầu (11-25). Như vậy, một cách tương đối thì Djokovic và Nadal gần như ngang nhau về đối đầu cho tới lúc này còn Federer kém xa Nadal về đối đầu.
Về số danh hiệu Masters 1000 thì tới lúc này Djokovic đã vượt Federer và Nadal và sẽ còn nới rộng khoảng cách hơn nữa trong tương lai. Một số so sánh tương đối và dự báo khác: Djokovic gần như chắc chắn sẽ bắt kịp và vượt Nadal về số cúp vô địch Grand Slam, hơn về tuổi thọ nghề ở đỉnh cao, đã hơn về số chức vô địch Masters 1000.
Djokovic có thể bắt kịp Federer về số chức vô địch Grand Slam, đã hơn Federer về số Masters 1000, hơn cả Federer lẫn Nadal về đối đầu trực tiếp. Djokovic cũng chơi tốt hơn Federer trên sân đất nện nếu so sánh thời đỉnh cao của mỗi người trên mặt sân này. Federer chưa bao giờ vô địch Monte Carlo Masters và Rome Masters trong khi Djokovic đã thắng cả hai giải đất nện này. Federer chưa bao giờ buộc được Nadal phải đánh 5 set ở Roland Garros nhưng Djokovic đã làm được điều đó ở bán kết giải này năm 2013, thậm chí Nole đã tiến rất gần chiến thắng.
Fan trung lập và dĩ nhiên cả fan của FedEx đã đúng khi nói rằng nếu không có Nadal, Federer còn vô địch Grand Slam nhiều hơn nữa (bị riêng Nadal chặn lại ở 6 trận CK Grand Slam trong số 10 lần thua chung kết) nhưng điều đó chỉ càng nói lên rằng Federer thống trị nhiều nhất vào thời kỳ anh ít bị cạnh tranh nhất nên số cúp vô địch Grand Slam của anh tuy đang nhiều nhất nhưng thử thách anh phải vượt qua không khó khăn bằng những chiến quả của Djokovic và Nadal giành được sau đó.
Fan của Nadal lại giả định rằng nếu Nadal không chấn thương những năm gần đây thì Djokovic không thể bá chủ tennis thế giới đến mức khủng khiếp như vậy. Họ có thể cũng nói đúng nhưng họ quên mất rằng vì sao Nadal lại chấn thương liên miên như vậy. Câu trả lời là chính lối đánh phá sức của Nadal từ khi còn ở đỉnh cao thể lực và phong độ đã báo hại anh sau này.
Theo thời gian, khi tuổi tác gia tăng thì khả năng chịu tải của cơ thể Nadal giảm đi, cường độ và khối lượng vận động của các bó cơ giảm đi trong khi Nadal vẫn giữ nguyên lối đánh tiêu hao thể lực như cũ. Điều đó khiến anh dễ dính chấn thương và dễ tái phát chấn thương hơn trong khi khả năng phục hồi khó hơn và thời gian phục hồi lâu hơn.
Điều đó cho chúng ta thấy hạn chế trong lối đánh của Nadal khi nó khiến tuổi thọ nghề ở đỉnh cao của anh rõ ràng kém Federer và Djokovic. Để so sánh, tại sao Federer già hơn Nadal tới 5 tuổi mà mãi ở tuổi 34, anh mới lần đầu tiên dính chấn thương nghiêm trọng (nhưng vẫn nhẹ chán so với Nadal)? Tại sao Djokovic chỉ trẻ hơn Nadal 1 tuổi mà đến giờ này Djokovic chưa hề chấn thương nặng và vẫn cực sung mãn? Câu trả lời là bởi họ có lối đánh khoa học, đỡ mất sức hơn Nadal rất nhiều dù thể lực của họ cũng rất tốt.
Có một bối cảnh khác cho thấy tầm vóc vĩ đại của Djokovic là khả năng đứng lên cực mạnh mẽ trong khó khăn, vượt qua những hoàn cảnh mà Federer và Nadal không hề phải lâm vào. Federer chiến thắng và thống trị từ rất sớm, với 12 cúp vô địch Grand Slam làm điểm tựa chỉ trong 4 năm (2003-2007). Nadal ít hơn nhưng cũng có 3 cúp vô địch Roland Garros trong bộ sưu tập Grand Slam cho tới năm 2007. Nhưng Djokovic chỉ có duy nhất chức vô địch Australian Open 2008 và chịu nhiều thất bại trước Roger và Rafa cho tới trước năm 2011 huy hoàng. Nhưng bất chấp quá khứ cay đắng, Nole đã vượt qua tất cả và thống trị ATP cho tới bây giờ. Phải là một tay vợt có thần kinh thép và ý chí phấn đấu ghê gớm mới có thể làm được như vậy. Phải là một người khổng lồ thì mới có thể thoát khỏi cái bóng của những 2 người khổng lồ khác lừng lững trước mặt mình. Và đó chính là Nole.
Với một số so sánh và phân tích cũng như dự báo ở mức tương đối này, chúng ta có thể thấy Djokovic thực tế đã vĩ đại hơn Federer, Nadal trên một số phương diện và xu hướng này sẽ còn được củng cố trong những năm tháng tới đây. Lập luận có lẽ là duy nhất chống lại Djokovic trong cuộc so sánh về tầm vóc vĩ đại này là gì? Chắc chắn là lối chơi pha trộn nhiều tiểu xảo mà anh áp dụng so với lối đánh kiểu “hiệp sỹ” quần vợt mà Federer, Nadal phô diễn.
Tuy nhiên đấy chỉ là cảm quan của những người yêu quần vợt duy mỹ và các fan của Nadal, Federer. Vấn đề là nếu mô tả Djokovic dùng tiểu xảo để chiến thắng thì cũng không ai cho rằng tiểu xảo đóng vai trò quyết định trong thành công của anh như hôm nay và những xảo thuật anh áp dụng cũng không hề trái luật bởi nếu không, Nole đã bị trừng phạt lâu rồi.
HT