A+ A A- Kiểu đọc sách

Roland Garros 2016: Không có mái che, không sao?

09:21 02/06/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Khi mưa lớn đã làm rất nhiều trận đấu ở Roland Garros năm nay phải hoãn lại, các quan chức của giải lại càng nhận thêm nhiều chỉ trích về việc sân đấu không có mái che.

Đã rất nhiều lần Roland Garros dính phải rắc rối này. Những người chỉ trích liên tục yêu cầu nhà tổ chức xây mái che cho sân. Nhưng bất chấp tất cả, Roland Garros vẫn không thay đổi.

Những cơn mưa và sự bảo thủ của người Pháp

Và có lẽ đó là một điều đặc biệt đáng được khen ngợi hơn là chỉ trích bởi giải đấu vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống mà không còn nhiều nơi có được. Không mái che, không “mắt diều hâu”, không đèn. Bởi trong một thế giới mà Twitter, Instagram, selfie, snapchat đang lên ngôi thì việc vẫn giữ truyền thống xưa cứ như thể một cuộc Cách mạng. Hôm thứ Hai, mưa lớn đã khiến cả một ngày thi đấu phải dời sang hôm khác. Đó cũng là lần đầu tiên sau 16 năm, Roland Garros vướng vào rắc rối đó. Một số trận diễn ra hôm Thứ Ba cũng phải hủy.  

Các tay vợt phàn nàn. Người hâm mộ thì than vãn. Bực tức bởi những cơn mưa không ngừng, giám đốc giải, ông Guy Forget phát biểu trên AFP rằng: “Những gì diễn ra quả là gây khó chịu. Đó cũng là bằng chứng cho thấy việc xây mái che là cần thiết và chúng tôi phải bắt tay vào thực hiện. Chúng tôi không thể nào cứ tiếp tục như thế này trong hàng chục năm tới. Hy vọng rằng Roland Garros sẽ có mái che vào năm 2020. Thế giới đang thay đổi rất nhiều và chuyện mái che ở giải đấu đã được nói đến từ 15 năm trước rồi”.

Đúng là như vậy. Câu chuyện mái che ở Roland Garros đã kéo dài gần 2 thập kỷ, tuy nhiên giải đấu này thì đã gần 125 tuổi. Thực ra Roland Garros vẫn là giải có tuổi đời ít nhất trong 4 giải Grand Slam, nhưng điều đặc biệt của nó là không tồn tại mái che, cũng như hệ thống ‘mắt diều hâu’, đèn sân như 3 giải còn lại. Những điều trên tạo nên khác biệt cho Pháp Mở Rộng, khiến nó trở thành một giải Grand Slam kỳ lạ và thu hút. Tại sao mọi sự kiện thể thao đều phải được xem theo kiểu khán giả thời xưa thưởng thức những võ sĩ giác đấu? Ai mà cần những chiếc ghế xa tít tắp ở góc trong một trận quần vợt cơ chứ? Dù Roland Gaross có được lợi gì từ mái che thì nó cũng sẽ đánh mất đi giá trị gốc đẹp đẽ của nó.

Mùa Thu này, US Open sẽ ra mắt mái vòm kéo mới được lắp đặt trên sân chính Arthur Ashe của nó. Còn Wimbledon và Australian Open thì đã có mái che từ trước đó rồi. Những người Pháp thì vẫn bảo thủ với truyền thống của mình, khiến cho nhiều người hâm mộ và cả các tay vợt không hài lòng.

Năm 2012, trận chung kết nam giữa Rafael Nadal và Novak Djokovic cũng phải trì hoãn vì mưa. Điều này đã khiến Kevin Mitchell của Guardian viết một  bình luận gay gắt về Pháp mở rộng rằng nó quá tụt hậu so với các giải đấu khác. "Trận chung kết 2001 giữa Pat Raffer và Goran Ivanisevic cũng ướt đẫm bởi mưa. Nó cũng là tác động khiến Wimbledon quyết định họ cần một mái che. Melbourne cũng có mái che. Còn Paris thì vẫn vậy, như mọi khi, là một kẻ sống khép kín nhưng lại không có… mái nhà. Như một trò cười”, Mitchell viết.

Những lời đó có vẻ thái quá. Việc một giải đấu muốn giữ gìn truyền thống, bảo tồn nét văn hóa lịch sử, từ chối “chạm” vào hiện đại hóa không có gì đáng cười. Hãy nhớ rằng 20 năm trước, khi nhiều người Pháp phản đối việc xây Euro Disney, cuối cùng bây giờ họ vẫn có Disneyland Paris. Đến bây giờ, vẫn rất nhiều người Paris cảm thấy khó chịu về khu du lịch hái ra tiền của họ. Trong thời gian các cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm, một nhà báo của tờ Le Figaro còn khuyến khích theo kiểu “nổi loạn để đốt cháy”.

Roland Garros nên là chính mình

Nhưng việc phản đối hiện đại hóa Roland Garros thì không quá khốc liệt như vậy. Chính phủ và các quan chức giải đồng tình về sự cần thiết bổ sung chỗ ngồi hay một số nâng cấp khác. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương phản đối việc mở rộng vì cho rằng nó có thể ảnh hưởng và phá vỡ môi trường sống tự nhiên gần các sân đấu. Những kế hoạch cải tạo Roland Garros còn từng khiến một nhóm các nhà môi trường và người dân địa phương kiện cáo, đưa ra những ngăn chặn pháp lý vì có liên quan đến việc phá hủy vườn thực vật và nhà kính từ thế kỷ 19 gần sân Philippe Chatrier, sân đấu chính của giải.

Và thực ra tiếng nói của những người dân mới có trọng lượng hơn là những vị du khách, những nhà báo, phóng viên. Bởi họ đã sống và gắn bó với Paris như máu thịt. Còn những nhóm người khác chỉ đến, rồi lại đi. Bên cạnh đó, mái che tự dộng, kéo ra kéo vào vẫn có thể khiến trận đấu tạm hoãn. Chỉ có mái che hoàn toàn mới đảm bảo được điều đó.  

Vì vậy, Roland Garros nên tiếp tục giữ gìn truyền thống của mình. Bỏ qua những người phản đối, những người cười nhạo khi trọng tài phải xuống ghế để quan sát vết bóng trên đất sét, thì nét đẹp của một giải Grand Slam lâu năm vẫn chiến thắng tất cả. 

125 Roland Garros đã 125 tuổi, nhưng vẫn là giải Grand Slam trẻ nhất trong cả hệ thống.

2020 Giám đốc Roland Garros cho biết họ hy vọng giải đấu sẽ được lắp đặt mái kéo trên sân vào năm 2020.

16 Đây là lần đầu tiên sau 16 năm, Roland Garros phải hoãn cả một ngày vì mưa lớn.

Radwanska bức xúc vì chuyện mái che

Vòng 4 nội dung đơn nữ đã chứng kiến hai cú sốc cùng một lúc. Hạt giống số 2 Agnieszka Radwanski đã phải dừng bước sau khi thua đối thủ hạng 93 thế giới Tsvetlana Pironkova 6-2, 3-6, 3-6. Trong khi đó, việc Simona Halep (6) gục ngã 6-7 (0), 3-6 trước Samantha Stosur (21) cũng được coi là một bất ngờ nho nhỏ.

“Tôi rất ngạc nhiên và bực bội khi chúng ta phải thi đấu dưới trời mưa. Đây không phải một giải đấu 10.000 USD. Đây là Grand Slam”, Radwanska phát biểu đầy bức xúc. “Tại sao lại để các tay vợt chơi dưới trời mưa? Tôi không thể thi đấu được với điều kiện này”.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...