A+ A A- Kiểu đọc sách

Nghi vấn dàn xếp tỷ số: Như nhát dao cứa vào tim ATP

06:30 04/02/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao tổ chức quyền lực nhất làng banh nỉ, ATP lại muốn bịt cho kín những bê bối đang bung ra liên quan tới những cáo buộc dàn xếp tỉ số trong thế giới đỉnh cao của tennis thế giới?

Cả một tuần đầu tiên ở Australian Open, các nhà báo chỉ chờ các tay vợt đấu xong rồi hỏi đúng một câu: Nghĩ gì về cáo buộc dàn xếp tỉ số suốt nhiều năm qua của tennis và anh có dính líu không. Các tay vợt, là Federer, Nadal, Djokovic, Murray và rất nhiều những người khác đa phần đều nói rằng họ có thể có dàn xếp tỉ số, nhưng chưa biết ai. Và muốn nó phải được phơi ra dưới ánh sáng.

Cũng ở trong khuôn viên của Melbourne Park ấy, những cuộc họp báo khác diễn ra với các quan chức ITF và ATP. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ATP Chris Kermode nói rằng tổ chức này không tin những cáo buộc ấy. Vì họ đã làm tất cả những gì có thể trong suốt những năm qua để ngăn chặn và điều tra.

Nhưng, những ai còn nhớ một cuộc họp năm ngoái của ATP cũng với sự hiện diện của Kermode, có thể hiểu theo một hướng khác. Hôm ấy, ATP ký hợp đồng với hãng hàng không Emirates, Kermode hoan hỉ thông báo đây là bản hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lịch sử kêu gọi tài trợ của hiệp hội này. Với 160 triệu USD, Emirates đã thay thế hãng bia Corona Extra để trở thành nhà tài trợ chính của ATP World Tour trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, ATP cũng gia hạn hợp đồng tài trợ với các đối tác khác như Hãng ô tô Peugeot, Kính mắt Maui Jim, Tập đoàn dịch vụ công nghệ thông tin Infosys và Công ty giải trí kinh doanh video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, LeSports.


Bản hợp đồng Emirates ký với ATP có số tiền kỷ lục, 160 triệu USD

Hưởng lợi từ bê bối của bóng đá và điền kinh

Theo thống kê của trang web chuyên thống kê dữ liệu statista.com, số tiền tài trợ mà ATP kiếm được hàng năm luôn tăng dần suốt nửa thập kỷ qua. Năm 2010, hiệp hội này thu được 600 triệu USD tiền tài trợ. Con số ấy tăng dần trong những năm 2011 (628 triệu), 2012 (667), và vượt mốc 700 triệu USD vào năm 2013 (708). Một năm sau, ATP kiếm được 739 triệu USD từ tiền tài trợ. Con số thống kê về năm 2015 chưa được công bố, song chắc chắn, nó còn tăng nữa.

Ngoài độ phủ sóng toàn cầu, các nhà tài trợ còn rất quan tâm đến hình ảnh của môn thể thao mà họ đầu tư tiền bạc vào, và quần vợt được cho là chiếm lợi thế hơn các môn khác. “Mọi người giờ đây nhìn nhận quần vợt là một môn thể thao trong sạch, với các VĐV tuyệt vời. Tôi nghĩ quần vợt hiện nay ở vị thế tốt nhất trong lịch sử. Nhiều môn thể thao khác đã gặp các khó khăn, gần đây nhất là điền kinh và bóng đá. Tôi nghĩ rằng các thương hiệu mạnh đang suy nghĩ rất cẩn thận về những môn thể thao mà họ muốn liên kết", chủ tịch Kermode hể hả.

Năm 2015, FIFA chìm trong bê bối tham nhũng, hối lộ và gian lận tài chính, khiến các nhà tài trợ lớn truyền thống như Coca-Cola, Visa, McDonald's, Budweiser phải kêu gọi Chủ tịch Sepp Blatter sớm từ chức nếu không họ sẽ chấm dứt mối quan hệ đối tác với tổ chức lãnh đạo bóng đá thế giới. Và sau những bằng chứng không thể chối cãi, ông Blatter bị cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm. Chủ tịch UEFA Michel Platini Theo kế hoạch, tháng Hai này sẽ diễn ra cuộc bầu chọn để tìm ra vị chủ tịch FIFA mới. Bên cạnh đó, vấn nạn khủng bố và bạo lực cũng khiến các nhà tài trợ giảm bớt sự quan tâm tới môn thể thao vua này.

Điền kinh cũng trải qua một năm đầy giông bão với bê bối điền kinh ở Nga. Theo Sunday Times (Anh) và kênh truyền hình ARD/WDR của Đức, có khoảng 800 VĐV hàng đầu bị nghi ngờ sử dụng doping. Báo cáo này cũng cho rằng có tổng cộng 55 HCV trong tổng số 146 huy chương các loại mà các VĐV đoạt được ở các kỳ Olympic và giải vô địch thế giới trong thời gian 2001-2012 đều bị nghi ngờ “dính” doping.

Nhưng, quần vợt cũng chẳng “sạch sẽ” gì?

Những công bố mới đây của BBC và BuzzFeed News thực sự là một gáo nước lạnh dội vào những phát biểu còn nóng hổi của Kermode. Vị Chủ tịch này đương nhiên đứng ra bác bỏ những thông tin trên nhằm giữ hình ảnh cho ATP, song những nỗ lực của ông có vẻ như vô vọng, bởi những thống kê nhạy cảm cứ dần dần được khui ra. BBC và Buzz Feed đã lựa chọn đúng thời điểm diễn ra Australian Open 2016, Grand Slam đầu tiên trong năm để tung ra “quả bom” này, và mỗi ngày ATP nín thở xem có những bí mật nào khác được tiết lộ. 

Các con số thống kê đưa ra trong những ngày qua thực sự chống lại ATP và Kermode. Hiệp hội an ninh thể thao (ESSA) đưa ra con số trong 9 tháng đầu năm 2015, đã có 49 trận tennis bị nghi dàn xếp tỷ số. Trong khi đó, theo thống kê khác từ phía các nhà cái danh tiếng như William Hill, Ladbroke, SkyBet và bet365 thì các trận “có mùi” của các môn thể thao khác chỉ bằng một phần ba như thế (16).

Vậy Cơ quan liêm chính quần vợt (Tennis Integrity Unit - TIU) sinh ra để làm gì? Có thực sự là TIU và ATP không biết tới những nghi ngờ ấy, đã sờ gáy một số tay vợt nhưng không thu thập được chứng cớ gì đáng giá? Hay họ muốn tiếp tục tạo ra một vỏ bọc tinh tế, lung linh cho tennis trong khi việc phanh phui hàng loạt (nếu có) sẽ tạo nên sụp đổ dây chuyền.

ATP và cả người hâm mộ có lẽ đều không thích bất cứ điều gì ở trên…

Danh sách các tay vợt cùng số trận đấu họ bị BBC và Buzz Feed News nghi ngờ dàn xếp tỷ số

Igor Andreev (Nga): 15

Alex Bogolomov Junior (Nga): 18

Juan Ignacio Chela (Argentina): 15

Ivan Dodig (Bosnia): 12

Matthew Ebden (Nam Phi): 14

Teymuraz Gabashvili (Gruzia): 11

Daniel Gemino-Traver (TBN): 11

Andrey Golubev (Nga): 14

Jan Hajek (Czech): 13

Lleyton Hewitt (Australia): 13

Danis Istomin (Nga): 11

Lukas Lacko (Slovakia): 15

Albert Montanes (TBN): 15

Michael Russell (Mỹ): 13

Janko Tipsarevic (Serbia): 13

Các VĐV thu nhập từ tài trợ như thế nào?

Theo công bố mới đây từ Forbes, tay đấm nổi tiếng Floyd Mayweather vẫn là VĐV kiếm nhiều tiền nhất trong năm, với số tiền lên tới 300 triệu USD, bỏ xa những người kế tiếp như Manny Pacquiao (160), Cristiano Ronaldo (79,6), Lionel Messi (74).

Tuy nhiên, đó là xét về tổng thu nhập, còn nếu chỉ tính riêng về tiền tài trợ thì lại là chuyện khác. Cả Mayweather và Pacquiao chỉ nhận được 12 triệu USD, thua xa Roger Federer (58 triệu USD) và thậm chí không lọt vào Top 10. Các tay vợt trong Top 100 nhân vật kiếm tiền nhiều nhất năm cũng có số tiền tài trợ rất cao, chẳng hạn như Novak Djokovic (31 triệu USD), Rafael Nadal (28 triệu USD), và Maria Sharapova (23 triệu USD).

Rõ ràng giá trị hình ảnh ở quần vợt được đánh giá cao hơn so với quyền Anh, và thậm chí là cả bóng đá Cũng được coi là môn thể thao “sạch sẽ”, golf cũng là môn thể thao được các nhà tài trợ đánh giá rất cao, và nhờ thế, số tiền tài trợ cho các golfer cũng rất hấp dẫn. Trong năm vừa qua, ngôi sao Tiger Woods kiếm được 50,6 triệu USD thì có đến 50 triệu USD đến từ tiền tài trợ (!) Phil Mickelson (48) và Rory McIlroy (32) là những minh chứng khác.

Top 10 VĐV có tiền tài trợ cao nhất năm qua (đơn vị: triệu euro)

Tên (môn) Tài trợ Tổng thu nhập

Roger Federer (quần vợt) 58 67

Tiger Woods (golf)` 50 50,6

Phil Mickelson (golf) 48 50,8

LeBron James (bóng rổ) 44 64,8

Kevin Durant (bóng rổ) 35 54,2

Rory McIlroy (golf) 32 48,3

Novak Djokovic (quần vợt) 31 48

Rafael Nadal (quần vợt) 28 32,5

Cristiano Ronaldo (bóng đá) 27 79,6

Mahendra Singh Dhoni (cricket) 27 31

Phương Chi

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...