(Thethaovanhoa.vn) - Chủ nhật vừa rồi, Novak Djokovic đã sử dụng những lời lẽ phân biệt giới tính của GĐĐH BNP Paribas Open Raymond Moore, và nhân cơ hội đó để gợi lại cuộc tranh luận đã kéo dài cả thập kỷ về chuyện tiền thưởng giữa nam và nữ trong quần vợt.
Trước đó, Moore đã phát biểu gây sốc về các tay vợt nữ như sau: “Nếu có kiếp sau, tôi muốn trở thành một tay vợt WTA, bởi vì họ chỉ cần chạy theo và hưởng lợi từ các VĐV nam. Họ không cần đưa ra quyết định gì cả, mà lại còn gặp nhiều may mắn, rất may mắn. Nếu là một nữ VĐV, tôi sẽ quỳ gối mỗi đêm và cảm ơn Chúa đã cho Roger Federer và Rafael Nadal có mặt trên đời, bởi lẽ họ sinh ra là để đưa môn thể thao này đến với mọi người. Họ thực sự đã làm như vậy”. Moore còn cho rằng các tay vợt nữ đã quá may mắn khi được nhận tiền thưởng tương đương với các tay vợt nam.
Novak Djokovic đã lên tiếng xin lỗi vì lời nhận xét của ông về bình luận của Raymond Moore, CEO của giải Indian Wells, về việc bất bình đẳng giữa các tay vợt nam và nữ.
Khi Nole lỡ miệng hùa theo Moore
Dư luận đã “ném đá” gay gắt về phía Moore và ông này đã phải từ chức tối hôm thứ Hai dù đã đưa ra lời xin lỗi. Nhưng Djokovic, chỉ vài giờ sau đó lại tỏ ra đồng tình với vị cựu CEO này bằng phát biểu: “Tôi nghĩ rằng tiền thưởng của các tay vợt nam nên nhiều hơn so các tay vợt nữ. Theo số liệu thống kê, số lượng khán giả ở các trận thi đấu của ATP thường nhiều hơn so với WTA. Đó là một trong những lý do tại sao nam giới nên được thưởng nhiều hơn”. Và cho đến thứ Ba vừa qua, Djokovic cũng vẫn chưa rút lại lời nói của mình.
BNP Paribas Open – hay còn gọi là Indian Wells diễn ra ở California, là một trong những giải đấu ATP – WTA lớn nhất ngoài Grand Slam. Tay vợt nữ số 1 thế giới Serena Williams, sau khi để thua Victoria Azarenka trong trận chung kết hôm Chủ nhật đã tỏ ra rất sốc với những phát ngôn như vậy của Moore chỉ 6 tháng sau trận chung kết US Open. Bởi vì với niềm tin Serena sẽ giành chức vô địch Grand Slam thứ 22, vé trận chung kết nữ thậm chí đã bán hết trước cả trận chung kết nam. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu, điều như vậy xảy ra.
“Tôi xin lỗi, thế Roger có thi đấu trận chung kết đó không”, Serena hỏi gặng, “Hay là Rafa, hay là bất kỳ một tay vợt nam nào có đấu ở một trận chung kết mà vé được bán hết nhanh như thế không?”
Chỉ một ngày sau phát biểu coi thường quần vợt nữ, Giám đốc điều hành giải quần vợt Indian Wells, ông Raymond Moore đã quyết định từ chức, vì không chịu nổi áp lực từ dư luận.
Bài học cho Nole
Giống như Moore, có vẻ như Djokovic cần một bài học và từ đây chắc anh sẽ nằm trong “sổ đen” của nhiều tay vợt nữ. Trước đó, tay vợt không mấy thành danh như Ernests Gulbis (người tự nhận mình là một thằng ngốc) cho rằng các tay vợt nữ nên tập trung vào việc lập gia đình và có con hay như Gilles Simon thì cũng nói qua nói lại về chuyện tiền thưởng nam nữ. Nhưng một tay vợt tầm cỡ như Djokovic mà để phát ngôn này ảnh hưởng đến uy tín thì quả là đáng trách. Anh là một nhà vô địch Grand Slam và từng lên ngôi ở đó tới 11 lần, người mà vẫn còn cơ hội phá kỷ lục của Federer để trở thành tay vợt vĩ đại nhất lịch sử.
Từ giờ cho đến khi Djokovic đưa ra một lời giải thích, thì quần vợt nam đang được dẫn đầu bởi một người đàn ông nghĩ rằng việc quay ngược kim đồng hồ để bàn về một cuộc tranh luận từ 40 năm trước là chuyện bình thường. Có một chuyện mà có lẽ Djokovic không biết. Đó là khi Billie Jean King cùng vài người nữa thành lập ra Hội liên hiệp quần vợt phụ nữ đầu những năm 1970. Ngày đó, một trong những vị giám đốc giải đấu là Jack Kramer cũng đã từng lên tiếng mỉa mai các tay vợt nữ. Và King đã cảm thấy tổn thương khi mà không chỉ các tay vợt nam mà cả những người bạn thân của bà cũng nói với giọng điệu kiểu như: “Chẳng ai sẽ trả tiền để xem mấy bà phụ nữ chơi đâu”. Lúc bấy giờ thì King là người đầu tiên tuyên bố: Những vận động viên thể thao còn là những người làm giải trí, vì vậy số tiền mà họ được nhận không dựa trên số giờ họ thi đấu mà bằng những giá trị họ cống hiến cho khán giả.
Có lẽ Djokovic không ác ý, anh chỉ nêu lên suy nghĩ thật của mình, và trong một phút hồ đồ, không nắm rõ lịch sử quần vợt, tay vợt người Serbia không ý thức được rằng những lời anh nói ra chẳng khác gì ủng hộ tư tưởng phân biệt giới tính của Moore.
Djokovic đã từng bày tỏ sự cảm thông với “hormone và một vài chuyện khác” của phụ nữ, và nhấn mạnh “Tôi yêu và cưới một người phụ nữ”. Nhưng anh lại cho rằng các trận đấu của nam hấp dẫn hơn, nên xứng đáng được nhiều tiền hơn. Mâu thuẫn chồng chất. Không biết Nole sẽ giải thích ra sao hay chỉ để mọi chuyện tự “ngủ yên” trong im lặng.
42,3 US Open đang giữ kỷ lục về số tiền thưởng khi chi ra 42,3 triệu USD ở giải năm ngoái. Hai nhà vô địch đơn nam, đơn nữ đều nhận 3 triệu USD.
97 Tổng số tiền thưởng mà Djokovic đã nhận được từ khi bắt đầu sự nghiệp tới nay đã lên tới hơn 97 triệu USD. Cụ thể là 97.171.298 USD 11 Djokovic đã giành được 11 danh hiệu Grand Slam. Chẳng mấy chốc nữa anh sẽ đuổi kịp Rafael Nadal (14). |
Yến Nhi
Theo ESPN