A+ A A- Kiểu đọc sách

Coi chừng, Nole! Federer còn nguyên khát vọng

14:29 19/12/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Đằng sau quyết định chia tay một huyền thoại (Stefan Edberg) để gắn bó một tay vợt chỉ già hơn mình 2 tuổi và mới giải nghệ cách đây không lâu (Ivan Ljubicic) là gì? Roger Federer chắc chắn có những tính toán của riêng mình, mà nếu không để tâm, Novak Djokovic có thể phải trả giá đắt vào mùa tới.

Với nhiều người, đó là một quyết định lạ lùng bởi trong hai năm gắn bó, Stefan Edberg được xem là đã thổi một luồng gió mới vào Federer, giúp anh hồi sinh thực sự để tiếp tục duy trì ở đỉnh cao. Ở tuổi 34, Federer vẫn giành đến 6 danh hiệu trong đó có 1 Masters 1.000 và lọt vào hai trận chung kết Grand Slam (Wimbledon, US Open - đều thua Novak Djokovic).

Trước khi làm HLV cho Federer, Edberg không hề có ý định dấn thân vào nghiệp huấn luyện. Chính vì thế, thành công của ông là một bất ngờ lớn. Huyền thoại người Thụy Điển có đóng góp cực lớn trong lối chơi tấn công nhanh mà Federer đã triển khai rất thành thục. SABR (Sneak Attack by Roger) được xem là một phát kiến vĩ đại về chiến thuật. Đó là những pha tiến sâu vào trong sân để trả bóng sớm sau những pha giao bóng lần hai của đối phương.

Nhắm Ljubicic để hạ Djokovic

Dù rất hài lòng với Stefan Edberg, nhưng một tay vợt lớn và giàu tham vọng như Federer là người không dễ dàng thỏa mãn. Anh không phải mẫu người có thể tự nhủ rằng “Ồ, thật là tuyệt, nên nhớ mình đã 34 tuổi”. Anh không thể hài lòng khi đã thua Djokovic ở hai trận chung kết lớn nhất trong năm, Wimbledon và US Open. Anh vẫn đau đáu làm thế nào để đánh bại Djokovic ở lần chạm trán sắp tới. Đó là lý do dẫn đến việc anh chia tay Stefan Edberg và thuê Ivan Ljubicic

“Điều đầu tiên, đó là nếu bạn nghĩ rằng mình không thể tiến bộ, thì bạn sẽ không thể”, chuyên gia phân tích quần vợt Brad Gilbert của ESPN nhận định. Vị cựu HLV của Andre Agassi và Andy Roddick khẳng định “Với tiêu chuẩn thông thường, Roger đã có một năm đáng nhớ, nhưng điều tuyệt vời hơn cả chính là từ trong thâm tâm mình, anh nghĩ rằng mình vẫn có thể tốt hơn nữa. Anh không bao giờ hài lòng với vị thế ấy và đã nghĩ đến việc làm thế nào để đánh bại Djokovic trong một trận đấu theo thể thức 5 set. Việc thuê Ljubicic cho thấy Federer tự tin như thế nào về khả năng anh có thể đánh bại được Djokovic. Động thái ấy cho thấy Djokovic đang nhìn nhận mọi việc theo hướng rất tích cực”.


Ljubicic được biết đến với những cú giao bóng sấm sét và cú thuận tay uy lực. Giống như Federer, anh cũng đánh trái một tay

Mặc dù đội trưởng đội tuyển quần vợt Thụy Sĩ Severin Luthi là HLV của Federer từ khá lâu, nhưng song song với ông, tay vợt này còn lần lượt thuê Tony Roche, Paul Annacone và Stefan Edberg để cải thiện những điểm yếu riêng của mình. Roche, người sở hữu lối chơi serve-and-volley từ thủa bình minh của kỷ nguyên Open, từng giúp Federer mài giũa những cú cắt trái nhanh, song ông có vai trò như một người cha hơn là một chiến thuật gia. Annacone thì rất cố gắng giúp Federer tấn công nhiều hơn nhưng không có nhiều tác dụng cho đến khi Edberg gia nhập đội ngũ huấn luyện.

Và bây giờ, đến lượt Ljubicic.

Ngón nghề nào với Ljubicic?

Đó là một câu hỏi thú vị, và chỉ thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng nhất. Tay vợt cao 1m93 này chưa từng chơi một trận chung kết Grand Slam nào, song đã từng có lúc xếp hạng ba thế giới. Ljubicic được biết đến với những cú giao bóng sấm sét và cú thuận tay uy lực. Giống như Federer, anh cũng đánh trái một tay, song đó là những cú đánh đi sâu hơn và bóng nặng hơn.

Từ sự kiện Federer chia tay Edberg: Không phải 'siêu HLV' nào cũng thành công

Từ sự kiện Federer chia tay Edberg: Không phải 'siêu HLV' nào cũng thành công

Tuần trước, cả Roger Federer và Madison Keys đều lần lượt chia tay những HLV tên tuổi (Stefan Edberg, Lindsay Davenport) để lựa chọn người dẫn dắt ít tiếng tăm hơn.


Điểm yếu của Feerer bây giờ là cú trái tay bị thiếu lực và quỹ đạo bay không được ổn định. Đó là những điểm có thể bị khoét sâu khi gặp phải những đối thủ có cú giao bóng khủng khiếp. Khả năng di chuyển là điểm yếu lớn nhất của Ljubicic hồi còn thi đấu, song đó lại là điểm mạnh của Federer và không cần phải cải thiện.

Trong nhiều năm qua, Ljubicic đã có tiếng là một chiến thuật gia xuất sắc. Federer hiểu điều đó hơn hầu hết những đồng nghiệp của mình. Trước khi có mối quan hệ thầy-trò, họ đã là một đôi bạn và ở cùng thế hệ (Ljubicic hơn Federer 2 tuổi). Họ còn từng hơn một lần là đối tác tập luyện của nhau. “Hai người này hiểu nhau rất rõ, nhưng thật khó tưởng tượng rằng Roger lại thay Ivan, trừ phi vị HLV này đã trình bày một đống ý tưởng với anh.”, Gilbert nhận xét.  

Nhưng có một nguyên nhân đặc biệt khiến Ljubicic có thể trở thành “vũ khí bí mật” của Federer. Tay vợt người Croatia này cũng là bạn đồng thời là hàng xóm của Djokovic ở Monte Carlo. Có thể, Ljubicic biết được những bí kíp đặc biệt để ngăn chặn Nole, mà người khác không biết.

2 năm của Federer với Edberg

Thắng 136 - thua 23

Số danh hiệu ATP: 11

Tiền thưởng: 18.026882 USD

Tại Grand Slam: Á quân Wimbledon 2014, 2015, Á quân US Open 2015.

Vô địch Davis Cup 2014

Xếp hạng ATP cao nhất: hạng 2 (hiện tại là 3)

Ivan Ljubicic

Sinh ngày 19/03/1979

Thi đấu chuyên nghiệp: 1998-2012

Thắng 429 trận - thua 296

Danh hiệu ATP: 10

Thành tích tốt nhất tại Grand Slam: Bán kết Roland Garros 2006

Vô địch Davis Cup 2005

Sự nghiệp HLV: Dẫn dắt Milos Raonic lọt vào tứ kết Roland Garros 2014, Australian Open 2015 và bán kết Wimbledon 2014, giành 4 danh hiệu ATP.

Đồng thời làm quản lý cho Tomas Berdych. Hiện là trợ lý HLV của Roger Federer, cùng với Severin Luthi.

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...