A+ A A- Kiểu đọc sách

Chung kết đơn nam Wimbledon 2016: Cuộc chiến giữa hiện tại và tương lai

06:25 10/07/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Andy Murray và Milos Raonic sẽ gặp nhau ở chung kết đơn nam Wimbledon. Người ta đang đặt cược lớn vào Grand Slam thứ 3 cho tay vợt chủ nhà nhưng đừng quên Milos Raonic cũng là một chiến binh bẩm sinh.

Đánh bại “tàu tốc hành” Roger Federer sau 5 set căng thẳng với các tỷ số 6-3, 6-7 (3), 4-6, 7-5, 6-3, Raonic đã lần đầu tiên vào chung kết một Grand Slam. Trong 4 set đầu, Raonic chơi không hề dưới cơ Federer, thậm chí có thể giành chiến thắng trước cả khi bước vào set thứ 5 nhưng tay vợt người Thụy Sĩ đã luôn vượt qua được những thời điểm khó khăn và nhất là anh giành được sự cổ vũ của khán giả Anh.

Raonic nay đã “lớn”

Sự nghiệp của Raonic từ trước tới nay đều được xác định bởi sự bất lực của anh ở những thời khắc quan trọng nhất trên những sân đấu lớn. Nhưng điều này không có nghĩa Raonic là một tay vợt tâm lý kém, mà anh chưa đủ “chín” để vượt qua những tay vợt lớn khác ở các thời điểm “một mất một còn”.

Không nhiều người nghĩ Raonic có thể vượt qua Federer, nhất là khi anh dẫn trước, rồi lại để thua 2 set sau đó. Bước ngoặt của trận đấu chính là ở jeux thứ 12 set thứ 4, khi tỷ số là 6-5 và Raonic dẫn 40-0. Và sau khi tỷ số là 40-15, Federer mắc lỗi giao bóng kép, Raonic hiểu rằng anh chỉ còn duy nhất một cơ hội để vượt qua “tàu tốc hành”. Và anh đã không mắc sai lầm nữa, đánh bại Federer dễ dàng ở set cuối cùng.

Chủ đề chính khi nói về Raonic khi mùa giải sân cỏ bắt đầu chính là việc anh chọn John McEnroe là cố vấn HLV để củng cố đội ngũ huấn luyện gồm Riccardo Piatti và cựu số 1 thế giới Carlos Moya. Như khi Raonic từng đùa gọi bản thân anh là “CEO của đội Milos Raonic”, rõ ràng đã chỉ ra rằng anh đánh giá cao bản thân hơn tất cả những vị chuyên gia cùng hợp tác với mình nhưng cũng cho thấy dường như đang có hơi nhiều “ngôi sao” trong đội ngũ huấn luyện của mình. Bước ngoặt lớn mà người ta thấy ở Raonic là việc anh giũ bỏ “cái tôi” xuống và chỉ ra rằng huyền thoại McEnroe có thể cộng tác với anh để giúp anh.

Bây giờ Raonic đã tin vào cái gọi là HLV, hơn là vị CEO Raonic do anh tự bình chọn. Cuối cùng thì anh đã cho thấy quyết định của mình đúng đắn bởi McEnroe đã phần nào giúp anh bước vào trận chung kết Grand Slam, mà hay hơn nữa, là đánh bại được Federer.

Murray không còn sợ thua cuộc

Murray thì có cả nước Anh ở bên ủng hộ, và đừng quên rằng Wimbledon diễn ra ở London. Anh đã làm được kỳ tích này ở Wimbledon 2013, phá những cái “dớp” khá khủng khiếp cho quần vợt Anh Quốc sau 74 năm kể từ thời của Fred Perry.

Trên BBC mới đây có một mục riêng để Murray tự viết về mình và các trận đấu. Trong đó, anh có viết thế này: “Có người mới nói với tôi rằng tôi đã vào chung kết quá nhiều mà mới chỉ vô địch 2 lần. Nhưng tôi nghĩ tất cả những gì tôi có thể làm là cố sức để vô địch thêm lần nữa. Tôi không sợ nếu mình thua. Nó không còn giống như sau khi thua vài trận chung kết Grand Slam như tôi từng cảm nhận trước đây nữa. Tôi chỉ cố gắng, tiếp tục cật lực tập luyện và nhờ đến sự giúp đỡ và lời khuyên của nhiều người, nhiều HLV khác nhau”.

Murray ở cửa trên là điều hiển nhiên. Nhưng trong thể thao không ai nói trước được điều gì. Bằng chứng gần nhất là thất bại tại vòng 3 của Novak Djokovic. Và trong 2 năm trở lại đây, người ta cũng được chứng kiến những Stan Wawrinka, Marin Cillic lên ngôi ở Grand Slam. Vậy nên nếu danh hiệu thuộc về Murray hay Raonic, thì đó chỉ nên được coi như một câu chuyện thú vị và hào sảng của Wimbledon 2016, chứ không thể coi là bất ngờ.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...