A+ A A- Kiểu đọc sách

Australian Open: Ai còn nhớ Monica Seles?

19:11 02/02/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 110 năm lịch sử, Australian Open đã từng chứng kiến một sự kiện được trang web “This day in History" (Ngày này năm xưa) đưa thành sự kiện đại diện thể thao. Đó là ngày 27/1/1996 khi Monica Seles giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên sau vụ bị tấn công bằng dao ở Hamburg, Đức năm 1993.

Khi mà hàng loạt những cây vợt hạt giống nữ sớm văng khỏi mặt sân cứng ở Melbourne mùa này, thì có ai còn nhớ đến Monica Seles?

Ngày đen tối của quần vợt

14 tuổi bắt đầu chơi quần vợt chuyên nghiệp, 17 tuổi đã vô địch Roland Garros 1990 và chỉ 2 năm sau đã liên tiếp đăng quang ở Australian Open và US Open. Một số 1 mới ra đời và những cuộc đối đầu giữa Monica Seles - Gabriela Sabatini - Steffi Graf luôn là tâm điểm của làng banh nỉ nữ. Và không ai khác, chính Monica đã đưa tượng đài Martina Navratilova vào quá khứ.

Thế nhưng, bi kịch cũng sớm ập xuống. Ngày 30/4/1993, Gunter Parche, một người hâm mộ cực đoan tay vợt người Đức Steffi Graf, đã dùng dao tấn công Seles khi giải Citizen Cup tại Hamburg đang diễn ra ở vòng tứ kết. Ở thời điểm đó,  Seles đã giành tới tới 8 danh hiệu Grand Slam với 3 chức vô địch ở Roland Garros, 3 ở Australian Open và 2 ở US Open.

Clip Monica Seles bị Gunter Parche dùng dao tấn công


Bị ám ảnh bởi thần tượng và muốn Graf bảo vệ được ngôi số 1 thế giới khỏi tay Seles, Parche đã bí mật theo dõi cô. Và ở trận tứ kết với Magdalena Maleeva, Parche đã vượt rào xuống sân và đâm vào giữa bả vai Seles bằng con dao dài hơn 25cm trước sự chứng kiến của 6.000 khán giả. Nhưng Parche đã không phải ngồi tù, chỉ phải chịu 2 năm án treo vì các bác sĩ cho biết hắn mắc chứng tâm lý không ổn định.

Sau tai nạn đó, Seles đã không hề cầm vợt trở lại trong khoảng hơn 2 năm. Vào tháng 8 năm 1995, cô giành chức vô địch đầu tiên kể từ lúc tái xuất tại Canadian Open khi đánh bại Amanda Coetzer ở trận chung kết với tỷ số 2 set là 6-0, 6-1. Tại US Open năm ấy, Seles cũng lọt vào chung kết và để thua Graf tại đây với tỷ số các set là 6-7, 6-0, 3-6. Nhưng vào tháng 1/1996, tâm lý của Seles đã hồi phục gần như hoàn toàn bằng chức vô địch tại Australian Open.


Vào tháng 8 năm 1995, Seles giành chức vô địch đầu tiên kể từ lúc tái xuất tại Canadian Open

Chỉ tiếc đó là danh hiệu vô địch cuối cùng bởi phong độ đỉnh cao của cựu tay vợt sinh năm 1973 này thì đã mãi rời xa. Thêm vào đó, những chấn thương sau này cũng cản trở sự nghiệp của Seles. Lần cuối cùng cô lọt vào chung kết một giải Grand Slam là tại Roland Garros năm 1998 khi Seles đánh bại tay vợt số 3 thế giới Jana Novotna và số 1 Martina Hingis trước khi để thua Arantxa Sanchez Vicario sau 3 set đấu. Seles đã không còn thi đấu đều đặn bắt đầu từ năm 2003 cho đến khi từ giã sự nghiệp vào năm 2008.

Khủng hoảng kéo dài

Ký ức kinh hãi đó ảnh hưởng rất nhiều tới Seles, khiến cô luôn thận trọng tối đa trong cuộc sống hàng ngày. Cách đây vài năm, khi được hỏi lại về tai nạn đó, Seles bộc bạch: “Tôi thực sự không muốn sống mãi với những ám ảnh trong quá khứ. Nhưng không thể thay đổi được điều đó. Tất nhiên, tôi ước sao mình không phải chịu cái cảnh đau đớn ấy vẫn tiếp tục thi đấu và đạt được đỉnh cao nhất trong sự nghiệp".

Ngay trong năm đó, cô đã xây dựng căn hộ xa xỉ ở Laurel Oak, một câu lạc bộ golf tư do các thành viên làm chủ đồng thời là một CLB thể thao ngoài trời được đặt tại Sarasota Florida (Mỹ). Căn nhà của Seles là một sản phẩm độc nhất vô nhị nằm trong Laurel oak và không thường được thấy trong các căn nhà tại CLB thể thao ngoài trời khi nó có một sân quần vợt. Thực tế thì Seles xây 2 sân nhưng nhiều năm trước cô đã thay sân đất nện bằng sân cỏ St. Augustine để có thể tập luyện ngay trong nhà mình một cách an toàn.


Seles đang sống hạnh phúc cùng người bạn trai doanh nhân 73 tuổi Tom Golisano

“Tôi vẫn là một người bình thường thôi”, Seles nói vậy. Nhưng ai cũng biết chấn thương tâm lý đã ảnh hưởng tới cô thế nào. Cựu số 1 thế giới đã chia sẻ về cuộc hành trình hồi phục tinh thần trong cuốn tự truyện “Getting A Grip: On My Body, My Mind, My Self” xuất bản năm 2008. Seles đã nói về cuộc tấn công, bệnh rối loạn ăn uống, chấn thương bàn chân và cái chết của bố mình từ bệnh ung thư dạ dày đã khiến cô lâm vào trạng thái suy sụp hoàn toàn. Seles nói đó là “một cuộc tra tấn tàn bạo”.

“Bệnh ung thư của bố tôi là cú đánh lớn nhất. Khi bạn nghĩ rằng bố của bạn mạnh mẽ như một cái áo chống đạn thì ông lại phải chống chọi với tử thần. Khi ông ấy hàng giờ đấu tranh bệnh tật thì tôi cũng có cuộc chiến của tôi với chứng nghiện ăn. Ông ấy không thể tiêu hóa còn tôi thì có thể ăn nhiều gấp 10 lần người bình thường. Tất cả những thứ ấy đã dồn tôi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Tôi lên cân rất nhiều và nó bắt đầu ảnh hưởng sự nghiệp, công việc của tôi. Đó cũng là lúc người ta bình luận về sự xuống tay của tôi nữa. Tôi bị đâm năm 19 tuổi. Hãy tưởng tượng rằng nó khủng khiếp thế nào. Phải 4, 5 năm sau đó tôi vẫn luôn sống trong sợ hãi”, Seles bộc bạch. Hồi tháng 4 năm ngoái, Seles đã đăng trị giá căn nhà rộng 600 mét này lên một trang về bất động sản. Giá của nó lên tới 1,85 triệu đô la.

Khi trời quang mây tạnh

Hiện Seles vẫn đang sống hạnh phúc cùng người bạn trai doanh nhân 73 tuổi Tom Golisano, vị tỉ phú với khối tài sản ước tính khoảng 2 tỉ đô la. Golisano là nhà sáng lập của Paychex, doanh nghiệp lớn thứ hai tại Mỹ trong lĩnh vực cung cấp bảng lương và các dịch vụ thương mại khác. Năm 1985, Golisano sáng lập quỹ từ thiện B Thomas Golisano Foundation chuyên quyên góp ủng hộ các hoạt động liên quan tới tôn giáo, y tế, giáo dục và nghệ thuật. Họ bắt đầu kết đôi năm 2009 khi ông Golisano đã ly dị vợ. Hồi mùa hè năm ngoái, Golisano tiết lộ ông và Seles đang nghĩ về một đám cưới.

Ngoài ra, Seles vẫn đang tích cực làm từ thiện khi là thành viên thường trực của học viện Laureus World Sports gồm 46 vận động viên huyền thoại dùng thể thao để mang lại sự thay đổi tích cực cho xã hội. “Mỗi chúng tôi đều có thể mang lại những kỹ năng, thiết bị và tiền cho trẻ em trên toàn thế giới để tất cả có điều kiện để học quần vợt. Môn thể thao này đã thay đổi cuộc đời tôi. Chỉ cần một quả bóng nhỏ và một cây vợt và bạn có thể leo lên đến những đỉnh cao”, Seles tâm sự về mong ước của mình.

Dù thế nào, Seles vẫn là một trong những vận động viên thể thao vĩ đại nhất lịch sử và tên cô luôn ở trong “Ngôi đền huyền thoại” của quần vợt. Và ký ức đau thương ngày trước giờ cũng đã ngủ yên

Vụ đập vợt của John McEnroe 

Sự kiện thứ 2 của Australian Open cũng được trang “This Day in History” nhắc tới đó là vào ngày 21/1/1990 khi huyền thoại John McEnroe bị loại vì hành vi đập vợt, cãi nhau với trọng tài.

Kể từ đó, “truyền thống” đập vợt cũng bắt đầu lan tràn khắp các sân đấu. Ngày ấy tại Melbourne, McEnroe của tuổi 30 đang trên hành trình chinh phục danh hiệu Grand Slam đầu tiên kể từ sau chức vô địch tại US Open 1984.

Tuy nhiên, trong trận đấu với vòng 4 với đối thủ người Thụy Điển Mikael Pernfors, anh đã nổi nóng đập vợt và cãi cọ với trọng tài Gerry Armstrong .

Yến Nhi

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...