Tay vợt Lê Đức Phát: Tiếp bước thần tượng Tiến Minh
Lê Đức Phát bắt đầu hành trình chinh phục Olympic 2024 với hi vọng tiếp nối những gì mà Nguyễn Tiến Minh - tượng đài cầu lông Việt Nam đã từng làm được.
Cùng với cua-rơ Nguyễn Thị Thật, Lê Đức Phát có vinh dự là người cầm cờ của Đoàn Thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024. Tay vợt 26 tuổi đồng thời cũng đi vào lịch sử khi là một trong tám VĐV môn cầu lông (nhiều nhất từ trước tới nay) dẫn đầu một đoàn thể thao quốc gia trong lễ khai mạc Thế vận hội.
Đức Phát có thể xem là hình mẫu của VĐV trưởng thành trong màu áo lính. Tay vợt sinh năm 1998 bén duyên với thể thao từ sớm, do có bố là võ sĩ boxing Lê Văn Đức. Tuy nhiên, Đức Phát sớm cảm thấy không hợp với môn võ này và tìm thấy đam mê ở cầu lông.
16 tuổi, Đức Phát bắt đầu ghi dấu ấn và bắt đầu hành trình thi đấu đỉnh cao với danh hiệu kiện tướng quốc gia nhờ vô địch giải trẻ, giành HCĐ giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc và HCĐ giải quốc tế tại Nepal. Tay vợt sinh năm 1998 xếp hạng 241 thế giới trong thời gian này và lọt top 150 thế giới vào năm 2017 sau khi giành HCV giải Pakistan International Series.
Tuy nhiên, một chấn thương nghiêm trọng đã khiến VĐV Quân đội gặp nhiều khó khăn trong hành trình vươn lên. Nuôi quyết tâm trở lại và từ năm 2022, VĐV 26 tuổi bắt đầu vươn lên mạnh mẽ, thậm chí vượt qua thần tượng của mình là Nguyễn Tiến Minh - người vừa là thầy, vừa là bạn đồng hành và là đối thủ trong nhiều năm qua khi tập luyện tại TP.HCM.
Hành trình chinh phục vé Olympic Paris 2024 của Đức Phát không có sự bứt phá mạnh mẽ như Thùy Linh, VĐV được đánh giá tên tuổi hơn trong làng cầu lông Việt Nam. Nhưng Đức Phát cho thấy sự kiên trì và bền bỉ, tập trung vào những giải đấu vừa sức để tích điểm. Đến năm 26 tuổi, Đức Phát chính thức có vé đến Pháp sau một hành trình gian nan, tưởng chừng phải bỏ cuộc vì chấn thương ở vòng loại.
Với thể hình 1m80 lý tưởng, VĐV đang mang quân hàm trung úy được kỳ vọng có thể gây bất ngờ trong lần đầu dự Thế vận hội. Trước tiên, tay vợt Quân đội cần gạt đi những lo lắng, áp lực tâm lý để cố gắng thi đấu tốt từng trận. Cùng với Thùy Linh, Đức Phát tới Pháp từ ngày 21/7 để làm quen và đã sẵn sàng cho các trận chính thức.
Đức Phát tự đánh giá, khi chung bảng K với sự VĐV Prannoy Kumar (hạt giống số 13) và Fabian Roth thì anh có thể đánh bại được Fabian Roth. "Tôi đã từng thắng đối thủ người Đức tại giải Ba Lan cách đây hai tháng. Còn tay vợt người Ấn Độ thực sự rất mạnh. Với tinh thần phấn chấn và với sự thoái mái, tôi hy vọng sẽ có kết quả tốt khi tranh tài với đối thủ này".
Ở tuổi 26, Đức Phát đang trong độ chín của sự nghiệp. Đấu trường Olympic là cột mốc đáng nhớ nhưng niềm hi vọng lớn nhất của cầu lông nam Việt Nam cần thể hiện nhiều hơn để chứng tỏ khả năng tiến xa và bước đột phá trong sự nghiệp.
LỊCH THI ĐẤU ĐOÀN THỂ THAO VIỆT NAM NGÀY 30/7
* Môn Rowing:
14h40: Phạm Thị Huệ - Tứ kết nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng (Lượt 2)
* Môn Cầu lông:
1h20 ngày 31/7: Lê Đức Phát vs Fabian Roth (Đức) - Vòng đấu bảng nội dung đơn nam.