Trực tiếp Juventus vs Barcelona: Người ốm gặp kẻ yếu
(Thethaovanhoa.vn) - Đây sẽ là trận đấu thượng đỉnh của hai nhân vật bóng đá lớn nhất thế giới đương đại Ronaldo-Messi nếu như vào phút cuối cùng, Covid-19 buông tha tiền đạo người Bồ Đào Nha và Messi không bị nuốt chửng bởi những vấn đề nội tại của Barcelona.
Lịch thi đấu bóng đá vòng bảng Cúp C1 Champions League: Lượt trận thứ 2
* 00h55 ngày 29/10: Krasnodar vs Chelsea (K+PM)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/kpm
* 00h55 ngày 29/10: Istanbul vs PSG (K+NS)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/kns
* 03h00 ngày 29/10: MU vs Leipzig (K+PC)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/kpc
* 03h00 ngày 29/10: Juventus vs Barcelona (K+PM)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/kpm
* 03h00 ngày 29/10: Sevilla vs Rennes (K+1)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/k1
* 03h00 ngày 29/10: Dortmund vs Zenit (K+NS)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/kns
* 03h00 ngày 29/10: Club Brugge vs Lazio (K+Live 1)
* 03h00 ngày 29/10: Ferencvaros vs Dynamo Kiev (K+Live 2)
Nhưng chờ đợi màn so tài của hai siêu sao này chỉ là một phần của trận thư hùng mà người ta còn muốn chứng kiến sự trở lại của hai đội bóng đang trải qua những giây phút uể oải, khi cuộc cách mạng bóng đá của cả Pirlo và Koeman đều đang lỗi nhịp, khiến cho Juventus và Barcelona trở nên chậm chạp, nặng nề và ủ rũ hơn bao giờ hết. Và người ta bắt đầu nhìn thấy một kịch bản tồi tệ cho cả hai đội bóng, một thất bại từ bất kì phía nào đều có khả năng trở thành cuộc khủng hoảng không thể đoán định ở phía trước.
Lão bà mệt mỏi
Chưa bao giờ người ta thấy biệt danh Lão phu nhân lại giống với hình ảnh của Juventus đến như vậy, nó không phải là sự quyền quý hay cao sang mà là sự già nua và ốm yếu. Cái cơ thể đang được tái tạo bởi những cầu thủ trẻ như Arthur, McKennie, Kulusevski, Chiesa dường như không thể hấp thụ được năng lượng từ họ mà ngược lại, còn khiến cho mọi thứ trở nên bất ổn hơn.
Thứ bóng đá khoa học, chính xác, tốc độ và chặt chẽ dưới thời Max Allegri bị triệt tiêu trong tay Sarri và để lại một sự mục ruỗng nào đó buộc Andrea Pirlo phải chữa trị một cách triệt để nhưng cho đến thời điểm này của mùa giải, HLV 41 tuổi còn chưa lách được những mũi dao đầu tiên cho cuộc phẫu thuật quan trọng của câu lạc bộ.
Mất Ronaldo là một thiệt thòi được nhìn thấy rõ từ những kết quả nghèo nàn tại Serie A, không có anh, tỉ lệ chiến thắng của Juventus từ 73% rơi xuống 50%, và Lão phu nhân trở nên mệt mỏi trong việc tìm kiếm bàn thắng trước những đối thủ làng nhàng như Crotone hay Verona, dù cho Alvaro Morata đã cố gắng khỏa lấp sự thiếu vắng đó bằng việc ghi bàn từ trận này qua trận khác.
Và rắc rối chưa buông tha Pirlo khi hàng thủ đột nhiên trở thành điểm yếu mà bất cứ đối thủ nào cũng có thể tấn công vào đó để lấy đi những điểm số trong tay Juventus. Chấn thương của những trụ cột như Chiellini, Bonucci hay De Ligt là sự biện minh lý tưởng nếu Pirlo cần bào chữa trước những lời chỉ trích và sự lo lắng.
Nhưng phần việc của một chiến lược gia là gì nếu không phải là xử lý những rắc rối đấy bằng những công thức có thể bảo đảm giá trị của đội bóng không bị mất đi vì sự vắng mặt của những ngôi sao như một hệ thống chiến thuật ổn định hoặc khéo léo sử dụng những người còn lại một cách tốt nhất.
Pirlo, chắc chắn cần nhiều thời gian hơn để tìm ra thứ bóng đá lý tưởng cho Juventus nhưng cuộc đối đầu với Barcelona đã ở ngay trước mắt và nếu như Ronaldo không kịp trở lại cho trận đấu như anh hi vọng, nhà vô địch Italy có lẽ sẽ cần nhiều năng lượng hơn từ phần còn lại để đánh bại đội bóng xứ Catalunya vốn cũng chẳng mạnh mẽ gì.
Người khổng lồ ốm yếu
Sau trận Kinh điển, Barcelona của Koeman trở thành đội bóng có khởi đầu tệ nhất tại La Liga sau 25 năm với hai trận thua và một trận hòa. Đến Setien cũng chẳng xoàng xĩnh đến thế trong những ngày đầu ở Camp Nou.
Và người ta bắt đầu tự hỏi, cuộc cách mạng mà HLV người Hà Lan đã thật sự diễn ra hay chưa, hoặc không có sự thay đổi nào cả khi Barca vẫn mang hình ảnh chán chường, bế tắc, mệt mỏi và không có ý chí chiến đấu.
Thất bại trước Real Madrid là một thất bại mang tính biểu tượng và là sự tiếp nối cho những thất bại kéo dài suốt những năm tháng qua trên mọi đấu trường. Ở đó, đội bóng xứ Catalunya gần như không có khả năng thắng trong những trận đấu lớn, thiếu ý tưởng, phản ứng chậm chạp từ trên ghế chỉ đạo cho tới sân cỏ.
Cần có một ai đó đến và nói với Koeman rằng, sử dụng đến 7 cầu thủ tấn công trên sân không phải là cách để tạo ra những bàn thắng, như cách mà ông đã phản ứng sau khi Barcelona bị Ramos hạ gục ở Camp Nou cuối tuần trước và xa hơn, điều tương tự cũng diễn ra khi Mata của Getafe chọc thủng lưới ở Coliseum.
Hai trận thua kéo tuột Barcelona và Koeman xuống mặt đất và phơi bày mọi vấn đề của đội bóng này một cách thảm hại. Họ không biết phải làm gì sau khi để thua trước, HLV Koeman bất lực bên ngoài đường biên, và các ngôi sao như Messi trở thành gánh nặng đến bất tận về mặt tinh thần.
Đội bóng này như mắc kẹt trong quá khứ và bước lùi lại vào thất bại lâu hơn nữa, không một tia hi vọng nào từng xuất hiện trước mặt họ và người ta không biết chuyện gì sẽ đến sau đây nếu như Barcelona trở về với gương mặt cúi gằm vì hổ thẹn đến quen thuộc.
Thiên Ý