A+ A A- Kiểu đọc sách

Luis Suarez: Không cắn, cũng quên ghi bàn

13:24 14/12/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Luôn có hai mặt Luis Suarez. Một mặt thiên thần, một mặt quỷ dữ. Một mặt ghi bàn liên tục, một mặt gây rối với đối thủ, ngã vờ, thậm chí cắn đối phương đến 3 lần trong sự nghiệp.

Luis Suarez không chối bỏ mặt quỷ dữ của mình. “Có hai con người trong tôi, một tốt, một xấu”, anh thừa nhận với kí giả Sid Lowe trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên The Guardian vào năm 2012. “Tôi luôn giận dữ và đầy căng thẳng trong các trận đấu”. Luis Suarez luôn phải tìm cách giải tỏa căng thẳng trong các trận đấu. Nếu anh ghi bàn, mọi chuyện trở nên đơn giản. Cái đầu nhẹ bẫng và sự giận dữ của con quỷ dữ không trở thành những hành động bộc phát. Nhưng nếu không?

Luis Suarez tại Barcelona đang phải tìm cách thích nghi với một lối chơi khác. Tại Liverpool, anh được tự do bay nhảy trên hàng công, và hàng chục đường bóng được phóng lên cho mình anh xử lý, trong khoảng không rộng rãi, đầy dự do. Nhưng ở Barcelona, không gian trở nên chật hẹp. Luis Suarez vẫn đá cắm, nhưng giờ phải tham gia làm tường, chuyền bóng cho các đồng đội siêu sao xung quanh. Sự bức bối này khiến sự giận dữ của con người xấu trong anh càng trở nên trầm trọng.

Trong khi Lionel Messi có trung bình gần 4 cú dứt điểm/trận, còn Neymar có trung bình hơn 3 cú dứt điểm/trận, thì ở trung tâm, Suarez có trung bình chỉ 2 cú dứt điểm/trận.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Sport, Suarez thản nhiên: “Chơi bóng cạnh Lionel Messi rất thoải mái. Tôi đến đây không chỉ ghi bàn, mà còn kiến tạo. Tôi không chỉ chơi bóng vì Messi, mà còn chơi bóng vì đồng đội”.

Nhưng thực ra, chơi bóng cạnh Messi không đơn giản như Suarez tưởng. Các cầu thủ có thiên hướng chơi rộng thường rất khó khăn để chơi bóng cạnh Messi. Zlatan Ibrahimovic không thể chịu được cảnh chơi dạt biên, để Messi được ưu tiên đá ở trung tâm. Dấu ấn lớn nhất của Samuel Eto’o thời Pep Guardiola là trận chung kết Champions League 2009 gặp Man United, mà hôm đó anh chơi bên cánh phải. Không phải ai cũng chịu hy sinh được như Neymar.

Các thống kê chỉ ra rằng, chỉ có 3 tiền đạo khổ sở như Luis Suarez trong giai đoạn ban đầu tại Barcelona. Một là Christophe Dugarry, người Pháp. Hai là Luis Garcia, cựu cầu thủ của Liveprool. Và ba là Maxi Lopez, tiền đạo tóc dài chơi thời Frank Rijkaard. Họ có điểm giống nhau: Lụi tàn nhanh chóng ở Barca vì không thích nghi nổi. Christophe Dugarry đá 7 trận ở Liga, không ghi nổi bàn nào. Các con số tương tự của Luis Garcia và Lopez lần lượt là 25 (4) và 14 (1).

Luis Suarez đã ghi hai bàn ở Champions League, hạ PSG và AOPEL, nghĩa là thật ra, vấn đề về sự hòa nhập của anh có thể không trầm trọng như các cầu thủ khác trong quá khứ. Nhưng vốn là một cầu thủ đầy phức tạp, không dễ để Luis Suarez thích nghi lâu dài với sự hy sinh này. Tờ Marca mỉa mai trên tít, nhưng lại rất đúng: Không còn răng, không còn biết ghi bàn, ám chỉ rằng Suarez đã không cắn người nữa, nhưng Suarez cũng không ghi bàn nhiều nữa. Như đã đề cập, chính Suarez thừa nhận rằng hai mặt tốt xấu của anh tương hỗ nhau, như thể nhân quả, như thể được ghép đôi.

Mặc dù ghi bàn trước PSG, nhưng Suarez bị phát hiện đã cố tình đá Thiago Silva trong một pha tranh chấp. Pha bóng cho thấy anh không hề thay đổi. Anh vẫn cần phải nổi loạn. Giống như trong quá khứ, Suarez từng hứa hẹn sẽ không ăn vạ, sẽ không cắn người, nhưng rồi anh lại chứng nào tật nấy.

Đây là một bài toán khó cho Luis Enrique. Không thể nhốt Luis Suarez vào khuôn khổ của lối chơi Barcelona. Nhưng cũng không thể để con cá mập tung tăng bơi lội chỗ đông người. Vì có thể, sẽ có nạn nhân thứ tư.

Gia Hưng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...