(Thethaovanhoa.vn) - Sự hiện diện của Florentino Perez giúp Real Madrid rất giỏi kiếm tiền, nhưng tỷ lệ nghịch với thành công trên sân cỏ. Real của Perez có chút gì đó của Arsenal trong hơn một thập niên vừa qua.
1. Trên khán đài sân Santiago Bernabeu, trận “El Clasico” cuối tuần qua, Perez và Rafa Benitez liên tục phải hứng chịu những lời chỉ trích, kèm theo làn sóng phản đối yêu cầu họ từ chức.
Dù vậy, những lời chỉ trích nhắm vào Perez nhiều hơn là Benitez, vì họ hiểu nguyên nhân sâu hơn của trận thua thảm 0-4 trước Barca. Benitez thực tế cũng chỉ là một con rối trong chính sách của Perez.
Kể từ khi Jose Mourinho để thua Barcelona với tỉ số 0-5 cách đây 5 năm, Real mới phải nhận một thất bại xấu hổ như vậy ngay tại Bernabeu.
Đây là lần thứ hai kể từ khi Real bước vào giai đoạn tập trung cho mùa 2015-16, Perez bị kêu gọi phải từ chức. Trước đó là sự kiện Perez quyết định chấm dứt hợp đồng với Iker Casillas, mở đường cho anh sang Porto.
Sự tức giận của các Madridista đã dồn nén từ lâu. Họ đã phải chứng kiến các tình yêu Casillas, Raul, cũng như xa hơn là Vicente Del Bosque phải ra đi.
Với Perez, Real chỉ có hiện tại. Perez đang cho thấy ông không phải mẫu người quan tâm đến những vinh quang trong quá khứ, và cũng không thích nhìn xa về tương lai. Ông chỉ tập trung vào hiện tại, theo cách ăn xổi ở thì.
2. Perez đã “ăn xổi ở thì” như thế nào?
Trong gần 13 năm ngồi ghế chủ tịch ở sân Bernabeu, từ thời điểm 2000 (gián đoạn 2006-2009), Perez đã bỏ ra 1,2 tỷ euro chỉ để thực hiện chuyển nhượng.
Khi mà Barca xây dựng nền tảng chiến thắng với các ngôi sao dựa trên nền tảng trẻ, Perez chỉ mua về các cầu thủ đã thành danh. Chính Perez và những cộng sự vốn không am hiểu về thể thao của ông trực tiếp thực hiện chuyển nhượng, để rồi buộc các HLV phải sử dụng.
Kết quả, 1,2 tỷ euro mua cầu thủ chỉ giúp Perez mang về cho Real tổng cộng 7 danh hiệu lớn - tính trên các giải đấu đường dài, với La Liga, Champions League và Cúp Nhà Vua.
7 chiếc Cúp trong số 36 danh hiệu có thể, tương đương với 19,4%. Hiệu quả dưới triều đại Perez thậm chí thấp hơn đôi chút so với Ramon Calderon (20); càng khó sánh với 22% thời Lorenzo Sanz, 30% trong kỷ nguyên Ramon Mendoza, 23,8% với Luis de Carlos và 30,7% của Chủ tịch huyền thoại Santiago Bernabeu.
Rafa Benitez hẳn đang cảm thấy rõ nhất sức ép ở Bernabeu. Thất bại 2-3 trước Sevilla cách đây 2 tuần đã là một thảm họa, thế nên, trận thua tan nát 0-4 trước Barca ngay trên sân nhà thực sự đã đẩy ông tới bờ vực thẳm.
Sự thiếu kiên nhẫn là một vấn đề khác với Perez. Ông buộc các HLV phải sử dụng cầu thủ theo ý mình. Perez can thiệp vào việc Del Bosque sử dụng Claude Makelele, rồi sau đó bán cầu thủ này. Trong trận “El Clasico” vừa qua, Perez yêu cầu Benitez không được dùng Casemiro, trong khi cầu thủ này là người giúp Real có sự cân bằng.
Không dễ để các HLV có thể mang đến hiệu quả cho Real, khi Perez can thiệp quá sâu vào chuyên môn. Khi ấy, họ sẽ bị đuổi việc. Có đến 9 đời HLV làm việc với Perez là minh chứng. Sự thay đổi liên tục khiến Real không tìm được sự ổn định, và trở thành đội bóng không có ngày mai.
3. Theo tạp chí Forbes, Real dưới thời Perez là đội bóng giàu có nhất lịch sử. Real mạnh về giá trị thương hiệu cũng như doanh thu. Kỷ lục được cải thiện sau mỗi mùa giải.
Danh hiệu của Real tỷ lệ nghịch với doanh thu. Điều đó gợi đến hình ảnh của Arsenal, đối thủ chỉ vừa kết thúc chu kỳ trắng tay gần một thập niên, nhưng doanh thu luôn cao và nằm trong số những kẻ giàu có nhất.
Các Madridista không có tính kiên nhẫn như CĐV Arsenal. Hoặc họ khó thỏa mãn hơn các CĐV Arsenal - những người hạnh phúc sau mỗi chiến thắng của đội nhà, và hài lòng khi kết thúc mùa giải với một suất dự Champions League.
Hơn nữa, ở Tây Ban Nha, nhất là so với kình địch Barca, bóng đá đồng nghĩa với danh hiệu. Perez đã và đang không làm được điều này, khiến cho chính tương lai của ông đang bị đe dọa.
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa