A+ A A- Kiểu đọc sách

Barca và tham vọng tái lập 'cú ăn ba': Sống nhờ MSN, 'chết' vì MSN

06:43 22/08/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Barca đã vỡ mộng thâu tóm 6 danh hiệu trong năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng hơn của Barca là bảo vệ thành công “cú ăn ba” mùa trước.

Để thành công, Barca phải cần đến “MSN” (bộ ba Messi, Suarez, Neymar). Cũng vì “MSN”, Barca buộc phải bán Pedro Rodriguez và thực hiện nhiều thay đổi trong cơ cấu.

“MSN” là sự sống

Vì sao Josep Maria Bartomeu thực hiện cú nước rút ngoạn mục để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch Barca tháng trước? Đầu năm 2015, uy tín của Bartomeu cũng thua rất xa ứng viên Joan Laporta, cũng là vị chủ tịch gắn với “cú ăn sáu” duy nhất trong lịch sử của Barca năm 2009.

Đáp án cho câu hỏi trên: “MSN”. Barca mở màn năm 2015 bằng trận thua 0-1 trên sân Sociedad, kéo theo nhiều rắc rối. Ở thời điểm ấy, Luis Suarez chưa thực sự hòa nhập tốt nhất. Nhưng không lâu sau đó, MSN thực sự kết hợp được cùng nhau, để rồi ngăn cản Barca là điều không thể.

“MSN” đã ghi 122 bàn thắng, kỷ lục tuyệt đối trong lịch sử bóng đá thế giới. Họ trực tiếp mang về “cú ăn ba” cho Barca. Bóng đá đúng là sân chơi tập thể, nhưng với sự hiện diện của “MSN” - 3 chàng trai đến từ 3 quốc gia Argentina, Uruguay và Brazil - Barca ở một đẳng cấp vượt trội so với phần còn lại. Bằng chứng rõ nhất cho điều này là những đóng góp khác của bộ ba Nam Mỹ: Messi có 27 pha kiến tạo, Suarez có 21 và Neymar là 8.

Thế nên, có thể nói “MSN” mang đến sự sống cho Barca, và cũng chính họ đặt ông Bartomeu lên ghế chủ tịch. Ở Camp Nou có một khái niệm mà mọi thành viên đều hiểu rõ: Mức độ an toàn của tất cả các chiếc ghế danh giá nhất được đánh giá dựa theo kết quả trên sân cỏ.

Trước khi Bartomeu chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch, tương lai của Luis Enrique cũng được cứu nhờ những bàn thắng mang nhãn hiệu “MSN”. Enrique suýt bị sa thải sau trận thua Sociedad, nhưng thành tích giành trọn 3 danh hiệu La Liga, Cúp Nhà Vua và Champions League đã giúp nhà cầm quân người xứ Galicia nhận được bản hợp đồng mới, có thời hạn đến 2017.

Mặt trái từ “MSN”

Mọi vấn đề của cuộc sống luôn có hai mặt. Barca và “MSN” cũng vậy. Với “MSN”, Barca đang chạy theo con đường “Galactismo” (chính sách những Galacticos). Nói nôm na thì Barca đang đi trên con đường mà Florentino Perez mở ra với Real Madrid. Bây giờ, trong khi Real chuyển hướng sang những tài năng trẻ, thì Barca lại bán người trẻ để nuôi ngôi sao lớn.

Barca đang hoạt động như một doanh nghiệp, chứ không còn là “hơn cả một CLB”. Một doanh nghiệp thì phải có lãi, và không được phép lỗ, nhất là khi khoản nợ ngân hàng của Barca là rất cao (Barca hiện có khoản nợ ước tính hơn 300 triệu euro). Họ đã bỏ ra 56 triệu euro mua Arda Turan và Aleix Vidal (chỉ tính khoản trả ngay, chưa tính đến số tiền phải trả theo mức đóng góp của các cầu thủ này). Vì thế, CLB xứ Catalunya buộc phải cân đối tài chính bằng cách bán đi những cầu thủ không cần thiết.

Theo đó, Pedro (đến Chelsea; 30 triệu euro), Adama Traore (Aston Villa; 10), Gerard Deulofeu (Everton; 6) và Martin Montoya (Inter; mượn với phí 2 triệu euro) giúp Barca thu về 48 triệu euro.

Đây là mùa Hè lịch sử của việc bán các cầu thủ lớn lên từ La Masia. Trong vòng 3 năm nay, Barca thu về 120 triệu euro từ việc kinh doanh cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Những đội bóng khác ở châu Âu hẳn là rất ngưỡng mộ trước doanh thu này của Barca.

Ngoài ra, bán cầu thủ cũng là cách để Barca giảm quỹ lương. Từ ngày Sandro Rosell làm chủ tịch, với Bartomeu làm phó, Barca tăng 73% quỹ lương trong vòng 5 năm. Một sự tăng trưởng khủng khiếp. Trong đó, riêng tiền lương của “MSN” khiến Barca gánh mỗi năm lên đến 91,2 triệu euro (44 triệu cho các cầu thủ, còn lại là thuế). Vì thế, Barca không thể giữ Pedro - người có tổng lương 6,2 triệu euro (cả thuế) - để làm dự bị cho “MSN”.

Không còn Pedro, trong khi Munir và Sandro Ramirez quá trẻ, “MSN” sẽ phải cày ải nhiều hơn để bảo vệ “cú ăn ba”.

Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...