Barca: Tiêu tiền khi mắt… nhắm nghiền
(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là bình luận của một cây bút bình luận thể thao Italy đang thường trú ở Tây Ban Nha. Bình luận ấy nhắm đến Barcelona sau khi đội bóng xứ Catalunya kí xong hợp đồng mượn Boateng trong 6 tháng từ đội bóng hạng trung Sassuolo.
1. Tại sao lại là Boateng, và liệu họ có thể trông đợi gì ở một cầu thủ-dù đa năng và chơi theo cảm hứng và sức mạnh-ở tuổi 32? Không ai biết được. Câu trả lời sẽ chỉ có trên sân cỏ. Nhưng một trong những câu trả lời là việc Barca không muốn chi ra 15 triệu euro cho chân sút Christian Stuani, với lập luận rằng, số tiền đó là quá nhiều.
Nhưng báo chí Tây Ban Nha đã nhanh chóng chỉ ra rằng, việc hớt hơ hớt hải đi kiếm người dự bị cho Suarez chẳng qua chỉ là cách để chữa cháy sau khi thương vụ Malcom sang Camp Nou hè qua chứng tỏ là một thất bại. Vụ ấy, Barca đã chi ra 41 triệu euro để đưa tiền đạo người Brazil về từ Bordeaux, trong một cuộc tranh giành với Roma, để rồi cho đến lúc này, cầu thủ 21 tuổi mới ra sân có 6 trận, không trận nào gây ấn tượng. Trước vụ Boateng là một thương vụ mượn nữa, Jason Murillo, từ Inter.
Câu hỏi đặt ra, là tại sao Barca, một đội bóng hùng mạnh, một đế chế về tiền bạc, lại chỉ có thể chấp nhận việc mượn cầu thủ giữa mùa theo cách ấy? Hãy thử nhìn các đội bóng Anh đã làm gì trong kỳ chuyển nhượng mùa đông những năm qua: Liverpool không ngán chi ra 75 triệu bảng cho Van Dijk, Arsenal chi 56 triệu bảng cho Aubameyang.
2. Barca đã không làm vậy. Câu trả lời là trong khi họ đã ném ra cửa sổ một cách rất vội vã trong vài mùa Hè gần nhất, với nỗi sợ hãi rằng Messi đang già đi và đội ngũ Barca cần phải nhanh chóng có một đội hình thật tốt để duy trì sức mạnh đỉnh cao, thì hầu hết các thương vụ mua sắm đều hoặc tỏ ra thất bại, hoặc không cho thấy tương xứng với giá trị. Coutinho và Dembele là những ví dụ điển hình. Barcelona đã hai lần chỉ ra trên 100 triệu euro để đưa họ về trong hai thương vụ cách nhau 18 tháng. Những thương vụ ấy bây giờ đang để lại những dư vị đắng ngắt với các culé, khi cả hai vụ mua sắn, được cho là như cách vội vã để lấp chỗ trống mà Neymar để lại, đều có “vấn đề”.
Coutinho được đưa về theo lý thuyết là thay Iniesta, nhưng xen kẽ giữa những trận đấu hay mà anh để lại dấu ấn, là rất nhiều màn trình diễn thiếu thuyết phục. Dembele là một câu chuyện khác. Anh rất khó có thể tạo ra sự khác biệt một khi anh không thể điều chỉnh mình theo những hoàn cảnh trên sân, cũng như các điều chỉnh của HLV Valverde. Chấn thương ban đầu đã khiến cầu thủ người Pháp mất một thời gian hòa nhập, và sau đó, việc Valverde thay đổi sơ đồ chiến thuật sang 4-4-2 với hàng tiền vệ kim cương đã khiến Dembele càng khó có cơ hội ra sân. Tuy nhiên, anh vẫn tỏa sáng, ghi những bàn quan trọng trong các thời điểm mà Messi và Suarez không chơi ấn tượng. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định rằng, cái giá chuyển nhượng 105 triệu euro mà Barca đã chi ra để mua anh từ Dortmund là “điên rồ” và “vô nghĩa”.
3. Vụ ra đi của Neymar đã khiến cho chúng ta nhìn thấy quá nhiều vấn đề của Barca. Đó không chỉ là việc đội bóng này đã thâm hụt 160 triệu euro trong một năm rưỡi qua vì các vụ chuyển nhượng thiếu thuyết phục, mà nó cho thấy họ hoàn toàn mất định hướng và không còn sự sáng suốt. Đấy là lỗi của ai? Của chủ tịch Bartomeu, người bị chỉ trích là đã phá hủy truyền thống của trung tâm đào tạo nổi tiếng La Masia, hay là các chuyên gia có trách nhiệm về chuyển nhượng của họ, Guillermo Amor và Eric Abidal, đều là các cựu cầu thủ Barca? Và sắp tới, trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè, điều gì sẽ tới?
Barca đã có Frenkie de Jong, một cầu thủ trẻ của hiện tại và tương lai, có vẻ sắp có Adrien Rabiot. Nhưng vấn đề không chỉ là những cái tên, bởi một khi đã không có những chiến lược cụ thể, thì tên tuổi cũng không có ích gì.
Anh Ngọc