(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao Atletico phòng ngự giỏi đến thế? Họ giỏi không chỉ trong 1 trận, 1 giải đấu hay trong 1 mùa.
Vi diệu, quái kiệt, đại tài, Diego Simeone!
Simeone đã tạo nên một bức tường thép và bức tường ấy đã tồn tại mấy năm nay. Muốn xuyên thủng bức tường ấy đòi hỏi đối thủ của Atletico không chỉ phải sở hữu những cầu thủ cực kỳ sáng tạo mà bản thân những cầu thủ ấy phải đạt tới tầm vóc của những siêu sao thực sự (về khả năng xử lý bóng) thì mới có thể xuyên thủng được bức tường họ dựng lên.
Simeone đã thiết lập được một cơ chế phòng ngự gần như hoàn hảo. Cơ chế ấy diễn giải một cách đơn giản là tạo nên một lối chơi phòng ngự nhiều lớp. Khi đối phương vượt qua được 1 cầu thủ của họ thì lập tức có cầu thủ đứng gần đó tiếp ứng bằng cách dập vào tranh chấp, cản phá. Và có thể là một cầu thủ thứ 3 nữa sẵn sàng với cách chơi tương tự.
Một lần nữa Diego Simeone cho thấy mình là thiên tài chiến thuật khi biến Atletico thành pháo đài bất khả xâm phạm với Bayern Munich là nạn nhân mới nhất bất lực với các ý tưởng sáng tạo mà Guardiola tạo ra.
Đấy là lối chơi phòng ngự không dễ vận hành. Thứ nhất, nó đòi hỏi HLV phải là người có ý tưởng và triết lý phòng ngự thật rõ ràng. Thứ hai, ông ta phải là người có khả năng “truyền giáo” triết lý bóng đá của mình tới các cầu thủ. Phải làm sao để nó vừa dễ thẩm thấu, vừa có tính thuyết phục cao.
Ông ta phải làm cho các cầu thủ hiểu và tin rằng chơi phòng ngự như thế là cực kỳ chắc chắn và hiệu quả. Và làm sao để họ tuyệt đối quán triệt và làm theo chỉ dẫn. Cuối cùng, bản thân những cầu thủ phải có khả năng thụ cảm chiến thuật đủ để họ hiểu một cách sâu sắc, đúng đắn chiến thuật mà HLV đề ra và đủ khả năng thực hiện tốt chiến thuật ấy. Simeone đã làm được tất cả những điều đó và xứng đáng được coi là một chiến thuật gia đại tài.
Thật ra khi Atletico đã loại được Barca rồi thì họ không cần phải chứng tỏ gì nữa bởi vào thời điểm hiện tại, Barca đã là đỉnh cao sáng tạo (trên phương diện tấn công) của bóng đá thế giới rồi. Bayern của Guardiola cũng chơi thứ bóng đá tấn công sáng tạo nhưng khả năng và hiệu quả sáng tạo thực tế của họ không thể bằng Barca dù Guardiola có nghĩ ra ý tưởng gì chăng nữa bởi phẩm chất ngôi sao tấn công của Munich chưa đạt đến mức siêu đẳng tuyệt đỉnh để có thể làm tốt bất cứ điều gì, trước bất cứ đối thủ nào Pep muốn.
Atletico & nghệ thuật phòng ngự như... lập trình
Nó đòi hỏi những cầu thủ phải di chuyển cực kỳ đồng bộ, nhịp nhàng thì mới có thể bịt mọi khoảng trống được. Khi một cầu thủ di chuyển tới gần vị trí mà đồng đội của anh ta đang đối mặt với đối phương để sẵn sàng tham chiến thì những cầu thủ khác được giao nhiệm vụ phòng ngự bất kể họ là tiền vệ, hậu vệ hay tiền đạo đều phải biết quan sát và di chuyển theo người thật sát để đảm bảo là nếu đối thủ chọn chuyền bóng phối hợp thay vì đột phá cá nhân thì cầu thủ nhận bóng này cũng ngay lập tức bị áp sát và tranh chấp bóng luôn.
Tức là phải làm cho anh ta không có nhiều thời gian và không gian để tư duy và xử lý đường bóng vừa nhận từ đồng đội của mình. Mà vấn đề là không chỉ 1 cầu thủ phải làm điều đó tốt mà tất cả các cầu thủ phòng ngự đều phải làm điều đó tốt như nhau thì hiệu quả phòng ngự mới đạt mức lý tưởng được.
Muốn làm được điều đó đòi hỏi các cầu thủ phải có thể lực tốt, cực tập trung và có nhạy cảm chiến thuật cao. Họ cần được trui rèn, tập luyện với nhau, được tập với nhau các bài tập chiến thuật phòng ngự trong thời gian đủ dài để thẩm thấu. Cái mà chúng ta vẫn gọi là “đọc tình huống” ở trên sân dù đây chỉ là một ví dụ, một khía cạnh của “đọc” tình huống.
Một lối chơi phòng ngự đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và óc quan sát tình huống tinh vi như vậy mà Simeone đã xây dựng được từ những cầu thủ có danh tiếng tầm tầm, biến Atletico thành đội bóng “ngôi sao” dù họ chỉ có 2-3 cái tên đình đám.
Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa