Tạp chí thời trang Vogue tròn 100 tuổi - 10 nhân vật làm nên phong cách của Vogue
(Thethaovanhoa.vn) - Tạp chí Vogue tròn 100 tuổi. Nhân dịp này, Phòng Trưng bày Chân dung Quốc gia Anh ở London đang tổ chức triển lãm ảnh Vogue 100, qua đó giúp công chúng thấy rõ được ngành nhiếp ảnh đã góp phần định hình cách nhìn nhận của chúng ta về thời trang như thế nào.
- Bà chủ Yahoo phong cách trên Vogue
- Victoria Beckham mộc mạc trên bìa Vogue Trung Quốc
- Vogue “cấm vận” với người mẫu siêu gầy
Áp-phích triển lãm "Vogue 100" tại Phòng Trưng bày Chân dung Quốc gia ở London
Song xét theo tuổi thực thì Vogue đã hơn 100 năm tuổi. Vogue được doanh nhân Mỹ Arthur Baldwin Turnure sáng lập ở New York City hồi năm 1892. Ban đầu, đây là tờ báo tuần về thời trang, xã hội và phong cách sống. Sau đó, nó gồm cả những hình phác họa các phong cách mới nhất và mẫu thời trang cho tầng lớp thượng lưu cùng các xu hướng thời trang mới nhất.
Sau khi Turnure qua đời, em dâu ông là Marie Harrison, sau đó là chủ bút tạp chí Vogue, đã chuyển giao tạp chí cho doanh nhân Pháp gốc Đức Conde Nast. Từ lâu, Nast đã để mắt tới tạp chí và từng cố gắng thương thảo với Turnure để mua ấn bản phẩm này cho đến khi Turnure qua đời.
Các ấn bản của tạp chí Vogue
Song phải đến năm 1909, Nast mới sở hữu được hoàn toàn tạp chí Vogue. Nhanh chóng sau đó, các hình phác thảo thời trang đã được thay thế bằng các bức ảnh. Sự thay đổi lớn nữa là thay vì phát hành hàng tuần, Vogue chỉ xuất hiện tại các sạp báo 14 ngày/lần. Giá tạp chí tăng lên và đối tượng độc giả chính nhắm tới là phụ nữ.
Chỉ có điều “bất biến” là tổng biên tập của tạp chí này luôn là phụ nữ. Trước đó là Josephine Redding và trong 20 năm qua, Anna Wintour đảm nhiệm vai trò này.
Là một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong làng thời trang, Wintour còn là nguồn cảm hứng của bộ phim The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu – 2006), với vai chính do nữ diễn viên đạo cội Hollywood Meryl Streep thủ diễn.
Bà Anna Wintour, đương kiêm Tổng biên tập tạp chí "Vogue"
Theo Wintour, “kim chỉ nam” cho thành công của chị là “tạo được nhãn quan riêng quan trọng hơn là lo lắng đến sự cạnh tranh”.
Vogue phiên bản của Anh, phiên bản quốc tế đầu tiên, ra mắt gần ¼ sau khi tạp chí này được hình thành ở Mỹ. 12 năm sau, phiên bản tiếng Đức ra đời và hiện tạp chí này có mặt ở hơn 20 nước.
Nhân dịp này, xin được giới thiệu 10 nhân vật đã tạo nên bản sắc của tạp chí Vogue:
1. Karl Lagerfeld – “Vua thời trang”: Lagerfeld sinh năm 1933 ở Hamburg (Đức). Ông là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng nhất trong ngành thời trang cuối thế kỷ 20. Kể từ năm 1983, ông là thiết kế chính của thương hiệu Pháp Chanel. Song ông còn khẳng định mình là một nhiếp ảnh gia thời trang có tài.
2. Patrick Demarchelier – Nhiếp ảnh gia tài năng: Demarchelier từng làm việc với các siêu mẫu như Linda Evangelista, song thời khắc vinh quang nhất trong sự nghiệp của ông là được chụp chân dung Công nương Diana. Demarchelier là nhiếp ảnh gia đầu tiên không phải là người Anh được chọn làm công việc này. Demarchelier hiện là một trong những nhiếp ảnh gia thời trang và quảng cáo được “săn lùng” nhất thế giới. Các bức ảnh của ông nhiều lần được đăng tải trên trang bìa tạp chí Vogue.
3. Cecil Walter Hardy Beaton – Hiệp sĩ với chiếc máy ảnh: Nhiếp ảnh gia Anh Sir Cecil Walter Hardy Beaton bắt đầu sự nghiệp với những bức ảnh chân dung. Trong đầu những năm 1930, Beaton chụp ảnh cho trang bìa tạp chí Vogue và năm 1937, ông chụp ảnh cho gia đình Hoàng gia. Năm 1972, Nữ hoàng Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ cho Beaton. Beatton nổi tiếng với những bức ảnh chân dung quyến rũ. Ông qua đời năm 1980, ở Anh.
4. Elizabeth "Lee" Miller: Nhiếp ảnh gia Mỹ này đã cho ra đời một số bức ảnh thời trang đáng nhớ nhất thế kỷ 20. Khi còn là phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, bà đã chớp nhiều hình ảnh phát xít Đức tấn công London và quân đồng minh đổ bộ lên Normandy trong Thế chiến II. Trước chiến tranh, Miller từng là một người mẫu. Bà qua đời hồi năm 1977, ở Anh, do bệnh ung thư.
5. Irving Penn cũng là một trong những nhiếp ảnh gia có ý nghĩa nhất thế kỷ 20. Ông sinh ra trong một gia đình Nga gốc Do Thái ở Mỹ và từng học nghệ thuật ở Philadelphia. Kể từ những năm 1940, Penn đã chụp ảnh cho tạp chí Vogue và tạo dựng tên tuổi là nhiếp ảnh gia thời trang, ảnh chân dung. Sau này, ông còn chụp ảnh tĩnh vật. Penn qua đời ở Manhattan năm 2009, thọ 92 tuổi.
6. David Bailey – Nhiếp ảnh gia tự học: Sau khi phục vụ trong Không quân Hoàng gia Anh, Bailey bắt đầu tự học chụp ảnh. Sau đó, ông được mời làm cộng tác viên cho Vogue và kể từ đó đã chụp vô số các ngôi sao điện ảnh, thời trang và âm nhạc, trong đó có Cat Stevens and Alice Cooper. Giống như nhiều nhiếp ảnh gia Anh hàng đầu khác, ông còn chụp chân dung thành viên trong gia đình Hoàng gia.
7. Herb Ritts, nổi tiếng với các bức ảnh đen trắng và cũng là người tự học chụp ảnh. Năm 1977, Ritts tạo bước đột phá với bức ảnh chụp tài tử Hollywood Richard Gere. Trong thập niên 1980 và 1990, Ritts cộng tác với nhiều tạp chí thời trang có tiếng, trong đó có Vogue. Ritts công khai mình là người đồng tính và bị nhiễm HIV. Ông qua đời hồi năm 2002.
8. Mario Testino: Bên ngoài thế giới thời trang, không nhiều người biết đến Mario Testino, song trong làng thời trang ông là một nhân vật có tiếng. Rất nhiều tác phẩm của ông, gồm cả những bức ảnh được đăng trên tạp chí Vogue hay Vanity Fair, là những bức ảnh thời trang nổi tiếng nhất mọi thời. Testino sinh ra ở Lima, song hiện sống ở London.
9. Peter Lindbergh sinh năm 1944 ở vùng nay thuộc Ba Lan, song trưởng thành ở Duisburg, miền Tây nước Đức. Ông học hội họa, tuy nhiên sau đó đã theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Năm 1978, Lindbergh chuyển tới Paris và cộng tác với Vogue cùng nhiều tạp chí quốc tế khác. Lindbergh chủ yếu chụp ảnh đen trắng. Hiện ông sống cả ở Paris, New York và Arles.
10. Nick Knight không chỉ là một nhân vật có tiếng trong giới nhiếp ảnh mà ông còn sáng lập diễn đàn thời trang trên mạng showstudio.com. Trên trang web này, Knight giới thiệu “toàn bộ quá trình sáng tạo, từ khái niệm cho đến khi hoàn tất”.
Tuấn Vĩ
Theo DW