'Tao không xa mày': Tình trai trong trẻo làm giảm 'dị ứng' phim đồng tính
(Thethaovanhoa.vn) - Sau những ồn ào về chuyện bị tố ăn cắp ý tưởng, phim Tao không xa mày của hai đạo diễn mới là Rony Hòa và Thái Minh Nhiên đã ra rạp vào ngày 22/9. Khác với nhiều phim Việt làm về đề tài đồng tính, Tao không xa mày không dữ dội hay quá đen tối, mà trong trẻo, trữ tình, thêm vào đó cốt truyện nhân văn cùng diễn xuất nhập vai của dàn diễn viên nhiều thế hệ khiến người xem dễ dàng bỏ qua những điểm chưa thuyết phục ở phim.
1. Điện ảnh Việt đã có nhiều tác phẩm về những câu chuyện đồng tính nam, nhưng đưa tình cảm đồng giới đó trở về với thời thanh xuân có lẽ Tao không xa mày là phim đầu tiên.
Chuyện phim kể về mối quan hệ của hai người đàn ông tên Tùng và Nam từ thuở thiếu thời đến khi cuộc đời xế bóng. Vào vai hai nhân vật này có tới bốn cặp diễn viên, tương ứng với các giai đoạn: lúc nhỏ, khi còn đi học, trưởng thành và về già.
Trong đó để lại ấn tượng nhất là diễn viên Nguyễn Anh Tú (vai Tùng) và Châu Trọng Tài (vai Nam) lúc trẻ. Hai gương mặt trẻ này chiếm tới 2/3 thời lượng phim và mặc dù còn khá xa lạ với màn ảnh nhưng sự hợp vai cùng nét diễn thuần khiết của họ khiến người xem thấy dễ chịu, bớt đi “dị ứng” với những phim đồng tính.
Chính vì vậy, dù phim có nhiều cảnh mô tả tình cảm “trên mức tình bạn” của Tùng và Nam như cảnh ngủ chung, nắm tay nhau, che chở nhau khi bị đánh, thậm chí khỏa thân tắm chung… nhưng không tạo cảm giác phản cảm.
Phải nói đối với những bộ phim lấy đề tài nhạy cảm như chuyện đồng tính, “phản ứng hóa học” (ý nói quan hệ thân mật) giữa hai diễn viên chính có tác động lớn đến sự khen - chê của phim, vì nếu không ăn ý, diễn gượng gạo sẽ phá hỏng mạch cảm xúc mà bộ phim muốn mang đến.
Tao không xa mày may mắn có được Tú và Tài, hai tên tuổi mới nhưng diễn xuất chân thật, ăn ý, đặc biệt trong cảnh chia ly: Nam đứng lấp ló bên hông trường, lòng thổn thức lén nhìn Tùng bước lên xe rồi bật khóc chạy theo sau chiếc xe gọi “Tùng ơi”.
Sau phim Lô tô, diễn viên Hữu Châu lại có thêm một hóa thân “đồng tính” đầy xúc động nữa trên màn ảnh. Thể hiện vai Nam lúc về già, dù xuất hiện rất ít nhưng ở mỗi khuôn hình, anh luôn để lại dấu ấn.
Chỉ một cảnh gần cuối phim, lúc này ông Nam mắt đã mù, thảng thốt nhận ra (qua giọng nói) người đàn ông ở trước mặt mình chính là Tùng - cậu bạn học đã gắn bó với mình cả thời thanh xuân và run run cởi trả sợi dây chuyền - kỷ vật mà Tùng trao cho Nam lúc đi du học, cũng đủ minh chứng nội lực của NSƯT Hữu Châu.
Tiếc là trong phân cảnh xúc động nhất này của phim, biểu cảm của NSƯT Thanh Hoàng - vai Tùng lúc già - lại khá gượng, làm bỏ lỡ đi một cảnh phim “bùng nổ”.
2. Là sản phẩm điện ảnh đầu tay của Rony Hòa và Thái Minh Nhiên, nên cả hai chịu khó chăm chút, thể hiện qua việc lựa chọn bối cảnh thiên nhiên rất kỳ công để tạo nên khung hình nên thơ, nhạc phim hay, câu chuyện tuy buồn nhưng nhân văn.
Tuy nhiên phim vẫn còn nhiều điểm người xem chưa hài lòng. Đầu tiên là tông màu không thống nhất, dù trong cùng một bối cảnh thời đại. Lý giải điều này, hai đạo diễn cho biết do không đủ tiền quay một lần cho xong nên thời gian quay các cảnh phim kéo dài suốt hai năm khiến tông màu có sự thay đổi. Cách kể quá khứ đan xen hiện tại nhưng thời lượng phân bổ không đồng đều, tương ứng với nhau khiến mạch phim bị “co giật”.
Vì tập trung nhiều vào giai đoạn Tùng và Nam lúc trẻ nên gần cuối phim, khi câu chuyện dẫn dắt người xem quay lại với quá khứ khiến cho người xem cảm thấy quá nhanh. Do vậy mà thiếu thời gian để cảm được sự tinh tế, khéo léo của việc lồng ghép chuyện tình của hai cha con.
Dương Ngọc