Tăng tốc triển khai vắc xin Việt Nano covax và Covivac
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có 2 loại vắc xin đang được nghiên cứu và phát triển là: Nano covax và Covivac. Trong đó, vắc xin Nano covax bắt đầu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Còn vắc xin Covivac của đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Vắc xin Nano covax
Vắc xin Nano covax do Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, TP HCM nghiên cứu, phát triển, đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020 tiêm trên 60 tình nguyện viên. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 26/2/2021 với 560 tình nguyện viên. Hầu hết các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định sau tiêm. Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Mới đây, Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá và đã thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nano covax trên quy mô 13.000 tình nguyện viên.
- Tuyển Việt Nam ủng hộ 300 triệu đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19
- Nam công nhân ở Bắc Giang tử vong không liên quan đến tiêm vắc xin Covid-19
- Sẽ thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19
Cụ thể, tới 15/7/2021 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 12 nghìn tình nguyện viên và tới 15/8 sẽ tiêm xong mũi 2 cho tất cả 13 tình nguyện viên.
Dự kiến, tháng 9/2021, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ có đánh giá ban đầu để xem xét cấp phép khẩn cấp vắc xin Nano covax.
Theo PGS.TS. Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng), ở giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin Nano covax, sau mũi tiêm thứ 2, các tình nguyện viên được khám sức khỏe (xét nghiệm máu, đo huyết áp…) 1 lần/tuần để đánh giá lượng kháng thể xuất hiện trong cơ thể. Hiện những tình nguyện viên tham gia tiêm vắc xin Nanocovax vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe, đánh giá hiệu lực. Đến nay 100% tình nguyện viên tiêm vắc xin Nano covax đều sinh kháng thể trong máu.
GS. TS. Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cho biết, trên tinh thần “thử nghiệm càng nhanh càng tốt” của Chính phủ, Bộ Y tế giao cho các đơn vị thử nghiệm. Nhanh không có nghĩa cắt đoạn, bỏ qua giai đoạn. Bất cứ giai đoạn nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế"
"Theo đúng quy trình và từng bước của mỗi giai đoạn, để Bộ Y tế có đủ cơ sở khoa học để có thể cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện vắc xin Nano covax ở Việt Nam, chúng ta có thể mất khoảng 2 tháng nữa” -GS.TS Trương Việt Dũng cho hay.
Vắc xin Covivac
Vắc xin Covivac do công ty Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu hiện đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội thử nghiệm.
Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện vắc xin này đã hoàn thành giai đoạn 1. Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vắc xin này ở giai đoạn một có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan.
Theo số liệu của giai đoạn thử nghiệm lần 1, vắc xin Covivac có tính an toàn tốt, tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan. Các mẫu thử nghiệm giai đoạn 1 của Covivac đã được gửi sang Canada để một cơ quan độc lập đánh giá khách quan tính sinh miễn dịch.
"Chúng tôi cũng đang đợi kết quả của Canada là một cơ quan độc lập đánh giá rất khách quan. Cuối tháng 6 này khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 7, được thực hiện ở Thái Bình"- GS.TS Đặng Đức Anh cho biết.
Theo dự kiến khi kết thúc giai đoạn 2, với hàng nghìn người tham gia, có thể đến cuối năm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ xin phép Hội đồng đạo đức triển khai giai đoạn 3. Và cũng hy vọng vắc xin này cũng sớm được sử dụng vào đầu năm 2022.
Liên quan đến vắc xin này, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định hiệu lực bảo vệ của Covivac rất tốt. Bộ trưởng tin tưởng với việc sản xuất vắc xin, Việt Nam có thể chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, sẵn sàng phục vụ đại dịch, là nền tảng khi có các đại dịch trong tương lai sẽ chủ động được.
Việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp căn bản và lâu dài, đóng vai trò quyết định trong chiến lược phòng chống COVID-19 của Việt Nam.
Hoài Ngọc (Tổng hợp)