Tăng cường kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
(Thethaovanhoa.vn) - Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, năm 2019, nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường phát sinh trên thực tế, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Ô nhiễm không khí và rác thải quá tải
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, nhất là bụi mịn PM2.5. Tháng 9/2019, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018. Từ tháng 9-12/2019, chỉ số AQI giờ nhiều nơi đã vượt giá trị 200, đặc biệt có ngày chỉ số AQI giờ có nơi vượt ngưỡng 300, mức nguy hại cho sức khỏe.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí như: PAM Air, Air Visual, ô nhiễm không dừng ở Hà Nội mà lan ra toàn miền Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím, một số nơi đến ngưỡng nâu - ngưỡng cao nhất trong thang bậc cảnh báo.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố mang tính chu kỳ trong tháng 9-10/2019. Thời điểm giao mùa có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí, nhưng chỉ mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định. Bụi mịn PM2.5 và chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm.
Vụ cháy nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra ngày 28/8/2019, phát tán ra môi trường từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân. Đây là sự cố cháy nổ có liên quan đến hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các bộ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai các hoạt động cô lập, thu gom chất thải tàn dư sau vụ cháy để xử lý, kiểm soát vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. Từ sự cố cháy nổ gây mất an toàn hóa chất và ô nhiễm môi trường tại Công ty Rạng Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng rà soát toàn bộ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cộng động và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường. Nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày sẽ có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường. Thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Việt Nam hiện xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải rắn phát sinh từ 10 - 16%, trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị 38 nghìn tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 32 nghìn tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp khoảng 25 triệu tấn/năm. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Đi tìm nguyên nhân
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô. Năm 2019, số lượng phương tiện giao thông tăng 15% so với những năm trước. Con số phương tiện giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất lớn với 7,5 triệu xe máy… chưa kể số lượng phương tiện giao thông di chuyển qua hai thành phố này cũng rất lớn.
Số lượng các nhà máy ven thành phố đang tăng nhanh, gây áp lực lớn lên môi trường xung quanh, trong đó ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công. Các hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1 nghìn công trình đang xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có mật độ xây dựng cũng rất lớn, biến hai thành phố trở thành đại công trường gây ô nhiễm lớn.
Ngoài ra, nguyên nhân đặc thù ở Hà Nội là do đốt rơm rạ, gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Cùng với hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đốt rác thải không đúng quy định ở ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.
Tổng cục Môi trường đánh giá, lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt này còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.
Triển khai ngay các giải pháp
Để kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt như: tăng cường và duy trì công tác quan trắc chất lượng môi trường không khí ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá chính xác chất lượng, công bố công khai cho người dân và nếu vượt ngưỡng quy chuẩn phải có thông báo trên các phương tiện thông tin và khuyến cáo những biện pháp bảo vệ thích hợp. UBND thành phố cần có các biện pháp cụ thể như phun nước, điều tiết các luồng giao thông, loại bỏ bụi bẩn trên phương tiện và cảnh báo các phương tiện cá nhân tham gia giao thông không được đi vào những khu đông dân cư, chỉ ưu tiên các phương tiện giao thông công cộng..
Năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra những văn bản quy định bảo vệ môi trường để giải thiểu vấn đề ô nhiễm không khí do xây dựng gây ra. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị UBND các thành phố cần có những chính sách hỗ trợ người dân để hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và mục tiêu đến năm 2021, Hà Nội không sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ bà con sau thu hoạch để không đốt rơm rạ; kiểm tra và giám sát những khu vực đốt rác thải, chất thải…
Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí, cần đẩy nhanh lộ trình đưa ra quy chuẩn đối với khí thải giao thông. Các phương tiện giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải kiểm soát cao hơn và chặt chẽ hơn nữa. Đồng thời, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện các biện pháp tăng cường đầu tư cho các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo để giữ cho môi trường trong sạch; có lộ trình để tái cấu trúc lại một số ngành sử dụng năng lượng hoá thạch, quy hoạch lại điện năng để đưa năng lượng tái tạo, điện khí thay thế các nguồn năng lượng cũ theo đúng với xu hướng thế giới hiện nay; rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh để bảo vệ môi trường không khí.
Đối với rác thải, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng thị trường lành mạnh. Chính phủ đã làm việc với các đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi. Mức thuế hiện được nâng lên cao nhất trong khung chịu thuế là 50.000 đồng/kg với nhà sản xuất, tuy vậy vẫn chưa thể thay đổi hành vi nếu không đánh thuế với người tiêu dùng.
Năm 2020, Bộ sẽ ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có lộ trình phù hợp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng, xử lý chất chất thải thu hồi năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam” và “Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam".
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và từng người dân, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục có những những hành động thiết thực thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững.
Minh Nguyệt/TTXVN