Tản văn Cuối tuần: Cái lý cửa
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện làm cái “lý cửa” do chàng trai Mông ở Bắc Hà tên là Lý Vần Sồ kể thật hấp dẫn. Nó hồn nhiên như đời sống thường nhật, nó thật thà đáng yêu như chuyện sợi lanh dệt áo. Lý Vần Sồ cùng mấy người trong bản đã dựng lại cho chúng tôi xem toàn bộ trình tự làm “lý cửa”.
Việc làm lý này thường được thực hiện vào tháng 2 Âm lịch hằng năm. Làm “lý cửa” không có ngày cố định, tùy theo từng nhà và không phải năm nào cũng làm, chỉ nhà nào chăn nuôi nhiều mới cần làm lý, hoặc khi trong nhà nuôi lợn nái. Việc làm lý là để giúp cho bà chủ nhà có sức khỏe và chăn nuôi mát tay, sinh lợi.
Câu chuyện làm lý khởi nguồn từ một việc khá hồn nhiên: Người Mông xưa nuôi lợn, lợn không chịu lớn. Khó thì phải nghĩ cách. Họ bí mật đi lấy lợn của một tộc người khác về nuôi. Lạ thay giống lợn lấy về lại lớn thồi thồi, đẻ nhiều và to hơn lợn của tộc người nọ. Người Mông mừng lắm, vì nghề chăn nuôi được phát triển từ giống lợn lấy về. Từ đấy, những nhà năm nào lợn nái đẻ con, họ đều lo chuyện làm cái “lý cửa” để lợn đàn tăng nhanh, lớn nhanh, tránh được mọi dịch bệnh ...
Làm “lý cửa” phải cúng 1 con lợn. Lợn hiến tế được lựa chọn cẩn thận. Tất cả quá trình giết mổ lợn phải làm giấu sau cánh cửa ra vào ở gian chính. Không được thịt ngoài sân, không làm khoe vì đó là giống lợn bí mật lấy về. Câu chuyện thật hồn nhiên như của trẻ thơ!
Người Mông có nhiều họ. Giết lợn làm lý đều thực hiện sau cánh cửa gian chính nhưng mỗi dòng họ làm một khác. Lý Vần Sồ bảo, tôi họ Lý, hôm nay giết lợn phải làm ở bên trái sau cánh cửa. Có họ thì làm bên phải.
Thủ tục giết lợn làm “lý cửa” cũng thật dân dã. Lợn bắt về đem cất nhanh vào trong nhà. Trước lúc giết thịt, người ta dùng một nắm cây chè khua đập quanh con lợn, bảo là để cho xung quanh sạch sẽ. Hồn nhiên hơn nữa là câu khấn tiễn lợn hiến sinh với lời hứa: “Mày chết đi rồi hồn vía sẽ được lên một chức quan, sẽ được vinh hoa phú quý”!
Chọc tiết, mổ lợn, đun nước sôi nhúng cả con lợn vào như cách làm lông gà, vì lợn nhỏ chỉ trên chục cân. Cạo lông, mổ rửa làm lòng…Nói chung mọi thứ phế thải kể cả nước nhúng lợn đều đổ hết xuống cái hốc đã được đào sẵn giáp tường sau cánh cửa rồi lấp đất đầy, chèn gạch lên.
Thế là xong phần giết mổ. Mọi thứ sạch sẽ tươm tất họ bê cả xuống bếp, chặt rồi đem luộc. Thịt chín được thái ra cho vào 8 bát con. Mỗi bát đều đủ mỗi thứ có trên con lợn một miếng nhỏ, từ gan, lòng, phèo, đến tai, mũi, chân giò, móng giò đủ cả. Bê tất cả 8 bát thịt thập cẩm đó bày lên giường trong buồng vợ chồng chủ nhà cùng với bát nước xuýt to.
Trong lễ cúng, cũng có bó lá chè to vung vẩy, họ nói để làm sạch xung quanh! Thực hiện lễ cúng là một ông thầy hàng xóm. Xuỵt xoạt khấn vái xong thì mấy đứa trẻ trong nhà được cho uống bát nước xuýt và mỗi đứa được bát thịt bốc ăn tại chỗ. Sau trẻ là khách và người trong nhà. Buổi làm lý đến đó là kết thúc.
Được biết lễ “lý cửa” rồi đây sẽ được đưa vào khai thác du lịch của người Mông ở Bắc Hà. Đây là một tín ngưỡng dưới một hình thức rất thô sơ, nửa cuộc sống thường nhật, nửa tâm linh. Nó chưa hoàn thiện như một nghi lễ cẩn trọng. Nhưng nó cho ta thấy thêm được những giá trị tâm linh sơ khai của người Mông và họ còn giữ được đến ngày nay.
Họa sĩ Đỗ Đức