Tầm nhìn ngắn hạn của cử nhân chạy đua làm xe ôm công nghệ, chê lương văn phòng thấp
Khó khăn trong xin việc khi ra trường, không ít tân cử nhân đã chấp nhận làm xe ôm công nghệ, thậm chí còn bằng lòng với việc đó. Tuy nhiên, đó chỉ là kế sách tạm thời, các bạn trẻ không nên nhìn vào mức thu nhập trước mắt để rồi chê việc văn phòng, chạy đua làm xe ôm công nghệ.
Những ngày gần đây, câu chuyện của nhiều cử nhân đại học chạy xe ôm đã khiến không ít người suy nghĩ. Nhiều người vẫn không thể lý giải được vì sao mất bao nhiêu năm ăn học nhưng lại phải chấp nhận chạy xe ôm công nghệ. Và đó là cả một câu chuyện rất dài.
Cất bằng cử nhân, bằng lòng với chạy xe ôm công nghệ
Trên mạng xã hội gần đây không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học ra chạy xe ôm công nghệ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có lẽ là do xin việc khó khăn. Khi cái bụng chưa đủ no, người ta cần phải cố gắng đi ra ngoài kia, kiếm miếng cơm, manh áo. Vậy thì dù có bằng cử nhân hay thạc sĩ, chạy xe ôm công nghệ cũng chẳng có gì là sai.
Bên cạnh đó, nhiều người còn có một cái nhìn sai lệch về nghề xe ôm công nghệ với những thông tin như “Chạy xe ôm kiếm chục triệu đồng/tháng” hay “Chẳng cần bằng cấp cũng thu về chục triệu đồng”... Chính những thông tin đó đã phần nào khiến các bạn trẻ nghĩ ra đây là một nghề đơn giản, dễ kiếm ra tiền. Chỉ cần một chiếc xe máy, một chiếc điện thoại, vậy là đã có thể làm nghề. Hơn nữa, so với lương văn phòng 5 - 6 triệu đồng thì rõ ràng mức thu nhập này hơn hẳn. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi, là những thứ mà người ta thể hiện ra. Còn những khó khăn, vất vả trong nghề lại chẳng mấy ai nói cho bạn nghe.
Chạy xe ôm không sai nhưng cần có cái nhìn dài hạn
Chạy xe ôm công nghệ hoàn toàn không xấu vì nó cũng là việc làm ăn chân chính, bán sức lao động để kiếm đồng tiền. Trong lúc khó khăn, chưa tìm được việc làm, lại không thể ăn bám gia đình thì xe ôm công nghệ chính là công việc cứu cánh cho rất nhiều người. Việc này giúp đảm bảo thu nhập và có đủ khả năng để chi trả cho cuộc sống.
Tuy nhiên, các bạn trẻ không nên bằng lòng với chạy xe ôm công nghệ. Mặc dù không phải tất cả cử nhân đều lựa chọn cất bằng đại học, đi chạy xe ôm nhưng cũng có một bộ phận nhỏ dường như hài lòng với công việc này. Nhưng gác lại đèn sách mười mấy năm để đi chạy xe ôm liệu có đáng hay không? Đó có thể là công việc cứu cánh tạm thời nhưng không nên là công việc bền vững.
Việc văn phòng ban đầu có thể chưa đem lại thu nhập cao, chỉ khoảng vài triệu đồng. Bởi lẽ lúc này chúng ta vừa mới bước ra khỏi cánh cổng của nhà trường, kinh nghiệm chưa có quá nhiều nên không thể đòi hỏi mức lương cao. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian cùng với sự nỗ lực học tập, chắc chắn, mức lương văn phòng sẽ tăng dần, vị trí, chức vụ cũng sẽ tăng theo. Đừng chỉ nhìn vào cái lợi trước mặt mà quên tính đường dài.
Hoàng, một độc giả chia sẻ: “Mình cũng từng chạy xe ôm công nghệ trong thời gian chờ tìm việc. Mình thấy việc này không chỉ giúp mình có thêm thu nhập mà cũng học được kha khá kinh nghiệm. Tuy nhiên đó cũng chỉ là việc tạm thời. Các bạn sinh viên đừng vì một chút nản lòng ban đầu, lại thấy thu nhập chạy xe ôm cao hơn mà từ bỏ công việc đúng chuyên ngành. Chắc chắn đi làm bạn sẽ được mở mang hơn rất nhiều, sau này nhìn lại cũng sẽ không hối hận”.
Nghề xe ôm công nghệ cũng có rất nhiều góc khuất. (Ảnh minh họa: Pinterest)
Nhìn chung, chạy xe ôm không sai nhưng với các bạn cử nhân, đó chỉ nên là phương án tạm thời, không phải lâu dài. Để có được công việc đúng dự định, các bạn trẻ cũng nên chuẩn bị các kỹ năng mềm, kinh nghiệm cần thiết để không rơi vào tình trạng thất nghiệp mà sinh ra chán nản, lựa chọn hướng đi sai.
TRÁNH TÌNH TRẠNG THẤT NGHIỆP KHI RA TRƯỜNG
Hiện nay, kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cũng cao hơn. Do đó, để đảm bảo có thể xin được việc sau khi ra trường, sinh viên cần chủ động tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để có kinh nghiệm trong thời gian này, các bạn trẻ có thể áp dụng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như: đi thực tập, tham gia CLB chuyên ngành, tham gia các dự án nghiên cứu khoa học,... Đó sẽ là những bước đệm đầu tiên để bạn có thể xin được việc ngay sau khi ra trường.