Tạm biệt anh, Chester Bennington
(Thethaovanhoa.vn) - Một phần không thể thiếu của Linkin Park và trái tim những người yêu nhạc rock thế hệ 8x 9.
- Chester Bennington tự tử: Nghe lại các ca khúc phim 'bom tấn' của Linkin Park
- Chester Bennington thủ lĩnh Linkin Park tự tử: Fan Việt đau khổ ‘thời thanh xuân của tôi có anh’
- Chester Bennington - Người tạo nên huyền thoại Linkin Park: 'In the end'
Linkin Park, cái tên có lẽ bất cứ ai trong độ tuổi 8x đến 9x đều biết đến. Tôi, bạn và đến cả người bạn gái vốn chẳng bao giờ nghe rock cạnh bàn bên đều từng nghe những bài hát bất hủ của band nhạc đình đám này. Vài năm trở lại đây dù âm nhạc của họ có phần mới mẻ, nhưng có lẽ một điều không bao giờ có thể đổi thay là tình cảm những ‘Soldier’ (từ gọi người hâm mộ LP) dành cho họ. Đã tranh cãi với nhau về đường lối phát triển âm nhạc của LP suốt những năm qua, nhưng có lẽ bây giờ là lúc các "Soldier" buông súng xuống, dành một phút mặc niệm cho một tượng đài âm nhạc đã ra đi, Chester Bennington.
Chester Bennington - lead vocal của Linkin Park đã qua đời ở tuổi 41. Đó là một tin sốc, tôi sốc, bạn sốc, bạn bè chúng ta sốc và cả cộng đồng âm nhạc trên thế giới cũng vậy. Anh không chỉ là một lead vocal, anh còn là một người cha, một người bạn, một hình tượng...
1. Tuổi thơ dữ dội
Chester Bennington chào đời ở Phoenix, Arizona. Nhạc cụ đầu tiên anh học là dương cầm. Anh đã từng tham gia vào một số ban nhạc và chơi ở nhiều vị trí khác nhau, chủ yếu vẫn là ở vai trò ca sĩ. Anh chưa bao giờ tham gia thực sự vào một ban nhạc nào cho tới năm 1993, khi anh ấy tham gia vào Grey Daze. Ban nhạc đã được giải tán vào năm 1998 và anh tham gia vào Linkin Park một năm sau đó.
Chester đã có một cuộc sống khó chịu suốt thời thiếu niên. Cha mẹ anh đã ly dị năm 1987, rời bỏ anhvới ba người anh chị em khác, hai chị và một anh trai. Bennington là người nhỏ nhất trong bốn anh chị em. Khi lên 11, anh trai Bennington đã giới thiệu anh tới những ban nhạc như Loverboy, Foreigner và Rush, cũng như The Doors.
Trước khi cha mẹ anh chia tay, gia đình họ thường xuyên chuyển nhà xung quanh vùng Arizona, từ những thành phố như Scottsdale, Tolleson, Tempe, và những nơi khác.
Chester bị lạm dụng tình dục từ khi mới lên 8 và quá trình này tiếp diễn đến khi anh lên tuổi 13. Tuy nhiên anh không hề xin sự giúp đỡ từ bên ngoài vì mặc cảm và sợ sự kì thị. Sau đó anh lớn lên cùng sự bạo hành. Chester từng chia sẻ rằng anh luôn bị trêu, bị bắt nạt, hành hung chỉ bởi vì anh có thân hình gầy gò và "khác biệt". Để thoát khỏi nỗi đau, anh đã tìm đến thơ ca và âm nhạc và từ đây anh bắt đầu tập viết nhạc, hát và tập hút thuốc phiện.
Anh trở thành con nghiện ở tuổi 18 và sau đó bị giam lỏng tại nhà để cai nghiện.
2. Chiến thắng số phận
Dù được biết đến là một trong những chất giọng hiếm trên thế giới, Chester không khởi đầu sự nghiệp của mình với những lời đề nghị béo bở. Công việc đầu tiên của anh là làm chân chạy bàn ở Burger King.
Sau khi đã hoàn toàn chế ngự được cơn thèm thuốc, Bennington bắt đầu sự nghiệp ca nhạc của mình với một ban nhạc tên là Sean Dowdell and His Friends. Band nhạc này xuất ra vài băng nhạc lẻ vào 1993 rồi sau đó phát triển thành Grey Daze. Band phát hành 3 album Demo - 1993, Wake/Me - 1994 và No sun today - 1997 và sau đó Chester đã rời band nhạc.
Không tìm được ban nhạc nào khác để tham gia, Chester đã có ý định từ bỏ sự nghiệp âm nhạc của mình nhưng vào lúc đó anh tình cờ được mời tham gia buổi thử giọng của một ban nhạc ở một Châu Lục khác. Khi anh xuất hiện ở buổi thử giọng, tất cả mọi người đều biết anh chính là người họ tìm kiếm - một vocal đích thực.
Đây là ngày đầu tiên Linkin Park có được Chester Bennington, ngày đầu tiên anh thực sự đạt được điều mình muốn, niềm hạnh phúc.
3. Những thành công
24 tháng 10 năm 2000, Linkin Park tung ra album đầu tay - Hybrid Theory. Với chất liệu nu-metal mới mẻ, Hybrid Theory ngay lập tức trở thanh album bán chạy nhất năm với hơn 24 triệu bản bán trên toàn cầu. Các bài hát như "One Step Closer", "Papercut", "In The End" trở thành hitsong trên các kênh Radio và đặc biệt là "Crawling" đã được giải Grammy danh giá.
Tiếp nối thành công của Hybrid Theory, Chester cùng những người bạn mới tiếp tục tung ra "Meteora" vào đầu năm 2003. Linkin Park phát hành các đĩa đơn từ Meteora trong vòng hơn 1 năm, gồm có: "Somewhere I Belong", "Faint", "Breaking the Habit" và "Numb".
Meteora cũng là studio album ngắn nhất của Linkin Park. Âm nhạc trong Meteora có sự thay đổi đáng kể so với Hybrid Theory. Nó khác biệt bởi sự ảnh hưởng từ rapcore ("Lying from You", "Hit the Floor", "Figure.09"), nhạc hip hop ("Nobody's Listening") và electronica ("Breaking the Habit"). Bài hát không lời "Session" được đề cử Giải Grammy cho Bài hát rock hay nhất năm 2003.
Đây là album thành công nhất trong lịch sử của bảng xếp hạng Modern Rock Tracks – một bảng xếp hạng chuyên về các bài rock alternative phát sóng qua đài. "Numb" là bài hát nổi tiếng nhất năm trên bảng xếp hạng. Album đã bán được 5,5 triệu bản ở Mỹ và hơn 11 triệu bản trên thế giới cho đến nay.
Và kể từ đó trở đi, Linkin Park đã trở thành một biểu tượng của Nu-metal, luôn luôn đứng đầu trong các bảng xếp hạng mỗi khi tung ra một single hay một album mới. Cùng với Mike Shinoda, Joe Hahn và những thành viên khác của band nhạc đình đám này, Chester đã cống hiến cho nền âm nhạc thế giới thêm nhiều album mới như: Minutes to Midnight - 2005, A Thousand Suns - 2010, Living Things 2012... và gần đây nhất là One More Light - 2017.
4. Những kỷ niệm “không êm ả”
Với nhiều 8x 9x lớn lên trong thời hoàng kim của Linkin Park, đó quả là một quãng thời gian tuyệt vời. Thế hệ học sinh ngày đó chắc chưa quên những đĩa CD và máy MP3 to hơn cái hộp diêm ngày trung học với những bản nhạc bất hủ trong album đầu tiên Hybrid Theory, và cả những album được tung ra sau đó. Tất cả mọi bài hát nhóm ra mắt đều được thuộc lòng từng câu từng chữ từng giai điệu. Có lẽ không ít người còn dành thời gian rảnh ra để chép lời bài hát vào những trang trống trong vở. Tôi vẫn nhớ khi rửa bát buổi tối, bài hát ưa thích lúc đó sẽ phải là "Crawling" bởi vì MV của nó có cái bồn rửa tay ngay khi vừa vào bài hát.
Khi chuẩn bị thi cấp 3, tôi không sao quên Nobody's Listening là bài tủ của tôi bởi vì nguyện vọng thi tôi chọn không được ai nghe. Kết cục là tôi thi vào trường mà tôi không hề thích. Tôi vẫn nhớ mỗi lúc đạp xe đến trường là phải chuẩn bị Playlist của ngày hôm đó, nó phải vừa với thời tiết và vừa với tâm trạng. Nếu hôm đó trời nắng thì bắt buộc phải bật từ album Meteora (viên thiên thạch).
Tôi còn đặt tên kỉ niệm theo từng bài hát. Ví dụ, ngày bùng học đầu tiên là Breaking the Habit, lần cảm nắng đầu tiên tên là Numb, hôm bị ngã xe lật cổ tay có tên là Faint và tất nhiên không thể quên In the end dành cho ngày bế giảng. Tôi còn không quên hứa chơi với thằng bạn là nếu Linkin Park có sang Việt Nam thì tôi sẽ đến bằng được để gặp và xoa mông Chester một cái.
Thời đó XoneFM còn khá hot, tôi vẫn nhớ những buổi tối phải hì hục làm bài thật nhanh để 10h còn chạy lên phòng bố mẹ xin cái đài rè xuống để nghe Hot10@10. Thời đó Linkin Park vừa ném ra Leave out all the rest và bảng xếp hạng thì đang bị thống trị bởi Crush của David Archuletta và cả Anh vẫn mơ của LK. Tất nhiên với tư cách của một "Soldier" (Fan của LP), tôi đã phải chui lủi trong quán nét (trốn bố) để vote cho Leave out all the rest lên top. Và tối hôm đó, khi Crush được công bố là đã xuống thứ 2 và từ số 10 đến số 3 đều không có Leave out all the rest, tôi đã vô cùng sung sướng. Lúc đó có lẽ tôi đã tự nhủ với bản thân rằng mình đã lập công lớn với các “oppa” của mình... (fanboi mode: On)
Sau đó vài năm, Linkin Park tung ra A Thousand Suns. Tôi vẫn nhớ lúc chờ xe Bus số 42 đến đón để đi học thêm tôi luôn bật When they come for me. Tôi vẫn nhớ hôm cúp học trốn đi xem Transformer để nghe Iridescent trong phim như thế nào. Tôi đã phải đạp xe xuống tận Sài Đồng để gặp admin fanpage LPFCiVN để mua cái áo Hoodie Linkin Park có hình Soldier ở sau lưng chỉ để mặc mỗi lúc đi chơi (Giờ vẫn giữ, để người yêu mặc). Tôi vẫn nhớ mỗi lần đạp xe đi học môn Toán của thầy Phong ở trường Dược tôi vẫn hay bật Burning in the Skies. Tôi còn gặp kha khá chiến hữu khi đang ngồi trong lớp và hát Waiting for the End.
Và sau đó tôi đỗ Đại Học.
Đại Học là lúc tôi được mở mắt ra với những khái niệm nhạc khác như Dubstep, Chillstep, Drum n Bass và vô vàn thể loại khác... Nhưng năm tôi đỗ (2012) cũng là năm Linkin Park tung ra Living Things. Và điều tôi không thể quên được là cái cảm giác sởn gai ốc mỗi lần nghe đoạn dạo đầu của Lost in the Echo. Đến tận ngày hôm nay tôi vẫn sởn gai ốc mỗi khi nghe cái đoạn này.
Castle of Glass làm tôi nhớ đến những hôm lượn lờ Hồ Tây cùng thằng bạn vì nó thất tình. Tôi vẫn nhớ anh lớp trưởng đẹp trai hôm ấy hỏi tôi thích "Burn it down" không vì nó vừa ra MV.
Mỗi một Album của LP lại động đến một mốc trong cuộc đời tôi. Và tôi biết tôi không phải người duy nhất. Ngoài kia có rất nhiều người khác cũng lớn lên cùng Linkin Park, cũng trải qua những phút thang trầm và từ những lời ca của họ mà vượt qua khó khăn và đứng dậy.
Linkin Park đã ở bên tôi khi tôi còn chưa biết thế giới có hình gì, họ đã định hình tôi, giúp tôi trưởng thành hơn. Và có lẽ các bạn cũng sẽ nhận ra một phần đó trong tuổi thơ mình. Linkin Park như một người anh, người bạn thân luôn ở bên để tâm sự khi cần nhất. Bằng một cách nào đó, nếu không có họ, tôi sẽ không có ngày hôm nay. Và nếu không có Chester Bennington, Linkin Park cũng sẽ không ở bên tôi như vậy.
Thật đáng buồn khi album cuối cùng của Linkin Park cũng là album cuối cùng anh có thể gửi đến thế giới. Và để kết thúc lời tâm sự này, tôi muốn trích lại một đoạn lời mà có lẽ ai cũng sẽ nhớ khi nói đến Linkin Park, một đoạn mà dành cho những phút cuối cùng bi tráng và xin được phép gửi lời chào tới Chester Bennington, the man, the voice, the legend.
I tried so hard
And got so far
But in the end
It doesn't even matter
I had to fall
To lose it all
Theo Samurice