Tại sao sự ra đi của Chester Bennington làm tan nát hàng triệu trái tim người hâm mộ?
(Thethaovanhoa.vn) - Đối với hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới, vụ tự vẫn của Chester Bennington, thành viên trụ cột ban nhạc rock Mỹ Linkin Park, hôm 20/7 ở tuổi 41, không chỉ là một cú sốc mà mang lại một sự cộng hưởng đặc biệt.
- Tạm biệt anh, Chester Bennington
- Chester Bennington tự tử: Nghe lại các ca khúc phim 'bom tấn' của Linkin Park
- Chester Bennington - Người tạo nên huyền thoại Linkin Park: 'In the end'
Từ năm 2000, năm Linkin Park trở thành hiện tượng âm nhạc với album Hybrid Theory đạt danh hiệu kim cương, phần ca từ "minh chứng sống" của Bennington đã giúp hàng triệu người trẻ đối chọi được với những cuộc vật lộn của họ, cảm giác bị xa lánh và những vấn đề về tâm thần.
Sinh năm 1976 ở Arizona, Bennington đã trải qua một tuổi thơ và thời kỳ tuổi vị thành niên đầy rắc rối. Anh bị một người bạn của gia đình lạm dụng tình dục trong nhiều năm, từ khi anh mới lên 7 tuổi, bị bắt nạt và vật lột với chứng nghiện ma túy, rượu và nhiều lần có ý định tự tử.
"Tôi từng bị đánh đập, bị buộc phải là những điều mà tôi không muốn làm. Tất cả những chuyện đó đã làm hủy hoại sự tự tin của tôi" – Bennington từng chia sẻ với địa chỉ âm nhạc Team Rock hồi năm 2014. "Giống như hầu hết mọi người, tôi sợ nói bất cứ chuyện gì. Tôi không muốn mọi người nghĩ mình là người đồng tính hoặc cho rằng tôi đang nói dối".
Cha mẹ Bennington ly hôn vài năm sau đó và khi vẫn còn là một đứa trẻ, ngôi sao tương lai Bennington đã tìm đến ma túy và rượu để giải sầu.
Nhưng Bennington đã vượt qua được hết những biến cố đó và trở thành người trụ cột của một trong những ban nhạc rock đình đám nhất trong thế hệ của mình, ở tuổi 24.
Phần ca từ các ca khúc ăn khách của Bennington như One Step Closer, Crawling và Numb đều khảo sát những nỗi bất an riêng và những trở ngại mà anh phải vượt qua trong cuộc đời đầy khó khăn của mình, nhờ đó những đứa trẻ tuổi vị thành niên đang gặp khốn khó đã tìm được cách bộc lộ nỗi sợ hãi và rắc rối của bản thân.
Linkin Park là một phần trong sự bùng nổ dòng nhạc “nu metal” (là thể loại âm nhạc khởi nguyên từ giữa thập niên 1990. "Nu metal" có nghĩa là dòng nhạc metal mới. Metal là một phân nhánh của nhạc rock còn rap là một phân nhánh của dòng R&B) của thiên niên kỷ, trong đó còn phải kể đến sự góp công của các ban nhạc Korn, Papa Roach, Limp Bizkit, Slipknot và Mudvayne. Song trong số đó, Linkin Park là một trong những ban nhạc có ảnh hưởng nhất.
Thật không may, sự nổi lên của dòng nhạc "nu metal" lại đồng thời với sự xảy ra ngày càng liên tiếp các vụ bắn súng trong trường học ở Mỹ.
Trong khi ca từ của Marilyn Manson bị cấm lưu hành trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc chí ít bị coi là nhân tố ảnh hưởng tới vụ thảm sát Columbine hồi năm 1999, thì Linkin Park lại bị gắn với vụ xả súng do một fan 15 tuổi gây nên ở Santee, bang California hồi năm 2001.
Song với nhiều người, nghe các nhạc phẩm của Linkin Park và phần ca từ của Bennington và là nguồn an ủi và giúp họ tìm được lối thoát không nhuốm bạo lực.
Đối với một thế hệ tuổi vị thành niên, trong đó nhiều người phải vật lộn với các chứng bệnh về thần kinh, sự tồn tại của Linkin Park giúp họ trấn an được mình đang thuộc về đâu. Ta có thể thấy rõ điều này qua hàng ngàn lời bình luận về sức ảnh hưởng của Bennington trên trang Twitter.
Đặc biệt, các thành viên của Linkin Park hiếm khi chửi thề bởi họ cố gắng tạo được những sự ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống của khán thính giả trẻ.
Linkin Park đã hỗ trợ hàng chục dự án từ thiện, trong đó có Make-A-Wish và Quỹ của Liên hiệp quốc, thành lập quỹ Music for Relief đồng thời tham gia nhiều chương trình hòa nhạc nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân trong các vụ thảm họa như bão Katrina và sóng thần năm 2004.
Cái chết của Bennington sẽ tác động tới hàng triệu người bởi giọng ca của anh là âm thanh của thiên niên kỷ.
Nghe ca khúc ăn khách One Step Closer của Linkin Park:
Tuấn Vĩ
Tổng hợp