Tại sao Mỹ chọn tên lửa Tomahawk để không kích Syria?
(Thethaovanhoa.vn) - Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa Tomahawk luôn giữ vai trò mở màn khi Mỹ tham chiến. Tên lửa này có khả năng bắn trúng mục tiêu quan trọng có giá trị cao của đối phương với sai số cực nhỏ.
- VIDEO: Chính phủ Syria đánh giá thiệt hại sau vụ không kích
- Nhận định: Tấn công Syria - Hành động vô nghĩa và phi lý
- Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức biện minh cho hành động không kích Syria
Mỹ và các đồng minh tối ngày 13/4 đã phóng 103 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Damascus và vùng lân cận Syria. Hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết 3 tàu chiến ở Biển Đỏ đã phóng loạt tên lửa hành trình Tomahawk.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Joseph Dunford, 3 địa điểm bị trúng hỏa lực của Mỹ tại Syria bao gồm một trung tâm nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus, kho vũ khí hóa học tại phía Tây tỉnh Homs và cuối cùng là cơ sở chỉ huy, tích trữ thiết bị vũ khí gần sát địa điểm vừa nêu ở Homs.
Quân đội Nga khẳng định các đơn vị phòng không của Syria đã đánh chặn thành công 71 trong tổng số 103 tên lửa Tomahawk được triển khai. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không S-200, S-125, tổ hợp tên lửa phòng không BUK và Kvadrat được sử dụng để đối phó với cuộc tấn công.
Theo tờ Washington Post, tên lửa Tomahawk là một phần quan trọng trong kho vũ khí của lực lượng quân sự Mỹ kể từ khi Chiến tranh Vịnh Ba Tư nổ ra năm 1991.
Trong suốt 27 năm, Mỹ đã sử dụng loại tên lửa này trong các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng khủng bố ở Yemen, Iraq và Syria.
Tháng 9/2014, Mỹ phóng 47 quả tên lửa Tomahawk từ hai chiến hạm đánh trúng cơ sở của một nhánh IS, có tên gọi Khorasan Group. Tháng 10/2016, Lầu Năm Góc cũng triển khai cuộc tấn công bằng tên lửa này từ Biển Đỏ dội xuống ba hệ thống radar của phiến quân Houthi tại Yemen. Lần gần đây nhất, vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk từ hai tàu khu trục nhằm vào một căn cứ không quân ở Syria.
Một trong những ưu điểm khi sử dụng Tomahawk trong một cuộc tấn công là việc triển khai không cần phi công phải tiếp cận gần mục tiêu xác định. Mỹ có thể phóng từ nhiều vị trí khác nhau nằm rất xa so với mục tiêu nên đối phương rất khó đáp trả. Tên lửa Tomahawk có thể được phóng từ một tàu khu trục cách xa mục tiêu tới gần 2.500 km – một khoảng cách an toàn khi so sánh với hệ thống phòng không của đối thủ là Syria. Hiện Syria sở hữu hệ thống phòng thủ đất đối không khiêm tốn S-200, nhưng lại nhận được sự hỗ trợ của Nga – quốc gia sở hữu tên lửa S-300 và S-400 tân tiến.
Không chỉ có vậy, theo Chris Harmer - nhà phân tích quốc phòng đồng thời là cựu sĩ quan hải quân, mặc dù sức công phá của Tomahawk không là gì khi so với nhiều loại bom lớn hơn được trang bị trên các máy bay ném bom có người lái của Mỹ, tuy nhiên đối với các mục tiêu mặt đất của Syria thì sức công phá đó là vừa vặn.
Bên cạnh đó, Tomahawk còn có khả năng mang bom chùm kích nổ trên không có thể phá hủy nhiều phương tiện khác xung quanh mục tiêu xác định.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức