Tại sao khi yêu thể hiện, khoe khoang tình cảm nhiều thường gặp rủi ro lớn?
Chỉ khi bất an, thiếu chắc chắn họ mới muốn khoe ra, thậm chí phóng đại nó nhiều hơn như 1 cách chứng minh, củng cố.
Thể hiện tình cảm khi yêu là điều mà bất cứ cặp đôi nào cũng mong muốn, nhưng thể hiện quá đà lại là chuyện khác. Đã có không ít ngôn tình sụp đổ khi thực tế chứng minh “mãi mãi là 2 năm”, “ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”… Thậm chí, người ta kháo nhau: Yêu đương mà càng khoe khoang, càng thể hiện nhiều thì càng dễ “toang” sớm. Tại sao vậy?
Khoe nhiều chứng tỏ bạn đang bất an vào mối quan hệ?
Xuất phát từ các lý do: muốn chia sẻ và lan tỏa sự hạnh phúc; khao khát được chú ý và rất có thể là khiến người cũ ghen tị thì việc khoe khoang cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Một nghiên cứu vào năm 2014 của Đại học Toronto (Canada) đã xem xét những người có nhiều bài đăng trên Facebook về hôn nhân của họ. Nghiên cứu cho thấy, ngoài việc muốn thể hiện niềm hạnh phúc thì càng “khoe nhiều” càng chứng tỏ họ cảm thấy bất an về mối quan hệ của mình.
Chỉ khi bất an, thiếu chắc chắn họ mới muốn khoe ra, thậm chí phóng đại nó nhiều hơn như 1 cách chứng minh, củng cố.
Tiểu thuyết lãng mạn hay các bộ phim ngôn tình cũng chỉ thực sự ăn khách nếu nó có cái kết hoàn hảo. Bởi tâm lý bất cứ ai trong chúng ta đều khao khát theo đuổi một kết thúc có hậu. Song kì vọng càng lớn thì cổ tích càng mong manh, hiện thực càng tàn khốc.
Nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên MXH có xu hướng sử dụng các mối quan hệ của họ để thể hiện vị thế bản thân, để nhận về những lời tán dương, khen ngợi. Vì thế họ không ngại nói những lời tuyên bố chắc nịch về tình yêu, câu chuyện về định mệnh họ gặp nhau, những cam kết hôn nhân…mà không cần biết ngày mai sẽ ra sao.
Nếu cặp đôi đó sau này (đôi khi là 1 thời gian rất ngắn) chia tay, thì rõ ràng những tuyên bố công khai và thực tế xảy ra đã rất khác biệt. Có phải họ bị cuốn vào “hiệu suất” của mối quan hệ đến nỗi họ quên đi hiện thực? Có phải việc xây dựng hình tượng một mối tình lãng mạn, tình yêu hào nhoáng trước công chúng quan trọng hơn chịu trách nhiệm cho những rủi ro trong tương lai?
Tình yêu hay hôn nhân quan trọng là giá trị thực
Bạn có thể bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với điều mình cố gắng thể hiện ra ngoài và bản chất bên trong. Những câu khen ngợi như: “Chắc bạn phải hạnh phúc lắm”, “Hôn nhân viên mãn thật”… khiến bạn phải mỉm cười một cách “xiêu vẹo”.
Thể hiện tình cảm lên các phương tiện MXH với tần suất liên tục, dành cho nhau những câu văn hoa, mật ngọt cũng là cách giải phóng cảm xúc, khoe với cả thế giới bạn đang hạnh phúc. Thế nhưng, những thứ được tạo nên bằng cảm xúc thường mang “độ bền” thời điểm. Bởi ngay từ đầu mục đích chính là thể hiện với thiên hạ thì mối quan hệ cũng sẽ bị chi phối và ảnh hưởng ít nhiều từ bên ngoài. Với những người sống cảm xúc như thế thường có xu hướng “dễ đến dễ đi”.
Tiến sĩ Simon Longstaff, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Ethics nói rằng, những rủi ro chính đối với một mối quan hệ là hành vi đạo đức giả và thiếu suy nghĩ.
Nếu sự thể hiện trước công chúng của bạn hơi thái quá và phóng đại so với thực tế thì bạn có thể mắc phải “bệnh đạo đức giả” khiến mối quan hệ bị hủy hoại nhanh chóng.
Đảm bảo các giá trị thực và cam kết trách nhiệm trong một mối quan hệ sẽ giúp chúng ta vững vàng hơn việc tạo dựng hình ảnh tuyệt vời ảo diệu có phần hơi vô nghĩa trên mạng xã hội.
Hơn hết, trước khi tuyên bố bất cứ 1 điều gì hãy nghĩ đến mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai. Hành động mới là thứ minh chứng và đảm bảo chắc chắn nhất cho ngàn lời nói.