Tại sao di cốt của Bao Thanh Thiên lại nằm rải rác khắp Trung Quốc?
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim truyền hình mới Bao Thanh Thiên: Tái khởi Phong Vân (Justice Bao: The First Year) của đài TVB đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Với loạt phim này, một lần nữa công chúng lại muốn tìm hiểu về Bao Thanh Thiên (999-1062).
Theo của một số trang tin mạng, dù được người dân rất kính trọng, con cháu tôn sùng như một biểu tượng văn hóa nhưng khi chết di hài của Bao Thanh Thiên lại không được giữ nguyên vẹn.
Hiện chỉ có 34 mảnh xương di cốt của Bao Chửng đã còn được lưu giữ và chôn đúng tại nghĩa trang ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Những mảnh xương khác của ông đang nằm ở đâu con cháu ông vẫn giữ kín.
Trong phim, ngôi sao Đàm Tuấn Ngạn (Shaun Tam) thủ vai Bao Chửng thời trẻ, thời ông đảm nhiệm chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là Tri châu Đoan Châu (nay thuộc TP. Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông).
- “Bao Thanh Thiên” trở lại
- Hà Gia Kính, Kim Siêu Quần tiếp tục đóng phim Bao Thanh Thiên
- Phim Bao Thanh Thiên được dựng lại
Bao Chửng là một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất đời Tống. Ông đã “vượt” thời gian thành công, đến với các thế hệ hậu duệ qua nhiều tác phẩm, phim truyền hình và trở thành một biểu tượng văn hóa thời nay.
Bao Chửng lâm bệnh và mất ở nơi làm việc vào tháng 7/1062, thọ 64 tuổi. Đáng nói ở đây là thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, nên người ta nghi ngờ rằng ông bị đầu độc do lúc sinh thời Bao Chửng từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên bị bọn chúng căm ghét.
Sau này, các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu năng lượng vật lý cao Học viện Khoa học Trung Quốc đã phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công.
Kết quả cho thấy: hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và arsen (thạch tín) lại thấp hơn người thường. Ngày xưa, độc dược được sử dụng chủ yếu là tì sương (thạch tín) và chu sa (thủy ngân), chúng có độc tính cực mạnh. Kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống phải thuốc có chứa thạch tín.
Bao Công được chôn cất ở Đại Hưng Tập và đích than Hoàng đế Tống Nhân Tông làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu "Hiếu Túc", có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.
Tuy nhiên, gia đình ông đã giấu hài cốt của ông trong 21 chiếc quan tài khác nhau và chôn ở khắp đất nước để kẻ thù của ông không phát hiện ra.
Thật không may, khi người Nữ Chân (dân tộc đã lập nên nhà Kim và Mãn Thanh sau này) xâm lược vào đầu những năm 1100, nhiều ngôi mộ của Bao Chửng đã bị phát hiện và các đồ mai táng đã bị đánh cắp.
Nhằm ngăn chặn tình trạng sự phá hoại di cốt của Bao Chửng, gia đình ông đã chuyển nơi an nghỉ của ông cách xa chỗ cũ 10m nhưng nhiều kẻ trộm mộ khác cuối cùng cũng tìm thấy ngôi mộ và tàn phá.
Trong thời Cách mạng Văn hóa, phong trào “phá tứ cựu, lập tứ tân” lan rộng, nhiều ngôi mộ bị đập phá để nhường đất cho các nhà máy thép, ngôi mộ của Bao Công nằm trong số đó. Một nhóm do trung tâm văn hóa của Hợp Phì được lập nên để khai quật mộ Bao Thanh Thiên.
Trong quá trình khai quật, nhóm này phát hiện ra các văn bia tôn vinh Bao Thanh Thiên và vợ ông. 11 bộ di cốt được trao cho đại diện hậu duệ Bao Công. Qua bàn bạc, các thành viên trong gia tộc quyết định thuê xe di quan từ Hợp Phì về gò Long Sơn, thôn Đại Bao, tỉnh An Huy (nơi an táng tổ phụ, thân phụ Bao Công) nhưng không được chấp thuận nên họ phải chôn trộm.
Trong quá trình giấu hài cốt, 34 mảnh xương của Bao Chửng đã được gửi đến Bắc Kinh để tiếp tục nghiên cứu pháp y. Để bảo vệ những hài cốt còn lại của Bao Chửng, con cháu của ông đã giấu phần di cốt còn lại trong những chiếc túi mang trở về quê nhà ở An Huy.
Vào năm 1980, trong nỗ lực tái tạo lăng mộ Bao Chửng, người ta đã phát hiện ra rằng xương trong quan tài đều được thay thế bằng bùn. Người ta suy đoán rằng hậu duệ của Bao Thanh Thiên đã đưa hài cốt chôn cất ở nơi khác. Vị trí chính xác vẫn chưa rõ.
Thật may, trong số 35 mảnh xương được đưa vào quan tài bằng gỗ nam mộc đặt trong mộ huyệt của Bao Công sau khi giám định pháp y, 15 mảnh xương còn lại được trưng bày trong Nhà Bảo tàng tỉnh An Huy.
Việt Lâm
Tổng hợp