Tai nạn báo chí ở Anh: Nhà báo và ca sĩ cãi nhau vì bài phỏng vấn tai tiếng
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 19/6, nữ ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Lana Del Rey chỉ trích phóng viên tờ báo lớn The Guardian (Anh) đã gài cắm cô, khiến cô phát biểu: “Tôi ước gì mình đã chết”. Tờ báo phản hồi, đứng về phía phóng viên của họ.
Thông tin được chính tờ The Guardian và nhiều báo khác đăng tải hôm 20/6. Còn bài phỏng vấn ra hôm 12/6 với tiêu đề Lana Del Rey: “Tôi ước mình đã chết”, được nhiều báo khác dẫn lại, tạo nên chút sóng gió dư luận.
Trong bài, phóng viên Tim Jonze trích dẫn trực tiếp câu nói trên của Lana Del Rey trong một đoạn trò chuyện về chết trẻ và ý nghĩa của cuộc sống. Nữ ca sĩ nhắc đến những thần tượng âm nhạc của mình, Kurt Cobain và Amy Winehouse, đều qua đời ở tuổi 27. Năm nay Lana cũng 27 tuổi. Âm nhạc của cô thường hoài cổ, nuối tiếc hoàng kim, quá khứ.
Khi bài báo đăng lên, nữ ca sĩ bị nhiều độc giả thương hại, chế giễu cô như người bị trầm cảm hết thuốc chữa hoặc là người giả tạo.
Lana Del Rey gặp chuyện không vừa lòng trong lần hiếm hoi lên báo AnhChính vì thế, cô nổi cơn thịnh nộ. Trong đoạn viết trên Twitter hôm 19/6, Lana viết “Tôi thật hối hận đã tin tưởng tờ The Guardian. Tôi không muốn trả lời phỏng vấn nhưng phóng viên đó cứ nài nỉ. Alexis giả mạo làm người hâm mộ của tôi nhưng hóa ra lại có động cơ xấu xa. Có lẽ anh ta là một kẻ nhàm chán đang tìm kiếm những thứ thú vị để viết. Các câu hỏi chính của anh ta về cái chết và bản ngã đều đã có toan tính”.
Bên cạnh việc nữ ca sĩ quên tên người phỏng vấn mình (là Tim Jonze chứ không phải Alexis, tức Alexis Petridis, nhà phê bình âm nhạc uy tín của The Guardian), thì tuyên bố của cô gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của tờ báo. The Guardian đã ngay lập tức kiểm tra lại nguồn tin của mình và cho phép phóng viên Tim Jonze viết bài phản hồi đăng hôm 20/6.
Trong bài phản hồi mang tên Lana Del Rey khó chịu với bài phỏng vấn của chúng tôi, nhưng vì sao chứ?, Jonze đưa ra bằng chứng quan trọng: Đoạn ghi âm phỏng vấn. Trong đó anh hỏi Lana câu hỏi “Cô thấy chết trẻ là một điều hấp dẫn và huy hoàng?”, và nữ ca sĩ, sau một vài câu liên hệ đến các thần tượng chết trẻ của mình, đã chốt câu trả lời: “Đúng vậy”.
Tim Jonze là cây bút phỏng vấn cứng cựa của The GuardianJonze cũng phủ nhận những quy kết khác. Anh giải thích, Lana đã vui vẻ tiếp anh trong 70 phút chứ không phải “không muốn trả lời phỏng vấn”. Anh cũng phủ nhận mình có ý đồ xấu, cài cắm để làm hại danh tiếng cô. Thêm vào đó, phóng viên này khẳng định, anh đúng là rất yêu thích âm nhạc của Lana chứ không phải “fan giả mạo”.
Đây là một tai nạn báo chí hi hữu, liên quan đến một nhà báo Anh và một nghệ sĩ Mỹ nên báo chí cả 2 nước đều để ý. Chốt lại bài viết của mình, Jonze nhắn nhủ Lana: “Tôi chỉ muốn bạn nói ra những câu thú vị cho bài báo được hay, các câu hỏi đều chỉ phục vụ mục đích đó. Xin lỗi Lana, nhưng là một nhà báo, tôi chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Một trường hợp đáng để các phóng viên văn hóa ở Việt Nam suy ngẫm trong ngày truyền thống của báo chí, 21/6.
Mi Ly