Tái dựng kịch 'Con ma nhà họ Hứa': Một chuyện tình đẹp trong nghịch cảnh
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng đèn lần đầu vào tháng 11/2015 tại sân khấu nhỏ của Kịch Bệt, lần này tái dựng trên sân khấu lớn của Kịch Hoàng Thái Thanh, Con ma nhà họ Hứa (kịch bản: Hoàng Mẫn) không chỉ bổ sung thêm đạo diễn Quốc Thịnh, mà còn có cơ hội để nhấn nhá vào chuyện tình sâu đậm trong nghịch cảnh.
Người Sài Gòn đầu thế kỷ 20 vốn không xa lạ với các giai thoại về “con ma” nhà họ Hứa, sách báo viết khá nhiều. Giai thoại này đã 2 lần vào cải lương và 2 lần vào phim chiếu rạp, thu hút khá đông người xem. Đến phiên bản kịch, Tuyết Mai và Quốc Thịnh mở một lối đi khác, họ xoáy vào chuyện tình đáng thương của vợ chồng Trọng và Quỳnh.
Giả chết để được yêu
Gia đình thương nhân Hứa Minh Nhân ở Sài Gòn rất khắt khe và sĩ diện, nên khi Quỳnh (do Phương Trâm thủ vai) bị mắc bệnh phong (cùi), Trọng (Công Danh) và dì ruột (Ái Như) phải dựng chuyện Quỳnh tự tử để che mắt mọi người. Nhưng thật ra, Quỳnh phải sống trong hầm rượu bỏ hoang với bệnh phong ngày càng nặng, sống trong lời đồn của gia nhân và xã hội về một bóng ma.
Sở dĩ có thể tiết lộ cốt truyện như vậy vì vở này nút thắt không xoáy vào chi tiết bí mật này, mà chủ yếu nhấn vào tình vợ chồng sâu nặng. Bởi gia thế và thời cuộc có thể khiến Trọng lấy thêm vợ để có người nối dõi, do anh là người con duy nhất. Nhưng Trọng đã tìm mọi cách để được sống với người vợ bất hạnh của mình, bất chấp nghịch cảnh và bệnh tật. Điều khó nhất khi dựng vở cũng là ở điểm này, làm sao để khán giả có thể tin và xúc động.
Ngoài NSƯT Thành Hội và Ái Như là kì cựu, vở này giao đất diễn cho những gương mặt trẻ như Quốc Thịnh, Công Danh, Phương Trâm, Thế Hải, Kim Hải, Phượng Anh, Tấn Đạt, Lamin Du. Họ đều khá chỉn chu và có nét riêng trong vai diễn của mình, quả là đáng khen ngợi. Quốc Thịnh, Công Danh đã thực sự tạo được niềm tin cho khán giả khi vào các vai quan trọng.
Trong phiên bản trước, Tuyết Mai đã tạo được niềm tin, lần này có Quốc Thịnh cùng dàn dựng, với dàn diễn viên có tay nghề, chuyện tình Trọng và Quỳnh có cơ hội để khắc họa sâu đậm hơn.
Bi kịch không đến từ nghịch cảnh bất ngờ, mà đến từ việc ta biết trước nghịch cảnh mà không thể tránh được, phải ngày ngày sống với nghịch cảnh đó. Giá như Quỳnh chết thật, Trọng sống đơn độc suốt phần đời còn lại trong nhớ thương, còn dễ chịu hơn, đằng này phải giấu tình yêu trong mật thất, mà lối vào chính là chiếc bàn thờ.
Giả chết để được yêu là cái tứ phổ biến từ xa xưa, nhưng đến Con ma nhà họ Hứa thì vẫn có đất để làm mới, do không xoáy vào hành động của con ma. Bộ ba Hoàng Mẫn, Tuyết Mai và Quốc Thịnh mở được lối đi khác cho câu chuyện đã quá quen thuộc, cũng là một bất ngờ.
Sự “cố chấp” đáng yêu
Kịch Hoàng Thái Thanh mở lối đi bằng các vở nặng tâm lý xã hội, thậm chí có thiên hướng bi kịch, đề cao tình người và sự tử tế. Khi nghe họ tái dựng Con ma nhà họ Hứa, nhiều khán giả và giới làm nghề đã đặt câu hỏi: Liệu trào lưu kịch ma, kịch kinh dị ở TP.HCM đã lan đến cả sân khấu này? Nhưng không, bằng sự “cố chấp” rất đáng yêu, họ đã giữ được phong thái và lối đi của mình.
Với kịch bản này, nếu thích giật gân, họ hoàn toàn có thể “cưới thêm vợ” cho Trọng, biến Trọng thành kẻ sống lạnh lùng, hoặc đạo đức giả. Có thể biến Quỳnh thành nạn nhân của một âm mưu thâm độc, hoặc trở thành một “bóng ma”, một “xác sống” đang trả thù. Nhưng không, họ đã chọn “chánh đạo” để đi như lâu nay, vì nghịch cảnh của Trọng và Quỳnh đã quá đủ rồi, họ xứng đáng được bình yên, dù cái kết có thể chưa viên mãn.
Chọn lựa cách đặt vấn đề là phong cách và bản lĩnh của từng sân khấu. Năm 2005, khi dựng Ngôi nhà của những linh hồn (kịch bản: Ngọc Linh) cho Kịch 5B, Ái Như cũng đã chọn cách tiếp cận khác, dù kịch bản này có ma thật, đó là những linh hồn. Vở này giờ vẫn đang sáng đèn ở Kịch Hoàng Thái Thanh với tên mới là Ngôi nhà thiếu đàn bà.
Văn Bảy