Tác giả trẻ Võ Thị Mỹ Linh (Va Li): Cuộc đời thứ nhất đã để lại trên dãy Himalaya
Là tác giả của 10 đầu sách (in chung), sắp tới đây Va Li chuẩn bị cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay Bên kia sườn đồi (dự tính Phương Nam phát hành), với mong muốn có những trải nghiệm mới. Va Li chuẩn bị kế hoạch leo núi Annapurna với 20 ngày, nhưng sau đó bão tuyết xảy ra, Va Li thoát chết, rồi xuống làng Muktinath, bắt xe quay về Kathmandu. Hiện Va Li vẫn đang ở Nepal và dự tính ngày 1/12 sẽ trở về Việt Nam.
* Vì sao bạn quyết định cho hành trình đến với Himalaya? Đối mặt vượt qua chính mình hay chạy trốn nỗi buồn không thể giải tỏa?
- Đúng là bắt mình làm cái việc mà mình không thích chẳng hề đơn giản tí nào. Như cái ngày tôi tuyên bố bỏ việc ở ngân hàng để sang Ấn Độ, tôi suy nghĩ rất nhiều. Vì ở Việt Nam tôi không giàu, nhưng so với các bạn cùng tuổi, tôi có cuộc sống khá thoải mái, có công việc ổn định, lương vừa đủ xài, buồn thì lấy guitar ra gảy, chán thì viết lách, mệt thì đi bơi, buồn nữa thì nghỉ phép đi du lịch. Chẳng có cớ gì khiến tôi phải bỏ việc để đi cả. Ấy thế mà tôi vẫn đi.
Tôi không chạy trốn nỗi buồn dù lúc ở Nepal thì tôi có buồn vì phải chia tay một người bạn. Chuyện leo núi ở Nepal tôi tính toán từ khi còn ở Ấn Độ. Khi ở Ấn Độ, mỗi ngày tôi tập cuốc bộ 12 km. Tôi cũng không cho chuyện leo núi là chuyện vượt qua chính mình. Nhưng như tôi đã nói, đôi khi người ta phải tìm niềm tin bằng cách leo lên đỉnh núi ngắm một bông hoa nở trên đá để thấy rằng cuộc sống vẫn đẹp tuyệt vời.
Dù vậy, tôi cũng không leo núi để ngắm một bông hoa nở trên đá. Mọi chuyến đi của tôi đều có mục đích. Ban đầu tôi nghĩ sang Nepal làm tình nguyện viên, vừa được chơi với trẻ em vừa hiểu văn hóa lại là điều bổ trợ rất tốt cho tôi nếu tôi có ý định đi du học. Nepal là một đất nước nổi tiếng về môn leo núi.
Nhưng tôi không ngờ, có quá nhiều thứ xảy đến với tôi trong chuyến trekking (một hình thức du lịch mạo hiểm bằng đi bộ) này.
* Chuyến đi ấy của bạn, đã phải trả giá bằng việc chấp chới giữa lằn ranh sống chết. Trong thời gian tránh cơn bão tuyết kinh hoàng lấy đi mấy chục mạng người, ở căn nhà Tea House, Linh đã nghĩ về những điều gì?
- Lúc ở Tea House, tôi không nghĩ nhiều. Tôi có nhớ nhà. Nhất là khi nghe cậu bạn porter (người khuân vác) ngồi hát lẩm nhẩm mấy bài hát Nepalese. Cậu hát liên hồi, thi thoảng lại gọi mẹ ơi vì cậu ấy nghĩ mình sẽ chết. Nhưng tôi cũng không nhớ nhiều lắm. Vì tôi bận nghĩ về cái vai đau ê ẩm của tôi. Đôi khi có một chút ích kỷ lóe lên trong tôi dù mọi người bảo tôi cao thượng. Vì dù đã nhường túi ngủ cho cậu porter nhưng cậu bạn porter cứ liên hồi ôm tôi.
Bây giờ hỏi lại tôi cái đêm đó thế nào. Tôi chỉ biết nói đó quả là một đêm dài vô tận. Tôi là người không tôn giáo và không tin vào bất cứ thần thánh nào. Nhưng hôm đó tôi đã cầu nguyện, hết cầu Phật rồi cầu Chúa. Tôi lẩm bẩm cầu ngày mai nắng lên. May mắn thay, ngày hôm sau có nắng thật.
* Có phải thực sự “một con người khác được sinh ra” sau khi bạn sống sót trở về?
- Trước chuyến đi, tôi nghĩ tôi là đứa không biết quý cuộc đời cho lắm. Thậm chí lúc ở Việt Nam, mỗi năm tôi chỉ về thăm gia đình đúng một lần, có năm không về. Tôi giữ liên lạc với gia đình qua điện thoại, nhưng mỗi năm chúng tôi cũng chỉ gọi cho nhau 3-4 lần khi có việc cần.
Tôi quen cách sống độc lập như thế và gia đình cũng quen như thế. Nhưng khi mẹ tôi biết tôi gặp nạn vì báo đài đưa tin, bà gọi điện sang cho tôi và bảo, về đi, mẹ nhớ lắm rồi. Lần đầu tiên tôi nghe mẹ tôi nói thế dù tôi và mẹ ít khi thể hiện tình cảm với nhau. Tôi bật khóc vì xúc động.
Cũng vào cái ngày tôi xuống núi bình an, những người dân làng Muktinath xúm xít quanh tôi hỏi chuyện. Tất cả từ người già người trẻ đến những bác trekking guide có kinh nghiệm đều nhìn tôi và bảo: “Cô là cô gái rất may mắn. Cuộc đời thứ nhất của cô đã ở lại trên đỉnh Thorung La Pass. Còn đây là cuộc đời thứ hai của cô, nên nhất thiết cô phải trân trọng nó!”. Ngày hôm đó, tôi ý thức được rằng, tôi phải học cách trân trọng cuộc đời.
* Là một người đam mê viết, trải nghiệm trong chuyến đi vừa rồi mang lại cho bạn điều gì?
- Nó mang lại cho tôi nhiều thứ. Nhưng điều tôi vui mừng nhất, là trước giờ những trăn trở, những tư tưởng của tôi không được ai nghe thấu thì giờ họ chú ý lắng nghe.
Tôi có một quan niệm sống rất buồn cười. Đó là nếu giận ai, tôi mang đàn ra đánh, vì tôi nghĩ đánh đàn tích cực hơn đánh ai đó. Nếu buồn, tôi đi hiến máu, vì tôi nghĩ giọt máu buồn của tôi sẽ tuôn ra ngoài và tôi sẽ thôi không còn buồn nữa, còn những giọt máu buồn kia lại làm được việc có ích cho đời là cứu được mạng sống của ai đó. Những người ở công ty cũ của tôi đều biết chuyện này và thậm chí họ can ngăn tôi vì có dạo trong 3 tháng mà tôi hiến máu 2 lần. Sau khi đi hiến máu, tôi còn mang sữa nhận được từ việc hiến máu phát cho người nghèo. Tôi không cho phép bản thân làm chuyện tiêu cực ngay cả lúc buồn.
* Tại sao bạn có niềm lạc quan về cuốn tiểu thuyết Bên kia sườn đồi sẽ bán chạy? Bản thân bạn thấy mình đã viết cuốn đó trong sự hài lòng, hay bởi hiệu ứng đám đông, vì bởi bạn đã là cô gái sống sót sau trận bão tuyết?
- Tôi hoàn thành cuốn tiểu thuyết này và ký hợp đồng với Phương Nam ngay khi ở Ấn Độ nên dĩ nhiên nó không liên quan gì đến chuyện tôi viết nó bởi hiệu ứng đám đông. Thậm chí trước lúc đi leo núi, tôi lường trước được nguy hiểm của mình nên viết một e-mail cho anh Phương bên Phương Nam rằng, nếu tôi có chết thì cuốn tiểu thuyết Bên kia sườn đồi của tôi cũng ra mắt như đã ấn định.
Bản thân tôi viết nó trong sự hài lòng vì nó thai nghén một quãng thời gian dài và cô Nụ trong truyện là hiện thân của tôi. Đây là một cuốn sách không khó đọc nhưng cũng không phải dễ đọc vì nó không phải truyện ngôn tình mà tôi thấy giới trẻ bây giờ chỉ thích đọc truyện ngôn tình thôi.
Trước khi gửi cho nhà xuất bản thì tôi gửi bản thảo cho một số anh chị phê bình sách lẫn các nhà biên kịch đọc. Tất cả họ đều hài lòng với bản thảo này nên tôi nghĩ đó không phải là cuốn sách tệ, dù chưa chắc nó đã là cuốn sách hay.
* Cảm ơn Linh và chúc tiểu thuyết Bên kia sườn đồi sẽ đến được với nhiều độc giả.
“Tôi có một quan niệm sống rất buồn cười. Đó là nếu giận ai, tôi mang đàn ra đánh, vì tôi nghĩ đánh đàn tích cực hơn đánh ai đó. Nếu buồn, tôi đi hiến máu, vì tôi nghĩ giọt máu buồn của tôi sẽ tuôn ra ngoài và tôi sẽ thôi không còn buồn nữa, còn những giọt máu buồn kia lại làm được việc có ích cho đời là cứu được mạng sống của ai đó” - Va Li |
Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần