Tác giả Thủy Anna: Trả nợ cho 'Lạc giới'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết Lạc giới của Thủy Anna xuất bản năm 2008, đến năm 2014 được tái bản lần thứ ba bổ sung thêm ngoại truyện cho phần kết. Điều đáng nói, cuốn sách được nhắc đến nhiều hơn khi mới đây bộ phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã lấy đúng tên sách của Thủy Anna làm “tựa đề” cho dòng phim về đề tài đồng tính đang chiếu rạp.
Thể thao &Văn hóa có cuộc trò chuyện với Thủy Anna nhân dịp chị tổ chức sự kiện giao lưu với độc giả về chủ đề: Giới, tại Sài Gòn.
Tác giả Thủy Anna
* Do đâu chị có ý định viết ngoại truyện cho tiểu thuyết Lạc giới?
- Ngoại truyện cho tiểu thuyết Lạc giới là điều tôi đã ấp ủ từ lâu. Bởi cái kết của Lạc giới vẫn còn nhiều phần bỏ ngỏ, đặc biệt là "đất" cho nhân vật chính là Sang. Tôi viết ngoại truyện Lạc giới để trả nợ cho một đề tài mà tôi tâm huyết, dù bạn chọn cái kết thế nào, thì với phần ngoại truyện, độc giả sẽ tìm thấy điều mình thực sự chờ đợi. Ngoại truyện thực ra là một cái kết rõ ràng nhất, một cái kết để tổng kết những giá trị của cuốn tiểu thuyết Lạc giới.
* Cảm giác của chị khi có bộ phim chiếu về vấn đề song tính cũng lấy tên Lạc giới?
- Tôi hơi bất ngờ. Nhưng việc một tác phẩm điện ảnh được đầu tư như vậy, lấy tên trùng lặp với tiểu thuyết Lạc giới của tôi, cho thấy một điều ở Việt Nam còn "lỏng lẻo" vấn đề bản quyền đấy. Nếu cuốn sách của tôi vô danh và không một ai biết đến đã đành! Nhưng cuốn sách đã in đến lần thứ ba, và tôi tin rằng có hàng nghìn độc giả đã sở hữu tiểu thuyết của tôi cho đến thời điểm này. Nhưng tôi sống ở Việt Nam, tôi chấp nhận sự thật đó! Đứa con của tôi "trùng tên" với một tác phẩm điện ảnh, sự trùng lặp ấy là...vô tình! Thật buồn cười phải không?
* Chị có thể chia sẻ một chút về cái kết của ngoại truyện, chị viết thêm sau bảy năm ngừng bút?
- Một độc giả đã gửi tin nhắn qua facebook cho tôi, chia sẻ rằng cậu ấy hoàn toàn bất ngờ và không tin nổi, Lạc giới có phần ngoại truyện ấn tượng như vậy. Một cái kết nhân văn đến bất ngờ với nhân vật Sang. Một tay chơi khét tiếng, một điếm trai hoàn lương, và cuối cùng đã tìm thấy tình yêu đích thực không phải trong nhung lụa hay ở lầu xanh. Mà ở chính người đàn bà làm cái việc mà gã từng ghê tởm nhất: Vớt xác và bốc mộ!
Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Quay đầu lại là bờ, đây là quan điểm nhân văn của đạo Phật! Con người ta, dù có lầm lỗi đến đâu, ai cũng có quyền sống, quyền yêu và quyền được hạnh phúc.
Bìa cuốn Lạc giới tái bản lần ba
* Sự kiện về Giới diễn ra sáng 16/11, chị muốn gửi gắm tâm sự gì với độc giả của mình, những người đã sở hữu tác phẩm Lạc giới phiên bản có ngoại truyện của chị?
- Sự kiện về Giới thì chắc chắn sẽ xoay quanh vấn đề liên quan đến giới tính: Đồng tính, dị tính, chuyển giới và những thắc mắc của độc giả, sẽ được chia sẻ chân thành, thẳng thắn giúp độc giả có góc nhìn rộng mở, thân thiện hơn về chủ đề này. Đặc biệt, chương trình có khách mời là một nhân vật chuyển giới!
Nhân vật chuyển giới sẽ đem đến cho độc giả những câu chuyện rất chân thực và cảm động của cuộc đời mình.
* Quay lại 7 năm trước, vì đâu chị có ý tưởng viết tiểu thuyết song tính?
- Tôi làm nghề báo, và đây là môi trường cho tôi tiếp cận với giới tính này khá sớm. Tôi đồng cảm với thân phận của họ, họ cũng là con người, có quyền được yêu, được sống như bất cứ ai!
Cuốn tiểu thuyết của tôi đi vào mảng đề tài hiện thực dữ dội này, nhưng thẳm sâu trong lát cắt của câu chuyện, tôi âm thầm hướng tới hai chữ: Nhân văn. Nhưng với nhân vật Sang, mãi tới phần ngoại truyện tôi mới tìm được lời giải đáp cho thân phận này!
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Thể thao & Văn hóa