Tác giả Quyên Gavoye: Những cuốn sách sẽ là cầu nối cho các con tôi…
Xuất hiện tại Vòng chung khảo Giải thưởng Dế Mèn năm nay là một gương mặt còn khá mới - Quyên Gavoye, một Việt kiều 8X tại Pháp. Trong 1 năm, Quyên Gavoye đã được NXB Kim Đồng chọn in 2 cuốn truyện dài, đó là Emma thảm hoạ và Biệt đội thám tử.
Hai cuốn sách vốn không được coi là một series, nhưng giữa chúng có một sợi dây xuyên suốt, đó là tâm trạng đầy hăm hở, háo hức của những đứa trẻ, ở nhà cũng như ở trường. Trong cuộc sống sôi động, tươi mới ấy, ta thấy chúng đang lớn lên từng ngày, không phải từ những kiến thức từ trong sách vở mà chính từ những kỹ năng sống mà chúng nhận ra hay tự “thực hành” với sự trợ giúp không quá nhiều của người lớn.
Tôi rất nhớ chi tiết vềi hai học sinh va vào nhau trên sân trường, khiến chúng bị thương khá nặng, phải nhập viện (gẫy tay, đau cổ phải bó bột). Một tình huống như thế vẫn xảy ra đây đó trong cuộc sống và ta thường chỉ giải quyết ở mức độ người lớn với nhau (giữa phụ huynh với phụ huynh, giữa phụ huynh với nhà trường). Đại khái sẽ có những việc như thăm hỏi, động viên, phân định lỗi tại ai, rồi bồi thường, cam kết không làm lớn chuyện… Nhưng có lẽ chỉ ở trong “Emma thảm họa”, ta mới nhận ra một việc rất quan trọng cần phải giải quyết, đó là chữa lành những chấn thương tâm lý cho hai nạn nhân và cho cả những học sinh khác vô tình phải chứng kiến cảnh tai nạn ghê rợn ấy? Đó là những điều mà chúng ta vẫn thường xem nhẹ hay bỏ qua. Phải nhấn mạnh là những tình huống tâm lý ấy được chuyển tải trong câu chuyện rất tự nhiên – và đây là những truyện dài có ý nghĩa giáo dục kỹ năng sống chứ không phải là cuốn sách kỹ năng sống đơn thuần.
Điều đặc biệt nữa là cả hai tác phẩm đều lấy bối cảnh ở Pháp nhưng tác giả rất có chủ ý “quảng bá văn hoá Việt Nam”.
* Chào Quyên Gavoye, đúng là bạn viết hai cuốn này để chuyển tải những bài học về “kỹ năng sống” chứ? Hay thực chất bạn còn có một mục tiêu nào khác?
- Thực ra khi viết hai cuốn sách này tôi đã quan sát rất nhiều cuộc sống của hai con tôi, từ những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng tại trường học, ở nhà và cả khu phố, cách các con hành xử với nhau và với chúng tôi.
Thêm vào đó với công việc của một chuyên gia di sản văn hóa của thành phố, hàng năm tôi có dịp hợp tác với sở giáo dục trong các dự án giáo dục văn hóa xã hội nên thường xuyên tiếp xúc với các con ở lứa tuổi này, được chứng kiến cách các con giải quyết những mâu thuẫn bằng tất cả sự ngây thơ của lứa tuổi trong môi trường thân thuộc của chúng.
Vậy nên mục đích trước tiên của tôi chính là giúp trẻ có những giây phút giải trí vui vẻ thông qua việc đọc sách. Mặt khác hai cuốn sách là những câu chuyện về cuộc sống của trẻ nước ngoài nên tôi cũng muốn thông qua những câu chuyện đó để giúp trẻ em Việt Nam có thêm được những bài học hành xử của xứ sở khác, văn hóa khác để chúng có thêm những “kinh nghiệm” sống khác với những gì chúng được chứng kiến trong môi trường sống thân thuộc. Và cuối cùng, tôi muốn các con sau khi gấp cuốn sách lại có thể tìm thấy chút gì của mình trong đó để tưởng tượng và sống cùng nhân vật.
* Tại sao bạn lại chọn xuất bản 2 cuốn này tại Việt Nam? Dường như đó là mong muốn mang những gì mình nhận thức được trong cuộc sống ở bên Pháp để chia sẻ với các bậc phụ huynh và các em nhỏ ở trong nước?
- Đúng thế, tôi sống ở Pháp đã lâu và cũng là mẹ của những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nên luôn mong muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh những thói quen và phương pháp giáo dục khác để chúng ta cùng tham khảo.
Thực ra để giáo dục trẻ con, mọi kinh nghiệm đều tốt nhất là những kinh nghiệm đến từ môi trường khác với môi trường thân thuộc với điều kiện chúng ta phải biết chọn lọc những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích để áp dụng. Mặt khác, không gì dễ đọc và dễ học bằng những câu chuyện hài hước nhẹ nhàng vừa giúp thư thái vừa chuyển tải thông điệp. Ở Pháp, cha mẹ thường có thói quen đọc sách cho các con (kể cả khi trẻ đã biết đọc), lớn hơn một chút, cha mẹ sẽ cùng các con đọc sách. Vậy nên dù là sách viết cho trẻ nhỏ thì cha mẹ vẫn học được nhiều điều bổ ích để nói chuyện và nắm bắt tâm lý của các con. Đó là lý do tôi chọn xuất bản những cuốn sách này ở Việt Nam.
* Hai cuốn sách này có dự kiến xuất bản tại Pháp không? Công chúng Pháp đón nhận nó như thế nào, trước hết là bố của những đứa trẻ nhà bạn? Những người bạn Việt kiều quanh bạn đánh giá nó ra sao?
- Khi tôi viết hai cuốn sách này, tôi đã ngồi lại nói chuyện với các con, giải thích cho chúng biết rằng tôi đang có ý định kể lại cuộc sống hàng ngày của chúng và có cường điệu hóa để chuyển thể thành những câu chuyện. Chẳng hạn những “thảm họa” của Emma trong cuốn sách chính là thảm họa hàng ngày của Lucas, con trai tôi, còn những câu chuyện của biệt đội thám tử là một vài câu chuyện của nhóm bạn của Jeanne, con gái tôi. Nhưng ở trong hai cuốn sách, các nhân vật được hoán đổi cho nhau để tạo thêm tính hài hước.
Khi nghe tôi giải thích và khi nghe tôi kể lại câu chuyện, Jeanne đã cười rất nhiều, Lucas cũng ôm bụng ngặt nghẽo còn chồng tôi thì tỏ rất háo hức.
Hiện tại tôi đang ấp ủ dự án xuất bản tại Pháp (không phải trong năm nay) mà trong thời gian tới nếu mọi chuyện thuận lợi. Xa hơn nữa tôi còn có ý định mang văn học Việt Nam đến Pháp. Hiện tại tôi đang dịch một cuốn tiểu thuyết và nếu thành công, thì đây sẽ là điểm khởi đầu của dự án giới thiệu văn học Việt Nam tại Pháp của tôi.
* Qua hai cuốn sách có hơi hướng “nhật ký” này, độc giả thấy thấp thoáng cuộc sống của gia đình bạn tại Pháp. Bạn có thể tiết lộ thêm về cuộc sống đó, cũng như công việc hiện tại của mình?
- Hiện tại chúng tôi đang sống tại một thành phố nhỏ giáp biên giới Thụy Sĩ, các con tôi bây giờ đã lớn hơn một vài tuổi so với lứa tuổi của những đứa trẻ trong cuốn sách nhưng chúng vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác cho tôi bởi tôi muốn thông qua chúng để tạo dựng hình ảnh gần gũi mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thấy mình là một phần của nhân vật.
Về công việc, hiện tôi đang công tác tại thành phố Besançon với vai trò chuyên viên di sản văn hóa. Bọn trẻ nhà tôi cũng thường xuyên được về Việt Nam trừ hai năm qua do đại dịch nên chúng cũng biết ít nhiều về Việt Nam. Do vậy khi bắt đầu viết sách, tôi đã hi vọng một ngày nào đó những cuốn sách tôi viết ra sẽ là cầu nối cho các con tôi ở quê mẹ.
- Trao giải Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em': Nghệ thuật 'vị tương lai'
- 7 vật phẩm được đấu giá trực tiếp tại Lễ trao giải Dế Mèn tối ngày 31/5
- Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022: Người hóa phép cho cá linh bay
* Tất nhiên là những người Việt Nam ở xa quê hương vẫn luôn giữ niềm tự hào về quê cha đất tổ. Nhưng với hai cuốn sách này, tôi còn nhận thấy một sự tự hào rất tự nhiên của bạn về văn hóa Việt Nam mang đậm tinh thần sẻ chia khi thể hiện ra với người bản xứ, không hề có sự lên gân, “đối sánh” nào. Đó là cách bạn quảng bá văn hóa Việt Nam trong cuộc sống thường ngày?
- Tôi vẫn thường nói với những người bạn của tôi thế này, nước Pháp với tôi chính là trái tim vì ở đó tôi có gia đình nhỏ bé của mình và Việt Nam chính là dòng máu, là cội nguồn nơi sinh ra tôi và nuôi dưỡng tôi đến tuổi trưởng thành. Không ai có thể sống thiếu máu hay trái tim, vì thế tôi rất tự hào được giới thiệu về Việt Nam với các bạn Pháp và ngược lại tôi cũng rất hạnh phúc khi giới thiệu nước Pháp với người dân Việt Nam. Dù là trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày tôi luôn tự hào giới thiệu tôi là người Việt Nam, tôi đến từ Việt Nam.
Đối với các con và cả chồng tôi là người gốc Pháp, tôi vẫn cố gắng để văn hóa Việt Nam hiển hiện hàng ngày trong cuộc sống gia đình, đơn cử như dùng đũa để ăn cơm thay vì dùng dao dĩa hay nấu phở mỗi khi mời khách đến nhà. Những chuyện tưởng rất nhỏ nhặt nhưng nó giúp các con và chồng tôi hiểu hơn về đất nước Việt Nam.
*Xin cảm ơn chị!
Vài nét về sáng tác của Quyên Gavoye Tác giả Quyên Gavoye đã từng in một số đầu sách (cả in riêng và in chung) nhưng hai cuốn sách này là những cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của chị. Sau hai cuốn này, chị tiếp tục in ở NXB Kim Đồng bộ 9 cuốn sách “Biến đổi thần kỳ”dành cho trẻ nhỏ. Vừa qua chị cũng mới xuất bản cuốn truyện dài giả tưởng dành cho người lớn Vô cực với NXB Tổng hợp. Sắp tới NXB Kim Đồng sẽ xuất bản thêm hai truyện dài cho thiếu nhi (cùng ven với Biệt đội thám tử nhưng dành cho lứa tuổi cấp hai), một cuốn kỹ năng chọn sách cho con dành cho bố mẹ, một cuốn cùng con diễn kịch và một bộ 9 cuốn tiếp theo dành cho trẻ dưới 3 tuổi. |
Đỗ Doãn Tú (thực hiện)