Tác giả 18 tuổi làm triển lãm sắp đặt: Tôi muốn sống chậm lại!
Triển lãm của Minh Hiếu diễn ra trong 3 ngày kể từ tối 28/11. Nhưng, ngay từ ngày khai mạc, rất đông khán giả và những nhà phê bình nghệ thuật đã tới đây - để rồi phải lần lượt xếp hàng từ 5h chiều, khi 3 phòng sắp đặt chỉ có thể đón 10 người xem cho mỗi lượt.
1. Hiếu vừa tốt nghiệp lớp 12 Lý trường Hà Nội - Amsterdam cách đây 4 tháng. Cậu từng có cả loạt giải thưởng cấp thành phố và cấp quốc gia cho 3 năm học cấp 3, tất cả đều xoay quanh bộ môn vật lý. Bởi thế, không có gì lạ, khi một vài biểu thức vật lý đã được cậu học sinh này đưa vào phần pano trưng bày bên ngoài phòng. Vắn tắt, đó là những định luật gắn với thời gian và vận tốc theo tỷ lệ nghịch: khi đạt tốc độ cao, thời gian di chuyển sẽ ngắn lại.
"Sống vội vã cho công việc của mình, thời gian của mỗi người dường như sẽ kéo dài hơn và giúp họ làm được nhiều thứ. Nhưng khi ấy, không gian quanh họ co lại như một sức ép vô hình" - Hiếu nói. "Bây giờ, qua triển lãm này, tôi muốn giúp những người xem được thử cảm giác di chuyển với vận tộc ánh sáng - mức vận tốc mà trên lý thuyết có thể giúp họ đạt được sự vô hạn về thời gian".
Để xem Ở đây & Bây giờ, mọi người phải đi qua 3 căn phòng nhỏ. Phòng đầu tiên quây kín 4 phía bằng những màn hình khổ rộng. Nhờ những thước phim chuyển động, người xem có cảm giác như ngồi trong một chuyến xe bus chạy dọc sông Hồng. Phòng thứ 2 nhỏ, chỉ có những tấm gương lớn và một nhúm cát. Phòng thứ 3... trống không.
Bắt đầu hành trình, "xe" chạy với tốc độ tăng dần, cho tới khi cảnh vật xung quanh chỉ còn là những vệt rất mờ vì thị giác người xem không theo kịp. Ở phòng thứ hai, sự xuất hiện của nhúm cát và những tấm gương được gắn với lời thuyết minh ngắn gọn về những khoảng lặng thời gian cần thiết, để người ta tự "soi lại" mình. Khoảng không trống rỗng và mênh mông của phòng thứ ba kèm theo những lời thuyết minh về sự hư vô, về câu hỏi điều gì sẽ đọng lại với mỗi người khi thời gian tồn tại kết thúc.
Thực tế, Hiếu không phải là người đầu tiên nhắc tới câu chuyện về sự tĩnh tâm cần có trước những xáo trộn, xô bồ của nhịp sống khủng khiếp trong xã hội hiện đại. Thế nhưng, cách thực hiện giản dị, khoa học và đậm màu sắc... vật lý của câu học sinh 18 tuổi này vẫn khiến người xem thích thú và ngợi khen. "Tôi rất thích" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ với TT&VH. "Chỉ với 3 căn phòng, Hiếu buộc khán giả phải bước vào dòng tư duy của mình, rồi dẫn dắt mạch lạc, khúc chiết để mở ra cho mỗi người những câu hỏi phức tạp về cuộc sống".
2. Hiếu có lẽ là một trong những tác giả trẻ nhất bước chân vào nghệ thuật sắp đặt - loại hình thường khiến nhiều người liên tưởng tới sự phức tạp, rắc rối và thậm chí dễ có hơi hướng màu mè. Bởi vậy, khi tìm gặp tác giả, nhiều người dự triển lãm có chút ngạc nhiên khi đứng trước họ là một cậu học sinh 18 tuổi.
"Những năm đi học, em cũng cố gắng hết sức mình để hướng tới những thành tích, rồi giải thưởng nọ kia. Đó là một chuỗi ngày theo vòng quay khép kín: đi học về, ăn cơm cùng bố mẹ, rồi lại lên phòng học giữa 4 bức tường. Nhìn lại chuỗi ngày ấy, em hiểu rằng mình nên dành thời gian cho bản than, gia đình và bè bạn, nên biết bỏ qua những mải mê, vội vã để trân trọng khoảnh khắc mà mình đang sống" - Hiếu chia sẻ.
Hiếu mới theo học về mỹ thuật từ gần một năm nay, như một cách để cân bằng bản thân từ những say mê của mình. Rồi tiếp theo đó là quãng thời gian tìm hiểu thêm về nghệ thuật sắp đặt, ý tưởng làm triển lãm. Còn trước mắt là kế hoạch xin học bổng để có thể theo học đại học tại một quốc gia nào đó có bề dày giảng dạy về... vật lý.
"Công việc của em trong tương lai chắc chắn sẽ là vật lý, hoặc những gì liên quan tới kỹ thuật. Còn nghệ thuật chỉ là một thứ gắn với sở thích và đam mê" - Hiếu bẽn lẽn nói. Thật ra, câu trả lời ấy lại không hề mâu thuẫn với những gì mà cậu học sinh 18 tuổi này đang làm ở triển lãm. Bởi, từ việc học cách sống chậm, tránh khỏi những ồn ào của cuộc sống tới việc biết tỉnh táo trước sự hào nhoáng bề ngoài của nghệ thuật.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa