Tạ ơn bóng đá!
(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ phải thẳng thắn rằng, trong số chúng ta, nhiều người phải tạ ơn bóng đá đã mang lại quá nhiều niềm vui trong mấy năm gần đây. Nói kiểu hóm hỉnh, không có bóng đá thì "buồn chết đi được!".
Trên trường quốc tế, hiếm có một lĩnh vực nào gióng lên được những tiếng chuông vang rền, ổn định như bóng đá. Những vẻ-đẹp-Việt Nam cũng thể hiện rực rỡ thông qua bóng đá.
Đấy có thể là cảnh Duy Mạnh cắm cờ trên tuyết trắng ở Thường Châu. Đấy có thể là hàng triệu người dân đứng 2 bên đường (và theo dõi trực tiếp qua màn hình) lễ đón thầy trò HLV Park Hang Seo Á quân U23 châu Á trở về. Đấy là không khí hân hoan của người hâm mộ cả nước với chiến thắng thuyết phục trước U22 Trung Quốc, một đất nước đông dân nhất thế giới đang quyết tâm cách mạng nền bóng đá với đầu tư cực lớn.
Để tự tin chọn một "mũi nhọn" nào hội nhập quốc tế, bóng đá xứng danh xung kích. Từ sự đĩnh đạc của các ĐTQG, đến những cá nhân như Văn Lâm, Công Phượng, Văn Hậu đang cố gắng tạo ra sự đột khởi với các đàn anh từng xuất ngoại thi đấu.
Lương mà Văn Hậu được nhận tương đương 11 tỷ đồng/năm tại CLB Hà Lan. Đấy là giấc mơ kỳ vỹ không chỉ cá nhân anh, mà nó còn khơi nguồn cảm hứng bất tận cho cầu thủ Việt. HLV Guus Hiddink ví trường hợp Văn Hậu như Park Ji Sung của Hàn Quốc, khi anh sang đầu quân cho PSV Eindhoven của Hà Lan do ông từng dẫn dắt.
Park Ji Sung năm ấy 22 tuổi, cũng ở tuổi trẻ như Văn Hậu bây giờ. Anh là cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên chơi bóng ở Hà Lan rồi cũng là cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên chơi bóng ở giải Ngoại hạng Anh. Với giải Ngoại hạng Hà Lan, Park Ji Sung là lá cờ đầu để nhiều cầu thủ châu Á khác cùng hướng tới...
Tại sao bóng đá làm được những điều vĩ đại mà các lĩnh vực khác lại quá khó, trong tiến trình vươn ra biển lớn? Đấy là trăn trở lớn không chỉ của toàn xã hội mà cả với các cấp cao hơn.
Còn nhớ tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy về phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tháng 12/2018, đặt kỳ vọng Việt Nam trở thành công xưởng thực sự, không chỉ ô tô, xe máy mà cả ngành hàng không và các lĩnh vực khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải có tầm nhìn chiến lược như cách HLV Park Hang Seo đã giúp bóng đá Việt Nam thành công.
"Làm việc với tinh thần Park Hang Seo" cũng từng được nhiều Bộ trưởng nhắc đến. Điều đó chứng tỏ bóng đá không những truyền cảm hứng, mà còn nhắc nhở phản tỉnh rất nhiều thành phần khác.
Hãy lưu ý một điều, ông Park khiêm tốn né tránh cái gọi là "tinh thần Park Hang Seo", thay vào đó ông gọi là "tinh thần Việt Nam", tóm gọn trong 5 yếu tố: Sự đoàn kết, tính tự trọng, sự thông minh nhanh nhẹn, nhận thức về mục tiêu rất mãnh liệt và tinh thần bất khuất, tuyệt đối không từ bỏ.
Đấy cũng có thể gọi là tham chiếu cho các lĩnh vực khác muốn noi gương bóng đá.
Rõ ràng, bóng đá Việt Nam đã có bước tiến tương đối vững chắc. Chính một bộ phận khán giả Trung Quốc cũng "an ủi" rằng thua một đội bóng đã nằm trong Top 4 châu Á như U22 Việt Nam thì cũng dễ hiểu.
Bao giờ phóng viên theo chân các ĐTQG mà không "tủi thân" trước khoảng cách quá xa về y tế, giáo dục, kinh tế, du lịch, giao thông... giữa ta, so với bạn bè quốc tế?
Hữu Quý