Sức nóng World Cup khiến chợ lớn nhất Trung Quốc “cháy hàng" liên tục: Công nhân tăng ca 13 giờ/ngày vẫn không hết việc
World Cup vẫn đang diễn ra tại Qatar, nhưng ở một nơi khác tại đất nước tỷ dân, sức nóng cũng không hề kém cạnh trên sân cỏ.
Sau nhiều năm chờ đợi, cả thế giới cuối cùng đã được chứng kiến kết quả của một trong chiến dịch huy động vốn lớn nhất trong lịch sử loài người cho sự kiện FIFA World Cup 2022.
World Cup 2022 là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất trong năm nay, khi 32 đội tuyển mạnh nhất thế giới sẽ quy tụ tại Qatar để chiến đấu giành lấy chiếc cúp vàng danh giá. Đồng thời, đây cũng là mùa kinh doanh sôi động ở Trung Quốc.
Hàng "Made in China" bán chạy
Nghĩa Ô, Trung Quốc được mệnh danh là "thủ phủ hàng hóa của thế giới". Nơi đây được World Bank công nhận là khu chợ lớn nhất thế giới với diện tích lên tới 5,5 triệu m2, chiều dài 7 km, gồm hơn 75.000 gian hàng, 100.000 nhà cung cấp trưng bày 400.000 sản phẩm, xuất khẩu đi hơn 200 quốc gia.
Theo ước tính của Hiệp hội Hàng thể thao Nghĩa Ô, hàng xuất khẩu sản xuất của thành phố chiếm gần 70% thị phần hàng hóa liên quan đến World Cup. Theo China Network Television, 60% sản phẩm tại các cửa hàng chính thức phục vụ World Cup của Qatar được sản xuất tại Trung Quốc.
Tại khu vực bán hàng thể thao của khu thương mại Quốc tế Nghĩa Ô, tất cả các loại quà lưu niệm liên quan đến World Cup, bóng đá, áo thi đấu, cờ vẫy tay, bút vẽ… đã rơi vào cảnh thiếu hụt trên thị trường. Để có đủ sản phẩm cung cấp, nhiều doanh nghiệp đã phải tăng thời gian làm việc của công nhân.
Cửa hàng của chủ doanh nghiệp Hà Tấn Kỳ chủ yếu kinh doanh băng rôn về World Cup. Anh cho biết kể từ tháng 6, các đơn đặt hàng từ nước ngoài đã tăng lên đáng kể. Thương nhân ở Panama, Argentina và Hoa Kỳ là những đầu mối tiêu thụ nhiều sản phẩm nhất. Mặc dù bản thân Hà Tấn Kỳ không phải là một người hâm mộ bóng đá nhưng anh vẫn luôn theo dõi những tin tức cập nhật về World Cup.
Anh cho biết: Càng gần vòng loại trực tiếp của top 32, nhu cầu của thị trường quốc kỳ ngày càng cao.
Đồng Quế Quyên, nhà điều hành của khu thương mại Quốc tế Nghĩa Ô tiết lộ, các sản phẩm liên quan đến World Cup năm nay nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Theo ước tính, số lượng đơn có thể tăng 20% -40% so với mùa World Cup trước.
Quần áo thể thao liên tục “cháy hàng”
Ở vòng bảng, Argentina đã đánh bại Australia 2-1 và xuất sắc tiến vào tứ kết. Điều này tác động không nhỏ đến những người thương nhân ở Nghĩa Ô. Một số ông chủ cho biết, số áo thi đấu của đội tuyển Argentina được tích trữ trong kho đã sắp hết.
Ôn Tùng Kiến, một chủ thương ở khu chợ lớn nhất thế giới chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị gần 40.000 áo đấu của Argentina, sau hai trận thắng liên tiếp tại vòng bảng, về cơ bản chúng tôi đã bán sạch số áo trong kho”.
Kể từ tháng 3 năm 2022, Ôn Tùng Kiến đã bán được hơn 2 triệu áo thi đấu cho hơn 50 quốc gia trên thế giới, nhiều hơn gấp đôi so với thông thường. Phải đến 45 ngày trước khi trận đấu bắt đầu, anh mới giao hết hàng. Theo kinh nghiệm của các kỳ World Cup trước, khi lịch thi đấu diễn ra, nhiều khách hàng nước ngoài sẽ đổ xô đặt mua áo thi đấu.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông chủ họ Ôn đã thuê một nhà kho rộng hơn 1.000 mét vuông và dự trữ hơn 300.000 áo đấu của các đội bóng yêu thích như Argentina, Brazil và Pháp. Tuy nhiên, độ hot của World Cup đã vượt quá mong đợi của anh. Trong khoảng thời gian này, các đơn đặt hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Hiện tại hàng tồn kho đã hết nên anh chỉ có thể yêu cầu nhà máy khởi động lại dây chuyền sản xuất.
Công nhân làm tăng ca 13 giờ để đáp ứng đủ cầu
Một giám sát sản xuất của Công ty TNHH Đồ chơi ở Nghĩa Ô cho biết trước đây có 4 người trên một dây chuyền lắp ráp. Nhưng hiện tại, dây chuyền phải tăng lên 6 người để có thể sản xuất kịp thời. Công nhân từng làm việc theo ca 10 giờ, nhưng hiện nay về cơ bản họ làm việc theo ca 13 giờ. Vì nếu không tăng ca thì ngày giao hàng sẽ không kịp.
Các sản phẩm dành cho World Cup được chất đầu trong nhà kho rộng hơn 1.000m2 của nhà máy. Dự kiến, những kiện hàng sẽ được gửi đi Mexico, Brazil, Argentina, Mỹ. Để bắt kịp tiến độ, các nhân viên đã giành gần như toàn bộ tiền ăn ở tại nhà máy trong thời gian này.
Những bộ tóc giả sặc sỡ của World Cup ở Nhật Bản và Hàn Quốc, kèn vuvuzela của World Cup ở Nam Phi, cúp vàng của World Cup ở Nga... hầu như mỗi kỳ World Cup, sẽ có ít nhất một mặt hàng được ưa chuộng.
Những sản phẩm đơn lẻ này chính là cơ hội kinh doanh được các thương nhân ở đây nắm bắt triệt để.
Hiện tại, các sản phẩm liên quan đến World Cup của Nghĩa Ô không còn chỉ là sản xuất đơn giản, giá trị gia tăng thấp mà nhiều thương nhân đang nỗ lực thiết kế sáng tạo và dẫn đầu xu hướng. Giống như một câu nói nổi tiếng ở Nghĩa Ô - "Cho dù vàng từ trên trời rơi xuống, bạn cũng phải tự mình ra ngoài và nhặt nó lên".