Sửa đổi biểu giá bán lẻ điện phải thận trọng và kỹ lưỡng
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra chiều 3/6, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều nội dung báo chí quan tâm về vấn đề nhập khẩu, nguồn kinh phí mua, tiêm vaccine phòng COVID-19; sửa biểu giá bán lẻ điện; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp...
Thông tin về Phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu; sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, về tổng thể chúng ta đã kiểm soát được tình hình, mặc dù cục bộ có một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, nhất là tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, virus chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy hiểm. Dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khả năng còn có các ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Từ nhận định tình hình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và từng người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng mà phải bình tĩnh, chủ động sáng tạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, dập dịch.
- Bí thư Hà Nội: Khẩn trương mua vaccine phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho người dân
- Chiều 27/5, tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm chủ thể phòng, chống dịch; thực hiện phương châm tổng tiến công toàn diện, tổng lực, thần tốc, mạnh mẽ hơn nữa với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc phương châm “5K + vaccine + công nghệ"; tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là đột phá; phòng ngự là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác phòng, chống dịch theo phương châm 3 KHÔNG là: không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu thể chế, cơ sở vật chất, vật tư, sinh phẩm.
Thông tin về tiến độ tiêm vaccine ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho khoảng 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Chúng ta cơ bản tiếp cận được số lượng này. Từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều.
“Tổng số vaccine Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ vì đó là cam kết chúng ta đã ký với các nhà sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay, theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm. Chính vì vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là sẽ dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hóa để mua và tiêm vaccine cho nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.
Về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, dự kiến, kỳ thi tổ chức vào ngày 7-8/7. Công tác chuẩn bị đã được thực hiện đúng kế hoạch, nghiêm túc. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, vẫn còn địa phương phải giãn cách xã hội, cách ly, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có phương án để thí sinh những vùng cách ly và những học sinh bị cách ly sẽ được thi vào đợt thứ hai. Nếu dịch diễn biến phức tạp hơn nữa, lan rộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh về kỳ thi.
Liên quan đến việc sửa đổi biểu giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chỉ đạo hoàn thiện chính sách giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi các quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, để đảm bảo phù hợp thực tế tiêu dùng điện của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các năm 2018, 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Quyết định 28 trên.
“Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú du lịch từ giá bán lẻ trong kinh doanh sang sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất; việc cải tiến điều chỉnh số bậc thang của khách hàng sinh hoạt sẽ làm tăng giá của một nhóm khách hàng sinh hoạt để đảm bảo cân đối giá bán lẻ điện bình quân chung. Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường”, Thứ trưởng này lý giải.
Vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 28, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và ổn đinh kinh tế vĩ mô.
Để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu cải tiến biểu giá điện bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện đề án, đồng thời đề xuất phương án phân bổ chi phí cho các nhóm khách hàng, đánh giá tác động của phương án đến các nhóm khách hàng tiêu thụ điện so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.
“Giá điện là vấn đề được người dân rất quan tâm, nhạy cảm, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, vì vậy Bộ Công Thương đang làm hết sức kỹ lưỡng và thận trọng, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Chu Thanh Vân - TTXVN