Sự thật lên ngôi tại Oscar 2014
(Thethaovanhoa.vn) - Thực tế nhiều khi lạ lùng và đa dạng hơn nhiều so với hư cấu. Điều này thể hiện rõ trong mùa giải Oscar năm nay, khi các câu chuyện có thật thay vì hư cấu, đã thống trị cuộc đua phim hay nhất.
Năm nay, 9 phim được đề cử nhận Tượng vàng Phim hay nhất gồm American Hustle, Captain Phillips, Dallas Buyers Club, Philomena, 12 Years a Slave, The Wolf of Wall Street, Gravity, Her và Nebraska. Trong số này chỉ 3 phim cuối là không dựa trên những câu chuyện có thật.
Bùng nổ các phim dựa trên thực tế
Đây là một sự bất ngờ lớn, bởi số lượng các phim dựa trên sự kiện có thật đã cao hơn hẳn so với bất kỳ danh sách đề cử Oscar nào trước đây. Điều này nói lên một hiện tượng: sự thật đang lên ngôi. Các phim nổi bật đáng chú ý của xu hướng làm phim này gồm có American Hustle, 12 Years a Slave, Captain Phillips và The Wolf of Wall Street.
"Làm phim dựa trên sự kiện có thật là xu hướng tồn tại lâu nay, nhưng đặc biệt đã bùng nổ trong những năm gần đây" - nhà phê bình phim Molly Haskell nói với AFP - "Tôi nghĩ điều đó đáp ứng nhu cầu của khán giả, họ muốn sự thật, hoặc một phiên bản của sự thật, cũng như độc giả muốn đọc sách tiểu sử, hồi ký vậy. Có thể các tác phẩm hư cấu không chiếm được niềm tin của họ nữa".
Không chỉ chiếm lĩnh các phim được đề cử, xu hướng "thực tế hóa" đã lan đến các phim thắng giải Phim hay nhất. Cụ thể năm ngoái, phim Argo của tài tử Ben Affleck nói về kế hoạch giải cứu công dân Mỹ ra khỏi Iran trong cuộc khủng hoảng con tin 1979, đã có nhân vật chính dựa trên nguyên mẫu ngoài đời.
Trước đó vào năm 2011, phim chiến thắng là The King’s Speech, kể về vị vua nói lắp George VI của nước Anh. Còn năm 2009, The Hurt Locker đã rinh Tượng vàng, khi kể về hoạt động của các chuyên gia rà phá bom mìn Mỹ trong cuộc chiến Iraq.
Sự thật là yếu tố ăn tiền
Lý do nào đã tạo nên xu hướng mới này? Các chuyên gia đánh giá phim dựa trên sự thật thường dễ quảng bá hơn. Công chúng và truyền thông đã có sẵn câu chuyện ngoài đời để theo dõi và đối chiếu với bộ phim. Nhờ đó, hoạt động kể chuyện và tìm kiếm sự đồng cảm của khán giả cũng trở nên dễ dàng hơn.
"Vì một vài lý do, xã hội ngày nay bị ám ảnh bởi sự thật" - Tim Gray, biên tập viên về điện ảnh của tờ Variety đánh giá. Gray cũng nhắc đến xu hướng truyền hình thực tế nở rộ và chưa có dấu hiệu lụi tàn ở Mỹ để chứng minh cho nhận định của mình.
"Trong đời sống riêng, chúng ta quay phim chụp ảnh bản thân và đăng lên mạng. Chúng ta đóng vai chính trong câu chuyện cuộc đời của mình. Vì thế, thật dễ hiểu khi ta có nhu cầu đến rạp để xem một bộ phim kể lại chuyện có thực trong đời sống" - anh nói.
Lấy 2 phim được đề cử Oscar là Philomena và Dallas Buyers Club ra làm ví dụ, Gray nhận định: "Nhờ dựa trên thực tế nên những phim này càng thêm thuyết phục". Dallas Buyers Club kể về nhân vật chính Ron Woodroof là người kỳ thị đồng tính và bị nhiễm HIV, về sau trở thành nhà hoạt động phòng chống AIDS vào những năm 1980.
"Ron Woodroof là một tấm gương về một kẻ kỳ thị học được lòng trắc ẩn. Nếu đây là chuyện hư cấu, người xem sẽ nghĩ rằng đó là dụng ý của nhà làm phim và không thấy thuyết phục. Nhưng do đây là chuyện có thật nên khán giả sẽ dễ dàng bị thuyết phục" - anh đánh giá.
"Sự thật rõ ràng là một lý do ăn tiền. Giống như người ta bảo nhau: "Xem này, câu chuyện này thật không thể tin nổi nhưng lại là sự thật"" - Gray nói, cho biết thêm khi quảng bá, nhà làm phim cũng có thể giới thiệu nhân vật có thật.
Ví dụ như Philomena Lee, nguyên mẫu của phim Philomena, là một bà mẹ Ireland, đã dành nửa thế kỷ đi tìm đứa con trai ngoài giá thú của mình.
Robert Thompson, một giáo sư về văn hóa đại chúng, cho rằng phim điện ảnh hiện đang đi theo một xu hướng ngược lại so với phim truyền hình.
""Dựa trên chuyện có thật" là cụm từ không mới, nhưng giờ trở thành điều kiện gần như quyết định để một bộ phim được nhìn nhận nghiêm túc" - học giả này đánh giá - "Trong khi phim truyền hình đang đẩy mạnh mức độ hư cấu, phim điện ảnh lại tìm kiếm sự nghiêm túc trong sự thật đã được xác thực".
Gray nói thêm: "Một trong các lý do dẫn tới hiện tượng này là câu chuyện sẽ dễ phát triển hơn, khi chủ đề là sự việc có thật. Nhà làm phim sẽ có ý thức rằng đây là chuyện thực sự đã xảy ra và ta phải bám chặt lấy sự thật. Cũng giống như họ biết rõ câu chuyện bắt đầu ở đâu và kết thúc như thế nào".
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa