Sự sụp đổ 'thời kỳ xa hoa' của bóng đá Trung Quốc sẽ là bài học cho bóng đá Ả Rập Xê Út
Từng nổi tiếng với sự giàu có, chẳng ngại vung tiền để chiêu mộ những cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới, nhưng giờ đây là những sân vận động bị bỏ hoang. Thời kỳ xa hoa của bóng đá Trung Quốc đã kết thúc cùng với sự suy tàn của giải China Super League và sự sa sút của ĐTQG.
Sự sụp đổ của 'thời kỳ xa hoa' của bóng đá Trung Quốc và bài học cho Ả Rập Xê Út
Câu chuyện không hề mới
Hè 2023, người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới không khỏi sửng sốt khi chứng kiến các CLB Ả Rập Xê Út khuynh đảo thị trường chuyển nhượng. Bằng sự giàu có của mình, họ vung tiền chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu của bóng đá thế giới. Lần lượt Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, N'Golo Kante… đã bị thuyết phục bởi những bản hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.
Bất ngờ nhưng không xa lạ. Nhiều năm trước, người hâm mộ đã chứng kiến điều tương tự khi Trung Quốc dùng sức mạnh tiền bạc thu hút những ngôi sao thế giới đến với bóng đá quốc gia này. Giấc mơ của bóng đá Trung Quốc được khởi đầu bằng một kế hoạch đầy tham vọng: trở thành siêu cường bóng đá vào năm 2050. Trung Quốc muốn ĐTQG của họ giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup, lọt vào Top 20 đội hàng đầu của FIFA, và sau cùng là lên ngôi vô địch tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Kỳ vọng lớn cũng được đặt ra cho mục tiêu ngắn hạn hơn. Đến năm 2030, đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc phải trở thành một trong những đội có thứ hạng cao nhất châu Á.
Giải vô địch quốc gia Trung Quốc (Chinese Super League) được coi là nền tảng để thực hiện nguyện vọng táo bạo đó. Được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là ngành bất động sản, Chinese Super League gây tiếng vang lớn ở thị trường chuyển nhượng mùa Đông mùa giải 2016-17. Họ mở mạnh hầu bao, chi ra con số khổng lồ 320 triệu bảng để đưa tiền vệ Oscar của Chelsea rời giải Ngoại hạng Anh để cập bến CLB Shanghai Port F.C.
"Vào thời điểm đó, bản hợp đồng đưa Oscar tới Trung Quốc là giấc mơ của nhiều cầu thủ bóng đá và người đại diện", Charles Cardoso, chủ tịch câu lạc bộ Águas de Santa Bárbara FC (Brazil) nói với tờ The Sun. "Mọi người đều tin rằng Trung Quốc là điều tuyệt vời tiếp theo xảy ra trong bóng đá. Mọi người đều muốn gửi cầu thủ của họ đến đó vì tiền được đảm bảo".
Oscar không phải là trường hợp duy nhất. Carlos Tevez, sau khi rời Juventus, đã được Shanghai Shenhua đề nghị ký hợp đồng trị giá 650.000 bảng/tuần vào năm 2016, tương đương số tiền cựu tiền đạo của MU kiếm được một bảng Anh mỗi giây. Sau đó là Hulk, là Pelle - cầu thủ rời Southampton, nơi anh nhận lương 2,5 triệu euro/năm, để tới Shandong Luneng và nhận nhiều gấp 6 lần (15 triệu euro).
Sự xuất hiện của các ngôi sao quốc tế với mức lương cao nhất thế giới cũng đẩy cao trần mức lương tại Chinese Super League. Năm 2019, Sporting Intelligence cho hay, mức lương trung bình ở Chinese Super League lên đến 8,45 triệu NDT, cao thứ 6 trên thế giới, chỉ sau 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. J-League của Nhật Bản vẫn được coi là giải đấu hàng đầu châu Á nhưng mức lương hàng năm chỉ 2 triệu NDT, bằng 1/4 so với Chinese Super League.
Xa hoa và sụp đổ
Hơn một thập kỷ kể từ khi Trung Quốc vung tiền để hiện thực hóa tham vọng, bóng đá nước này giờ đây chìm trong u ám bởi những sân vận động bị bỏ hoang ở nơi từng là sân nhà của những cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới. Đội tuyển quốc gia nam không thể vượt qua vòng loại World Cup 2022- tụt xuống thứ 78 trên bảng xếp hạng FIFA, và đội tuyển nữ không thể lọt vào Top 10. Các CLB Chinese Super League rơi vào tình trạng khó khăn, một số tuyên bố phá sản, một số được giao cho Cục thể thao của địa phương.
Quảng Châu Evergrande - đội bóng thành công nhất trong lịch sử Chinese Super League - đã gánh khoản nợ hơn 300 triệu USD, đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của câu lạc bộ. Đã nổi lên những câu chuyện về cầu thủ bị nợ lương. Các cầu thủ ngoại như Renato Augusto và Fernando Martins đã bị chấm dứt hợp đồng và phàn nàn với FIFA về các khoản nợ lương chưa biết bao giờ mới được thanh toán.
Vào thời hoàng kim, bóng đá Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng sân vận động bởi chính sách ưu đãi cho các công ty bất động sản đầu tư vào việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ bóng đá.
Vào tháng 4 năm 2020, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande đã động thổ xây dựng một sân vận động trị giá 1,8 tỷ USD, có sức chứa 100.000 chỗ ngồi ở Quảng Châu. Chủ tịch tập đoàn tuyên bố sân vận động này sẽ trở thành "một địa danh mới đẳng cấp thế giới sánh ngang với Nhà hát Opera của Sydney và Burj Khalifa của Dubai, đồng thời nó cũng là một biểu tượng quan trọng của bóng đá Trung Quốc vươn ra toàn cầu". Thế nhưng, đại dịch Covid-19, sự suy thoái dẫn tới khủng hoảng của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, khiến sân vận động đang xây dựng dở dang bị dừng thi công, và khu đất đã bị chính quyền địa phương tịch thu để bán đấu giá, đẩy Evergrande phải gánh khoản nợ hàng tỷ USD.
Kể từ năm 2021, bóng đá ở Trung Quốc được chơi trên những sân vận động hầu như không có khán giả. Bóng đá trở thành thứ hút tiền khỏi Trung Quốc thay vì thu về.
"Mọi người đều nghĩ đó sẽ là một mỏ vàng, nhưng họ đã lên kế hoạch không tốt", ông Cardoso nói. "Họ đã lên kế hoạch cho những điều phi lý, nhưng thực tế thì họ không có khả năng quản lý tất cả. Người Trung Quốc nghĩ rằng toàn bộ thị trường bóng đá của đất nước sẽ chiếm ưu thế nhờ điều kiện tài chính và sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhưng đó không phải là tất cả những gì đảm bảo thành công trong bóng đá. Việc quản lý và lập kế hoạch phù hợp cũng cần thiết".
Cardoso mô tả sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực bóng đá là "vội vàng". "Họ nghĩ rằng họ đang đi đúng hướng bằng cách ký hợp đồng lớn với những cầu thủ lớn. Họ nhắm vào hiện tại và quên đi tương lai. Những người nêu tham vọng không biết ý nghĩa của việc tổ chức World Cup, chứ đừng nói đến việc giành chiến thắng. Lập kế hoạch kém, thiếu tầm nhìn, khủng hoảng tài chính và đại dịch, đã khiến bóng đá bốc hơi khỏi Trung Quốc".
Tiến sĩ Rob Wilson, một chuyên gia tài chính bóng đá tại Đại học Sheffield Hallam, nói với Sportsmail: "Họ đang cố mua 150 năm lịch sử. Những gì Trung Quốc đặt ra là đẩy nhanh vị thế của họ như một cường quốc bóng đá thế giới để tạo nên một đội tuyển Trung Quốc có khả năng vô địch World Cup. Những gì họ đã làm chứng minh rằng, đơn giản là không thể làm được điều đó".
Từ bùng nổ dẫn tới sụp đổ, câu chuyện của bóng đá Trung Quốc có nét tương đồng với những gì Ả Rập Xê Út đã làm ở phiên chợ hè 2023. Những người đứng đầu UEFA đã kêu gọi vương quốc này không mắc phải "những sai lầm tương tự" đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá ở Trung Quốc.
Nhưng cũng có ý kiến khác. Cardoso tin rằng Ả Rập Xê Út và những quốc gia Trung Đông có thể sẽ không lặp lại những sai lầm của Trung Quốc. "Thị trường Trung Đông đã rất sôi động ngay cả trước khi Cristiano Ronaldo đến Ả Rập Xê Út", Cardoso lý giải cho nhận định của mình. "Họ chắc chắn sẽ làm tốt vì họ không thiết lập được mối liên hệ chặt chẽ với bóng đá, nhưng họ biết nên đầu tư vào đâu và bao nhiêu tiền. Hãy nhìn vào PSG và Manchester City chẳng hạn. Không giống như Trung Quốc, họ có chiến lược cũng như sức mạnh tài chính".