Sự kiện tuần tới: Cải lương, hoà tấu khơi nguồn hứng khởi cho giới trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý diễn ra tại TP.HCM, đó là đêm diễn Cải lương - Trăm năm nguồn cội và Trại hè âm nhạc - Saigon Chamber Music 2019.
1. Cải lương - Trăm năm nguồn cội sẽ diễn ra lúc 20h ngày 7/7 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Đêm diễn được xem là quy tụ khá nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của nhiều thế hệ như: Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Vũ Linh, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Điền Trung, Ngọc Đợi… Ngoài ra còn có sự góp mặt của “sao” kịch nói – nghệ sĩ Việt Anh.
Chương trình gồm 2 phần, phản ánh quá trình 100 năm hình thảnh của bộ môn nghệ thuật cải lương. Phần đầu là những bản ca ra bộ và bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, những yếu tố được xem là tiền thân và nền tảng để hình thành bộ môn nghệ thuật cải lương.
Phần sau là trích đoạn 2 vở diễn nổi tiếng: Đời cô Lựu và Xử án Thượng Dương hoàng hậu. Vai Lựu trong Đời cô lựu sẽ do NSƯT Bạch Tuyết thuộc thế hệ vàng của cải lương miền Nam thủ diễn. Còn Xử án Thượng Dương hoàng hậu sẽ do các nghệ sĩ là con cháu của gia đình cải lương tuồng cổ giàu truyền thống Bầu Thắng - Minh Tơ như: Tú Sương, Quế Trân, Điền Trung… biểu diễn; trong đó NSƯT Quế Trân sẽ vào vai Thượng Dương hoàng hậu.
Ngoài ra nghệ sĩ Huỳnh Khải và Đình Toàn sẽ giới thiệu đến khán giả những loại nhạc cụ dân tộc trong dàn nhạc cổ của cải lương và sự phát triển của bài vọng cổ từ nhịp 2 của Dạ cổ hoài lang cho đến bài vọng cộng hoàn chỉnh hiện nay.
Trong quá khứ, cải lương phát triển mạnh mẽ và được xem là môn nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ, sau đó lan rộng ra cả nước và thu hút một bộ phận đông đảo công chúng. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số hiện nay và sự “thống lĩnh” của âm nhạc showbiz, cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung đang đứng trước nguy cơ bị “suy tàn”.
Những chương trình như Cải lương - Trăm năm nguồn cội là rất có ý nghĩa, chương trình mang lại ấn tượng đẹp về cải lương cho đông đảo công chúng cũng như truyền cảm hứng đến giới trẻ để họ tìm hiểu nhằm đi đến yêu mến, ngưỡng mộ và tiếp tục nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.
2. Trại Hè âm nhạc - Saigon Chamber Music 2019 do Nhạc Viện TP.HCM, và Viện Goethe tại TP.HCM hỗ trợ tổ chức thực hiện.
Năm nay là mùa thứ 5 chương trình được tổ chức, có 23 thành viên tham gia, gồm những học sinh, sinh viên tại TP.HCM ở các bộ môn, violin, piano, viola, cello, contrebass và piano. Giảng viên của Saigon Chamber Music 2019 là 3 nữ nghệ sĩ: Karla Haltenwanger, Birgit Erz và Ilona Kindt của Boulanger Trio nổi tiếng đến từ Đức.
Các thành viên sẽ được chia thành 11 nhóm hoà tấu từ 2 đến 6 nhạc cụ và một dàn nhạc thính phòng nhỏ, mỗi học viên của Saigon Chamber Music 2019 sẽ tham gia vào ít nhất là 2 nhóm hoà tấu. Họ sẽ có 1 tuần được hướng dẫn trải nghiệm và tập luyện về âm nhạc thính phòng ở nhiều phong cách âm nhạc như: cổ điển, lãng mạn, hiện đại… Để cuối trại Hè họ sẽ cùng nhau biểu diễn những tác phẩm hòa tấu vào đêm 13/7 tại Nhạc viện TP.HCM.
Mở đầu cho Saigon Chamber Music 2019 là đêm biểu diễn của 3 giảng viên (Boulanger Trio) vào lúc 20h ngày 7/7 tại Nhạc viện TP.HCM. Họ sẽ trình diễn 2 tác phẩm: Bản Trio cung Sol trưởng (op.17) của Clara Schumann và Trio cung Mi trưởng Dumky (op.90) của Antonin Dvorak. Tác phẩm của Dvorak mang nhiều màu sắc âm nhạc đặc trưng của vùng Slave. Còn tác phẩm của Clara Schumann là giai điệu ngọt ngào tha thiết của âm nhạc Lãng mạn; Clara Schumann chính là người bạn đời của Robert Schumann, một trong những nhà soạn nhạc được biết đến nhiều nhất của thời kỳ âm nhạc Lãng mạn, bà là nữ nhạc sĩ đồng thời là nghệ sĩ piano tài danh nhưng ít người biết đến.
Dù chỉ là 2 buổi biểu diễn của thầy, trò trại Hè Saigon Chamber Music 2019 và sự tham gia của 23 thành viên nhưng đây là một mô hình hoạt động mùa Hè rất có ý nghĩa, vừa vui chơi, giao lưu, tạo nhiều cảm hứng và mở mang kiến thức. Một hình thức trại Hè mà nhiều đơn vị có thể nghiên cứu để mang đến cho học sinh những sinh hoạt mùa Hè bổ ích và thiết thực.
Bình Minh