Sự kiện tuần này: Sách của Bà Tùng Long và Cuộc thi âm nhạc quốc tế chuyên nghiệp
(Thethaovanhoa.vn) - Xem-nghe-thấy-đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Cuộc thi Âm nhạc quốc tế Violin và Hòa tấu thính phòng đầu tiên ở Việt Nam, và việc tái bản một số đầu sách của Bà Tùng Long, cái tên từng rất quen thuộc với độc giả miền Nam.
1. Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế cho Violin và Hòa tấu Thính phòng Việt Nam 2019 (VIMC) sẽ được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAM) tổ chức từ ngày 3/8 đến 11/8/2019 tại Hà Nội. Sau cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội đã được tổ chức 4 lần, đây là cuộc thi âm nhạc quốc tế chuyên nghiệp thứ hai của Việt Nam.
Cuộc thi chia thành hai bảng, với 29 thí sinh ở bảng dành cho Violin và 11 nhóm thí sinh ở bảng Hòa tấu Thính phòng. Hình thức thi được xây dựng theo chuẩn mực của đa số các cuộc thi uy tín trên thế giới để chọn ra những cái tên xuất sắc nhất ở mỗi bảng.
Theo Ban tổ chức, nhiều gương mặt trong các thí sinh tham dự đến từ các nhạc viện danh tiếng như: Nhạc viện Tchaikovsy (Nga), Nhạc viện Hoàng gia London, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc), Trường Geidai, Nhạc viện Hoàng gia Bỉ… Một số người cũng từng tham dự và đạt thành tích cao tại các cuộc thi danh tiếng tại Nga, Bỉ, Italy, Nhật Bản…
Ở góc độ tổ chức, 16 thành viên trong Ban giám khảo đều là những nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Viktor Tretyakov (người từng đoạt giải Nhất tại cuộc thi Âm nhạc Tchaikovsky năm 1966 và nhiều giải thưởng quốc tế lớn); các nghệ sĩ Stephanie Chase, Vilmos Szabadi, Xi Chen, Max Levinson, Kyung Sun Lee, Honna Tetsuji...
Để đảm bảo những tiêu chuẩn chuyên nghiệp và chuẩn mực của những cuộc thi âm nhạc quốc tế lớn, Ban tổ chức cuộc thi đã mời Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO) đồng hành cùng các thí sinh và Ban giám khảo. Cụ thể, dàn nhạc sẽ đệm cho phần thi của các thí sinh thuộc bảng Violin trong vòng Chung kết. Đặc biệt, SSO sẽ trình diễn cùng các thành viên của Ban giam khảo cuộc thi trong 2 sự kiện thuộc cuộc thi là buổi diễn Khai mạc và buổi Gala vào ngày 6/8.
2. Vào ngày 31/7 tới, NXB Trẻ sẽ giới thiệu 10 tác phẩm chọn lọc được tái bản của Bà Tùng Long (1915 - 2006), trong đó có ba quyển tiểu thuyết chưa từng được in thành sách từ trước tới nay là Những ai theo gió, Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình. Ba tiểu thuyết này vốn được Bà Tùng Long viết “cuốn chiếu” để in nhiều kỳ (in feuilleton) trên các báo thời đó.
Bảy tác phẩm chọn lọc còn lại từng in sách là Người xưa đã về, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt nối, Con đường một chiều, Bóng người xưa. Tất cả tác phẩm của Bà Tùng Long đều thông qua các câu chuyện tình yêu mà gợi hướng xây dựng hạnh phúc gia đình, đề cao vai trò của người phụ nữ. Chính vì vậy mà nhiều độc giả cho rằng bà là một trong những tiếng nói tiêu biểu cho tinh thần nữ quyền Việt Nam từ giữa thế kỷ 20.
Bà tên đầy đủ là Lê Thị Bạch Vân, sinh tại Hội An, Quảng Nam, học cấp một chương trình Pháp tại Đà Nẵng, học cấp hai tại Huế, học cấp ba tại Sài Gòn. Năm 20 tuổi lập gia đình tại Sài Gòn, vừa đi dạy Pháp văn và Việt văn, vừa làm báo và viết văn miệt mài mà bà chu toàn được cuộc sống cho cả nhà. Bà gần như là người khởi xướng, giữ mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn mới và “Tâm tình” cởi mở trên báo Tiếng vang trong nhiều năm, có rất nhiều ảnh hưởng đến độc giả, đặc biệt nữ giới. Một nghiên cứu cho thấy đây là hai chuyên mục góp sức bán báo rất tốt.
Hỏi sao bà có thể đủ sức nuôi chồng và 9 người con, một người con cho biết vào thập niên 1960, nhuận bút trung bình của bà là gần 10 lượng vàng một tháng. Nhuận bút sách của bà dao động từ khoảng 70.000 đến 100.000 đồng/1 cuốn, giá vàng lúc này là 5.000 đồng/1 lượng.
Với tư cách nhà văn, bà cầm bút từ năm 1953 tại Sài Gòn, xuất hiện với truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, dịch thuật... Riêng với tiểu thuyết, bà đã có 68 quyển được phát hành trước 1975, nhiều quyển thành sách bán rất chạy. Sau 1975, khoảng 20 tiểu thuyết trong số này đã được tái bản, nhiều quyển vẫn tạo được sức hút với các độc giả thế hệ mới. Với truyện ngắn, bà đã in hơn 400 truyện trên nhiều báo và tạp chí.
Như Hà- Anh Bảo