Sự hồi sinh kỳ lạ của kịch Sài Gòn
Các sân khấu kịch ở TP.HCM đang vận hành theo một quy luật rất khó giải thích.
Đã từng rất hưng thịnh cuối thập niên 1990, bắt đầu suy yếu từ đầu thập niên 2000, từ đó đến nay, 22 năm, sân khấu kịch Sài Gòn vẫn như một người bị rơi xuống giữa dòng chảy xiết, cố gắng hết sức lội ngược dòng để sinh tồn. Ấy vậy mà cuối năm ny lại có đến 4 sân khấu mới khai trương.
Trong 4 địa chỉ mới ấy, có 2 sân khấu thuộc về gương mặt cũ, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn sẽ mở thêm sân khấu tại Nhà Văn hóa Thanh niên, còn bà bầu Hồng Vân mở trong khuôn viên Đại học Quốc gia TP.HCM, khu vực Hồ Con Rùa. Các nơi còn lại, một nơi thuộc về danh hài Việt Hương ở quận 10, một nơi do đạo diễn Ngọc Hùng đảm trách nghệ thuật qua sự đầu tư của ông chủ ẩm thực Trần (Đà Nẵng), chưa công bố địa điểm.
Sự hồi sinh kỳ lạ
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, sau Covid-19, khán giả xem kịch tại IDECAF đông bất ngờ. Ngay cả những kịch mục cũ đem ra diễn lại cũng đông khách. Vở mới ra thì thể loại nào cũng bán vé trước cả tháng. Kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa bán vé còn nhanh hơn những mùa trước đó.
Tình hình cũng diễn ra tương tự với Thế giới trẻ. Khán giả “ruột” - vốn thuộc lứa tuổi mới lớn - tiếp tục chen chân nhau xem các thần tượng quen thuộc mà họ xa cách gần 2 năm. Cả hai sân khấu vừa kể đều không biết chính xác nguyên nhân gì có sự bùng nổ phòng vé. Họ đành tạm lý giải do dịch bệnh, người dân bị buộc ở trong nhà, cảm giác thèm ra ngoài, thèm đến rạp bị đè nén, nên khi trở lại nhịp sinh hoạt bình thường, nô nức đi xem bù.
Trước tình hình khả quan ấy, Huỳnh Anh Tuấn còn mở cả sân khấu cải lương tại rạp Nón lá trong khuôn viên Cung Văn hóa Lao động. Gần như cùng thời gian, anh mở thêm sân khấu Thanh niên, bao gồm kịch nhiều thể loại khác. Với Huỳnh Anh Tuấn, việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động luôn có một lý do hợp lý, chứ không hề tùy hứng. Ông xác nhận đó là do nhìn thấy nhu cầu thị trường đang tốt.
Bà bầu Hồng Vân từng sở hữu đến 3 sân khấu, sau khi đóng cửa cùng lúc 2 địa điểm, chỉ còn giữ lại địa điểm tại Nhà Văn hóa Phú Nhuận, diễn cầm chừng. Khó khăn mà NSND Hồng Vân gặp phải là vấn đề thuê sân khấu dài hạn. Giờ thì chị đã chọn một địa điểm ngay khu vực trung tâm để dời điểm diễn, có lẽ, khó khăn cố hữu đã được giải quyết linh hoạt. Hồng Vân không chỉ là người giỏi nghề diễn, mà còn được xem là người mát tay trong kinh doanh nghệ thuật. Chị không bỏ hẳn sân khấu kịch, có nghĩa rằng bên cạnh đam mê, chị còn nhìn thấy cơ hội phát triển.
Nghệ sĩ Việt Hương mở sân khấu gần như là lẽ tự nhiên. Chị đã quá tài năng trong lĩnh vực hài, giờ đây lại tích lũy đủ tài chính lẫn kinh nghiệm sống, đủ để mở ra một sân chơi cho riêng mình. Dù chưa biết rõ khuynh hướng nghệ thuật mà Việt Hương triển khai, nhưng với tố chất hài, có thể kịch mục hài sẽ đóng vai trò chủ đạo.
Thị phần không bị chia nhỏ
Còn vài tháng nữa là Giáng sinh và Tết Nguyên đán 2023. Đây là hai thời điểm đẹp nhất của kịch nghệ, vì khán giả luôn đông hơn các mùa khác trong năm. Vì vậy, việc các sân khấu mới rục rịch ra mắt vào thời điểm này là dễ hiểu.
Thế nhưng, có người cho rằng dù gần đây có tín hiệu vui ở IDECAF và Thế giới trẻ, nhưng các sân khấu còn lại như 5B và Hoàng Thái Thanh lượng khán giả vẫn chưa đông. Vậy nên, việc nhiều sân khấu ra đời cùng lúc sẽ chia nhỏ thị phần, khó khăn sẽ hoàn khó khăn.
Người trong cuộc lại nghĩ khác, đạo diễn Ngọc Hùng lý giải: “TP.HCM có trên 10 triệu dân. Số ghế trong mỗi rạp kịch dao động từ 300 đến 500. Một sân khấu đông khách nhất, diễn trung bình 4 suất 1 tuần, cũng chỉ bán tối đa 2.000 vé, một con số quá nhỏ so với mật độ dân cư. Hơn nữa, nét đặc thù của khán giả xem kịch là sân khấu nào có khán giả đó. Ai thích phong cách nào sẽ có khuynh hướng xem nơi ấy, ít khi xem nhiều nơi khác nhau. Vấn đề quan trọng nhất là sân khấu có tạo ra được những vở diễn đáp ứng được nhu cầu khán giả đặc thù của mình hay không”.
- Sân khấu kịch tại TP.HCM tìm cách đổi mới
- Sân khấu kịch đang thiếu nhân vật trẻ
- Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM: Khi đại dịch 'bước vào' vở diễn
Việc Ngọc Hùng rời khỏi sân khấu Thế giới trẻ cũng đặt ra một nghi vấn, sân khấu mới mà anh đảm nhận vai trò giám đốc nghệ thuật sẽ là bản sao của Thế giới trẻ chăng? Ngọc Hùng khẳng định anh vẫn làm kịch hướng đến đối tượng trẻ, nhưng sẽ có màu sắc khác, diễn viên cũng khác, nên không chủ ý thu hút khán giả của đơn vị cũ.
Mặt khác, Thế giới trẻ từ lâu đã thành thương hiệu mạnh, chốn quen thuộc, kịch mục đa dạng và phong phú, gần đây lại có sự trở về của ngôi sao phòng vé Thu Trang. Điều này cho thấy, một sân khấu mới ra mắt không dễ làm sức sống ở sân chơi này bị lung lay. Nhìn ở góc độ khác, sự ra đời của nhiều sân khấu sẽ kích thích sự sáng tạo và lao động nghệ thuật của lực lượng sáng tác, nghệ sĩ. Xem ra điều này chỉ có lợi cho công chúng.
Nguyễn Huy