Sống trên “núi rác” ở Ấn Độ
(TT&VH) - Tại "núi rác' ở New Delhi, một trong những nơi tập trung nhiều dân nghèo nhất, người dân ở đây hằng ngày lặn ngụp trong hàng đống rác rưởi, chai lọ, đồng nát để kiếm sống... nhưng họ vẫn không ngừng mơ ước sẽ có ngày đổi đời và gia nhập tầng lớp trung lưu.
Những đứa trẻ không để ý lũ quạ và thi thoảng là diều hâu đảo vòng trên đầu, hay các dòng nước đen ngòm, đặc quánh chảy dưới chân, cũng như mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ bãi rác. Chúng đang vui vẻ cười đùa và tranh nhau lên một chiếc đu quay nhỏ, có giá 0,04 USD một lượt đi.
1,7 triệu người nhặt rác
Những đứa trẻ này lớn lên từ bãi rác Ghazipur rộng 283.000 m2 của New Delhi. Bãi rác khổng lồ, trông giống như sản phẩm hình thành sau ngày tận thế này, là nơi kiếm ăn của hàng trăm gia đình nhặt rác. Mỗi ngày, họ leo lên các đống rác cao tới 30 mét, tìm các món đồ có giá trị tái chế.
Trên núi rác này, mỗi gia đình có thể kiếm được từ 1-2 USD mỗi ngày. Tiền thì ít, nhưng các cư dân ở đây vẫn kết hôn, sinh con đẻ cái, cầu nguyện và ăn mừng các ngày lễ như mọi nơi khác. "Tôi rất vui khi làm nghề nhặt rác. Chúng tôi giúp người khác khỏe mạnh" - Jai Prakash Choudhary, người đã có vài năm ngụp lặn trong các bãi rác ở New Delhi để tìm các vỏ chai lọ, phế liệu và cả tóc người để đem bán.
Các thống kê trong năm nay cho thấy New Delhi thải ra 9.200 tấn rác mỗi ngày, tăng 50% so với năm 2007. Lượng rác rưởi sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2024, khiến cho Ghazipur và 2 bãi rác còn lại quanh New Delhi sẽ nhanh chóng quá tải.
Nhưng đây lại là nguồn sống của 1,7 triệu người nhặt rác ở Ấn Độ, với riêng New Delhi đã có 350.000 người trong số đó. Càng kiếm được nhiều thứ giá trị từ rác, người ta càng tích cóp được nhiều và một số thậm chí còn mơ có ngày họ sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu.
Nhưng bậc thang đầu tiên để nhiều người ở Ghazipur tiến tới giấc mơ của họ lại chính là núi rác. Phần lớn những người sống tại các khu ổ chuột nằm quanh Ghazipur là người Hồi giáo từ bang Bihar nghèo khó hoặc tới từ Bangladesh. Họ nhận ra rất nhanh đầu mối thu gom nào sẵn sàng trả nhiều tiền, cách tạo ra một không gian sống rộng vài mét vuông trên rác, chỗ tìm nước sạch và nguồn điện.
Trong thế giới thu gom rác ở Ấn Độ, họ ở dưới đáy. Bởi New Delhi không có hệ thống thu gom rác đi tới từng nhà nên những phế liệu giá trị nhất thường sẽ được những người giúp việc trong các gia đình, hoặc người dân bình thường nhặt để đem bán. Số còn lại mới được thu gom và đổ vào các bãi rác tập trung nằm rải rác quanh thành phố. Từ đây, xe chở rác sẽ đưa chúng tới Ghazipur, nơi cư dân của bãi rác kiếm sống từ những gì còn sót lại.
Tầng đáy xã hội
Một khi thu gom về, rác sẽ được phân loại. Công việc này thường do trẻ em đảm nhận.
Rác sẽ được chúng chất vào các đống cao tới 3 mét, gồm đủ loại như: chai lọ nhựa, cốc chén, nắp chai, dao kéo cùn. Người mua buôn sẽ trả 0,05 USD cho mỗi nửa cân túi nilon và 18 USD cho mỗi nửa cân tóc người, vốn dùng để làm tóc giả.
Và giống mọi nghề nghiệp khác, cộng đồng nhặt rác ở Ghazipur cũng có những bí quyết và cấm kỵ riêng trong nghề. Đừng nói chuyện với các tay tài xế máy ủi ở bãi rác và chỉ nhặt những gì ở trong khu vực làm việc của anh là một trong các nguyên tắc đó. "Chơi trò láu cá sẽ dễ tạo ra xung đột với những nhóm người khác. Ngoài ra, công việc chẳng đòi hỏi kỹ năng gì thực thụ. Nghề này không giống việc khai thác mỏ" - Habibullah, 30 tuổi, một người nhặt rác lành nghề cho biết.
Lao động trẻ em diễn ra phổ biến ở bãi rác. Tương tự là sự xuất hiện của đủ loại bệnh khác nhau. Phổ biến nhất là các bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa. Ung thư, quái thai, và tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn cũng tăng cao.
Sữa hỏng từ các trang trại chăn nuôi bò đổ vào bãi rác, phế phẩm từ các lò mổ và cả rác từ trung tâm hỏa táng mang tới, thường có lẫn rất nhiều chì và thậm chí là chất dioxin độc hại. Nhưng người dân ở đây chỉ có thể chấp nhận số phận, bởi họ còn không có đủ tiền để mặc áo mới, chưa nói gì tới chuyện thăm khám bác sĩ. "Chúng tôi tắm dưới các máy bơm nước. Nước ở đây có mùi tanh của sắt, nhưng chúng tôi vẫn uống nó" - một người nhặt rác tên Jamshed Khan nói.
Ngay cả các tài xế chạy ngang qua bãi rác cũng phải bịt mũi và khi đi khỏi thì thở phào vì tưởng họ vừa thoát ra khỏi địa ngục. Nhưng sự nghiệt ngã của hoàn cảnh và số phận không ngăn cản người dân Ghazipur nói về khát vọng đổi đời, vươn lên tầng lớp cao hơn. "Nơi đây tự do hơn nhiều quê nhà. Và tôi đã giúp 4 đứa con tôi ăn học. Ở nhà tôi sẽ không thể nào làm nổi chuyện này" - Sheikh Abdul Kashid, 60 tuổi, thổ lộ.
Khát vọng từ bãi rác
Choudhary là biểu tượng của sự thăng tiến dần, từ chỗ một gã nhặt rác thành người thuộc tầng lớp trung lưu và tham vọng của anh vẫn không ngừng lại. Người đàn ông trong độ tuổi 30 này mới chạy đua vào một ghế trong hội đồng địa phương và dù thất bại, nỗ lực của anh đã truyền cảm hứng cho các "đồng nghiệp".
Bản thân Choudhary cũng thề sẽ không bỏ cuộc và tiếp tục cuộc chiến vì quyền của những người nhặt rác.
Trong nỗ lực tranh cử, vài ngày trước cuộc bầu cử chính thức, dưới sự bao vây của hàng trăm người ủng hộ, Choudhary đã bắt tay họ, ôm lấy những đứa trẻ và chạm tay vào chân một cử tri cao tuổi, dấu hiệu thể hiện sự khiêm nhường. "Tôi sẽ tiếp tục làm việc để nâng cao nhận thức về quyền của người nhặt rác" - ông nói - "Tôi hy vọng mình sẽ là nguồn cảm hứng cho những người khác. Liệu anh có thể tưởng tượng nổi lúc nào đó sẽ chẳng còn ai tới nhà mình nhặt rác, dù chỉ là một ngày không?".
Tường Linh