Sống thử trên sao Hỏa?
Hơn 20 năm trước, một cuộc thí nghiệm trong nhà kính Biosphere 2 ở sa mạc Arizona đã được tiến hành với “chuột bạch” là những người bằng xương bằng thịt để tìm câu trả lời.
Chế độ biệt giam tự nguyện
Jane Poynter đang ngồi viết nhật ký thì bạn trai cô, Taber MacCallum, kỹ thuật viên của nhà kính Biosphere 2 lao vào phòng, thả người xuống sofa và thở dài: “Ta đang bị mất dưỡng khí, nếu không khắc phục được thì mọi chuyện sẽ thành công cốc”. Và quả thực, không phải lần đầu, không khí đang loãng đi như trên đỉnh núi. Không có oxy thì không có sự sống. “Chúng ta đã thất bại!“ Poynter ghi vào nhật ký. Cuộc thí nghiệm đầy kỳ vọng với 8 thành viên sẽ chấm dứt sau nửa năm, dù rằng nó được coi là “dự án khoa học gay cấn nhất từ sau khi Tổng thống Kennedy đưa được người đầu tiên lên Mặt trăng“ - như tạp chí khoa học Mỹ Discover giật tít trước giờ khai trương.
4 đàn ông và 4 phụ nữ trong sa mạc Sonora cát đỏ dấn thân vào cuộc phiêu lưu khoa học kéo dài 24 tháng trong một nhà kính rộng như 2 sân bóng đá và tuyệt đối cách biệt với thế giới bên ngoài. Quanh họ là một thế giới thu nhỏ nhưng chứa đầy công nghệ cao: máy tính, thiết bị đo, phin lọc, hệ thống phun nước giả rừng nhiệt đới, máy tạo thủy triều cho đại dương mini... cùng 3.800 loài động thực vật, và trong thế giới đó, mọi loài không chỉ chung sống mà còn phụ thuộc lẫn nhau, tự cung cấp dưỡng khí, thực phẩm và nước uống!
“Đó là thí nghiệm kỳ dị và điên rồ nhất mà tôi từng biết, tôi phải tham gia bằng được“, cô gái người Anh 29 tuổi tự nhủ. Jane Poynter làm đơn xin và vượt qua mọi thử thách về sức khỏe vật lý như tâm lý mà hội đồng tuyển chọn đề ra. Các ứng viên phải phi ngựa hàng tiếng qua thảo nguyên Australia, học bắt rắn độc và chinh phục bò mộng, đi thuyền một mình 12 tháng qua Ấn Độ Dương... Rồi ngày 26/9/1991 cũng đến: sau 6 tuần chạy thử, nhà kính Biosphere 2 trị giá 150 triệu USD do tỷ phú Edward Bass tài trợ mở cửa đón 8 vị khách.
Một thế giới khác
8 “chuột bạch“ ở lứa tuổi từ 27 đến 66 nhận lời chúc phúc từ một phù thủy Mexico và một tu sĩ Tây Tạng, sau đó 2 người da đỏ khoác trang phục lông vũ đưa họ tới tiếp quản nhà biệt giam tự chọn: một không gian đầy đủ đại dương, rừng mưa, sông suối, thảo nguyên và sa mạc. Thậm chí còn có một thành phố nhỏ dưới mái kính. Mỗi người có phòng riêng với điện thoại truyền hình và ti-vi. Tuy nhiên họ phải chia tay với những sản phẩm của nền văn minh như giấy vệ sinh, túi nylon... vì thời gian phân hủy rác quá dài, trong khi vòng tuần hoàn biến đổi chất chỉ kéo dài 24 tháng như quy hoạch. “Hai năm nữa, mọi người phải dùng vũ lực mới kéo được tôi ra khỏi đây!“ Jane Poynter phấn khích hét lên với đám nhà báo trước khi đi vào nhà kính, không tiên lượng được rằng chính cô sắp ra khỏi chốn này: chưa đầy hai tuần sau cô bị tai nạn với máy đập lúa và phải ra ngoài để khâu vết thương, dù chỉ 5 tiếng.
Từ ngày đầu trở đi họ bị cơn đói hành hạ. Mọi thức ăn mà họ tự canh tác ra đều đòi hỏi công việc cơ bắp. Đồ ăn chính là khoai lang, lúa mì, rau quả, trứng và cá, nhưng không đủ lượng, đã thế bị lũ lợn “rừng” moi lên ăn gần hết. Người ta giành giật nhau những gì ăn được. Poynter ghi nhật ký: “Các kho dự trữ phải khóa kỹ, đề phòng... trộm!”. Thế mới thấy, cái xã hội mini ấy biểu hiện mọi sự xấu xa cố hữu trong con người.
Một số động vật như chim ruồi, ong... không chịu nổi môi trường khắc nghiệt và chết, trong khi kiến và gián sinh sôi nảy nở không thể kiểm soát. Các loài sâu bọ tàn phá mùa màng, còn san hô trong biển nhân tạo chết hàng loạt. Trời mưa bão và đêm đen bên ngoài nhà kính khiến quá trình quang hợp bị chậm đi và lượng thán khí sinh ra nhiều hơn. Song song với những biến đổi bất thường đó, tâm lý nhóm tham gia thí nghiệm cũng xấu đi với thời gian, chưa kể đến sự giảm thiểu oxy làm mọi người mệt mỏi và bẳn tính. Riêng Poynter bị trầm cảm đến mức phải liên lạc điện thoại với một nhà tư vấn tâm lý bên ngoài để tự điều trị.
“Tôi luôn lo sợ một lúc nào đó sẽ phát điên”, nhật ký của Poynter chứa nhiều uẩn ức đáng ngại. May mắn thay, cô tìm được ở đây tình yêu lớn: Taber MacCallum. “Thực tế cho thấy các nhóm nhỏ bị cô lập như trên tàu vũ trụ hoặc ở Nam Cực thường hành xử hung hãn hoặc cãi lộn, nhưng chúng tôi không ngờ chuyện đó xảy ra với chính mình. Nhóm 8 người này tan rã thành hai phe thù nghịch, thậm chí không nói với nhau câu nào. Cao điểm của sự bất hòa xảy ra khi chính họ bị bên ngoài chỉ trích: Đầu năm 1993, khi lượng oxy bị giảm tới mức báo động đỏ, các kỹ thuật viên phải bơm hàng tấn khí trời từ bên ngoài, và lập tức dư luận tỏ ra nghi ngờ tính nghiêm túc của thí nghiệm khoa học. “Bây giờ không ai tin nữa, cuộc thí nghiệm hai năm dần dần biến thành một trò đùa có giá 150 triệu USD“, tờ Time cay độc nhận xét trong số ra tháng 2/1993. Người ta ngờ nhóm thí nghiệm tuồn lương thực từ ngoài vào. Biosphere 2 bỗng biến thành một dạng Disneyland của giới truyền thông!
Dù sao thì những người dũng cảm ấy cũng hoàn thành sứ mệnh của mình. Đúng 8h20 ngày 26/9/1993, dài hơn dự định 20 phút, nghĩa là sau 2 năm 20 phút, cùng 7 bạn đồng hành, cô gái người Anh rời nhà kính - giảm mất 10 kg, kiệt sức và da vàng suộm vì ăn quá nhiều khoai lang, song tin chắc đã làm một việc có ích: chứng minh rằng con người là một sinh vật có thể sống ở nhiều hành tinh.
Một năm sau cô lấy MacCallum, đám cưới diễn ra trên đồng cỏ trước nhà kính Biosphere 2.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần