Sống lại những ký ức ngày Giải phóng Thủ đô qua lăng kính nghệ thuật
Thủ đô Hà Nội - Mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng và hòa bình trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho các văn nghệ sĩ.
Đặc biệt, trước và sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đã để lại vô vàn tác phẩm, đa dạng thể loại từ âm nhạc, hội họa đến phim ảnh, nhiều tác phẩm đã vượt thời gian sống mãi trong lòng người dân Hà Nội.
Những giai điệu bất hủ về Ngày Giải phóng Thủ đô
Ngày 10/10/1954, cột mốc Giải phóng Thủ đô, không chỉ khép lại 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mà còn mở ra trang mới đầy hy vọng cho đất nước, cho Hà Nội - trái tim của Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí, mà còn là sứ giả của những cảm xúc mãnh liệt, của niềm tự hào dân tộc và khát vọng tự do. Đặc biệt, những tác phẩm như “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao và “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi không chỉ là lời ca vang dội trong ngày chiến thắng mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Âm nhạc, qua lăng kính của những người đã trải nghiệm và sống qua thời kỳ lịch sử ấy, luôn mang một sức sống đặc biệt.
“Tiến về Hà Nội" ra đời năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang diễn ra ác liệt. Tác phẩm này không chỉ là một khúc hát cổ vũ tinh thần mà còn là lời tiên tri về chiến thắng của dân tộc. Với giai điệu hào hùng, mạnh mẽ, “Tiến về Hà Nội” đã khắc họa rõ nét hình ảnh của những đoàn quân giải phóng hiên ngang tiến vào Thủ đô, mang theo khát vọng tự do và hòa bình.
Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát của nhạc Văn Cao: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”. Với lời ca hào hùng, khí thế và sôi nổi, ngày nay, bài hát vẫn thường vang lên trong những dịp kỷ niệm ngày mùng 10/10 như một "khúc ca khải hoàn" của người Hà Nội.
Với tình yêu dành cho âm nhạc nói chung và âm nhạc về Hà Nội riêng, bà Lê Thị Vân - người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Thành đã chia sẻ những cảm xúc tự hào, hân hoan mỗi khi giai điệu bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được cất lên. Bà chia sẻ: “Khi được nghe các bài hát về Hà Nội, nhất là bài "Tiến về Hà Nội" cảm giác của tôi như được sống lại trong không khí hừng hực của ngày Giải phóng. Bài hát đưa con người ta về thời kỳ mà ông bà, cha mẹ mình đã được tham gia và trực tiếp sống trong giai đoạn ấy."
“Người Hà Nội”: Tái hiện ký ức những ngày toàn quốc kháng chiến
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm “Người Hà Nội” được nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi gửi tới công chúng, nhưng mỗi khi những giai điệu trầm hùng ấy vang lên, ký ức của một Hà Nội hào hoa, anh hùng lại như được tái hiện trong tâm thức những người con của mảnh đất này với những ca từ vừa hùng tráng vừa sâu lắng: "... Đây Thăng Long, đây Đông Đô/ Đây Hà Nội/ Hà Nội mến yêu/ Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên/ Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên/ Hà Nội đẹp sao!/ Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng/ Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn/ Ngàn nguồn sống tràn đầy dâng”…
Nếu như “Tiến về Hà Nội” là khúc quân hành hùng tráng, thì “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi lại mang một cảm xúc khác – lãng mạn và sâu lắng hơn. Được sáng tác vào năm 1947, tác phẩm này không chỉ phản ánh tinh thần kháng chiến bất khuất mà còn khắc họa chân thực đời sống người dân thủ đô trong thời kỳ chiến tranh. Với giai điệu trầm lắng, lời ca mang chất thơ đậm đà, Nguyễn Đình Thi đã vẽ nên một bức chân dung chân thực và xúc động về Hà Nội – một thành phố vừa kiên cường chống giặc ngoại xâm, vừa giữ vững bản sắc và tình yêu cuộc sống.
Trong “Người Hà Nội”, Nguyễn Đình Thi không miêu tả những chiến công lẫy lừng, mà tập trung vào hình ảnh đời thường của người dân thủ đô – những con người bình dị, nhưng mang trong mình tinh thần bất khuất và tình yêu nước sâu sắc. Ca khúc này, với âm hưởng nhẹ nhàng nhưng đầy chất triết lý, như lời tri ân gửi đến những người đã và đang sống, yêu Hà Nội bằng cả trái tim.
Vừa qua tác phẩm "Người Hà Nội" đã được giọng ca trong trẻo, cao vút của Soprano Bảo Yến cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tái hiện lại tại chương trình Hòa nhạc "Khi Âm nhạc hòa quyện với Mỹ thuật số đặc biệt Mùa Thu" diễn ra vào ngày 6 tháng 10 năm 2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Cùng với “Tiến về Hà Nội” và “Người Hà Nội” những ca khúc khác về Thủ đô trong ngày giải phóng cũng mang trong mình sức sống mãnh liệt. Từ “Hà Nội giải phóng” của Nguyễn Văn Quỳ, “Về Thủ đô” của Tô Vũ đến “Thủ đô vui đón các anh” của Anh Vũ, tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh âm nhạc đa sắc về một Hà Nội tươi sáng và tràn đầy niềm hy vọng.
Khi âm nhạc gặp gỡ hội họa
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải Phóng Thủ đô, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào ngày 6/10/2024 – chương trình âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật với chủ đề Giai điệu mùa thu. Sự kiện là điểm giao thoa độc đáo giữa hai loại hình nghệ thuật tưởng như riêng rẽ nhưng lại gặp gỡ ở điểm chung là khả năng khơi gợi cảm xúc và gắn kết tâm hồn người thưởng thức.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã hợp tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam để tạo nên một không gian nghệ thuật sống động và đầy hoài niệm. Tại đây, công chúng không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa nổi tiếng mà còn đắm chìm trong những giai điệu kinh điển gắn liền với Hà Nội. Những bản giao hưởng trữ tình cùng những ca khúc về Hà Nội, như “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh, “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, và “Trời Hà Nội xanh” của Văn Ký, được vang lên giữa khung cảnh trưng bày đầy sắc màu của các tác phẩm mỹ thuật, mang đến một trải nghiệm thị giác và thính giác đầy cảm xúc.
Việc tổ chức sự kiện này không chỉ là lời tri ân cho những giai điệu vang bóng của một thời, mà còn là cách để hai loại hình nghệ thuật tương tác và lan tỏa cảm hứng. Nghệ sĩ violinist Đỗ Phương Nhi, một trong những người biểu diễn tại sự kiện, chia sẻ rằng: “Âm nhạc và hội họa dù có những nét đặc trưng riêng nhưng lại đi đôi với nhau trong nghệ thuật. Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt khi vừa tham quan bảo tàng, vừa được nghe nhạc. Không chỉ xem những tác phẩm, mà thông qua âm nhạc, ta còn có thể hiểu được phần nào nội tâm tác giả gửi gắm.”
Sự kết hợp giữa âm nhạc và hội họa đã tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất hoài cổ, khiến khán giả có thể sống lại ký ức về Hà Nội qua nhiều góc nhìn khác nhau. Chị Phạm Thị Hữu, Phó phòng truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Trong không khí chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi phối hợp với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam để trình diễn những bài hát về Hà Nội, giúp công chúng có những trải nghiệm đặc sắc về nghệ thuật trong không gian Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Với nguồn cảm hứng từ mỹ thuật và âm nhạc, chúng tôi mong muốn đem đến cho người xem những cảm nhận khác nhau về nghệ thuật, đặc biệt với hai loại hình kén chọn người cảm thụ như nhạc giao hưởng và mỹ thuật.”
Khắc ghi dáng hình Hà Nội qua từng đường nét
Hà Nội vừa tổ chức chuỗi triển lãm đặc sắc, mang đến cho công chúng một bức tranh sống động về chặng đường phát triển oai hùng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Mỗi bước đi trên con đường lịch sử, Thủ đô kiêu hãnh vượt qua những gian truân, từ tro tàn chiến tranh vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu, nơi mà mỗi cột mốc lịch sử đều ghi dấu công lao của bao thế hệ anh hùng.
Một trong những triển lãm nổi bật phải kể đến là triển lãm mỹ thuật Chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô do Bảo tàng Hà Nội phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 6/10 đến 30/10/2024. Với gần 300 tác phẩm, triển lãm tôn vinh vẻ đẹp con người, phong cảnh và văn hóa Thủ đô. Không chỉ là những bức tranh phản ánh sự kiên cường của Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử, các nghệ sĩ còn gửi gắm thông điệp về một nền nghệ thuật vươn lên mạnh mẽ, nơi giá trị truyền thống được tiếp nối và phát triển.
Họa sĩ Bùi Thị Thái Hà, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, đã chia sẻ: “Được giới thiệu tranh vẽ về một góc Hà Nội trong triển lãm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là điều vinh dự, niềm tự hào của một người được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thủ đô này.” Lời chia sẻ của tác giả không chỉ thể hiện niềm tự hào cá nhân mà còn là tiếng nói chung của nhiều nghệ sĩ khác, những người đã và đang cống hiến hết mình cho nghệ thuật và cho tình yêu Hà Nội.
Những tác phẩm này là minh chứng cho sự gắn bó sâu sắc của nghệ sĩ với Hà Nội – một mảnh đất đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Không chỉ phản ánh những hình ảnh tươi đẹp của Hà Nội hiện tại, nhiều bức tranh còn tái hiện những khung cảnh lịch sử oai hùng của ngày Giải phóng Thủ đô, khắc sâu những khoảnh khắc hào hùng mà người dân Hà Nội đã trải qua. Từ cảnh tiến quân về Thủ đô trong buổi sáng mùa thu lịch sử đến hình ảnh những người lính bảo vệ chiến lũy, mỗi bức tranh là một khúc tráng ca của ký ức lịch sử.
Không kém phần thu hút phải kể đến triển lãm 3D trực tuyến "Hỡi đồng bào Thủ đô!" do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức từ ngày 20/9/2024. Triển lãm sử dụng công nghệ 3D hiện đại để tái hiện không khí của Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đến ngày Giải phóng Thủ đô. Với hơn 200 tư liệu và hình ảnh quý giá, người xem được trải nghiệm cảm giác sống động, chân thực về những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ của quân dân Hà Nội qua 3 phần.
Phần 1, "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời" giới thiệu tài liệu, hình ảnh về giai đoạn đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Hà Nội. Phần 2, "Hà Nội vùng đứng lên", gồm tài liệu, hình ảnh về các cuộc đấu tranh cách mạng tại Hà Nội từ năm 1930 đến 1954. Phần 3, "Hà Nội ngày về chiến thắng" giới thiệu tài liệu, hình ảnh ngày giải phóng, vang mãi khúc khải hoàn ca. Đồng thời, người xem cũng được thăm quan một loạt các “chứng nhân” lịch sử như Thành cổ Hà Nội, phố cổ, Chợ Đồng Xuân, Quảng trường Nhà hát Lớn.
Kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ trình chiếu hiện đại, triển lãm này là minh chứng cho sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nơi mà nghệ thuật trở thành cầu nối giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về những hy sinh và thành tựu của Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội và người Hà Nội dưới góc nhìn điện ảnh
Những thước phim về Hà Nội không chỉ là hình ảnh mà còn là di sản văn hóa, tâm hồn và tình yêu của người dân nơi đây. Khán giả không chỉ nhìn thấy Hà Nội mà còn cảm nhận được nhịp đập của cuộc sống, sự kết nối giữa con người của từng thời đại với nhau và với lịch sử.
Đào, Phở và Piano kể câu chuyện về anh vệ quốc quân tên là Dân và chuyện tình với nàng tiểu thư Hà Thành tên Thục Hương. Trong khi những người khác đã di tản lên chiến khu thì Dân và Hương quyết định cố thủ lại mảnh đất Thủ đô. Tuy nhiên họ không phải những người duy nhất mà còn những mảnh đời khác nhau như: ông họa sĩ già, vị cha xứ, cậu bé đánh giày, vợ chồng người bán phở, ông phán Tây. Trước thời khắc sinh tử, từng con người đều không tỏ ra sợ hãi mà họ vẫn ở lại chiến đấu, tận hiến tình yêu của mình cho mảnh đất Hà Nội - nơi mà họ đã gắn bó như máu thịt.
Dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Tuần phim tài liệu Hà Nội trên nền tảng số VTVGo diễn ra từ ngày 4/10 đến 10/10/2024 nhằm mang tới những trải nghiệm thú vị mới cho khán giả. Tuần phim bao gồm 20 tác phẩm, trải dài từ những năm 1980 và có sự phong phú về mặt nội dung, khai thác nhiều chủ đề về lịch sử, khảo cổ, các ngôi chùa ở Hà Nội, điều tra phá án… Trong số 20 phim được công chiếu, bộ phim Hà Nội trong mắt ai được chú ý nhiều bởi khán giả.
"Hà Nội trong mắt ai" là một bộ phim tài liệu đặc biệt của Việt Nam được đạo diễn bởi Trần Văn Thủy, sản xuất vào năm 1982, đến năm 1987 được công chiếu rộng rãi. Đến năm 1988, bộ phim đã giành giải Bông sen vàng hạng mục phim tài liệu Liên hoan phim Việt Nam cùng ba giải đạo diễn, biên kịch và quay phim xuất sắc. Cho đến hàng thập kỷ sau, đây vẫn được xem là một trong những phim tài liệu kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Những tác phẩm phim điện ảnh hay tài liệu về lịch sử, cách mạng đều được đón xem bởi nhiều tầng lớp nhân dân ở mọi thế hệ. Những thước phim ấy đã xóa đi khoảng cách về không gian, thời gian, đem quá khứ hiện ra ngay trước mắt khán giả.
Đặc biệt, những thước phim, tư liệu lịch sử đóng vai trò kết nối các thế hệ lại gần với nhau, giúp cho tất cả chúng ta hiểu về cuộc sống, cuộc đấu tranh và khát vọng hòa bình của những thế hệ trước. Những thước phim chân thực không chỉ cung cấp kiến thức mà còn gợi mở những cảm xúc sâu sắc, tạo ra sự kết nối giữa những người trẻ và di sản văn hóa của ông cha. Khi thế hệ trẻ xem phim tài liệu, họ không chỉ học được lịch sử mà còn cảm nhận được sự gắn bó, lòng tự hào về dân tộc, từ đó hình thành một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống hiện tại và tương lai.
Hội họa, âm nhạc, điện ảnh là một bức tranh sống động phản ánh tâm hồn, bản sắc và lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Qua những hình ảnh chân thực, âm thanh sống động và câu chuyện đầy cảm xúc, tất cả đã tái hiện lại vẻ đẹp và sự kiên cường của Hà Nội, của con người nơi đây đi lên từ chiến tranh. Những tác phẩm không chỉ mang vai trò gìn giữ những giá trị văn hóa mà còn là một bài học, lời nhắc nhở tới thế hệ tương lai, những người nắm giữ vận mệnh của Thủ đô sau này.