Sống lại 'ký ức Hà Nội' trên phố bích họa Phùng Hưng
(Thethaovanhoa.vn) - Phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính thức ra mắt công chúng Thủ đô và du khách vào tối 2/2, với tên gọi Không gian trưng bày dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng.
Phố bích họa Phùng Hưng ra đời từ chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội về phát huy giá trị các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên, thuộc khu phố cổ Hà Nội. UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án tổng thể nghiên cứu và phát huy giá trị các vòm cầu chia thành nhiều giai đoạn thực hiện.
Giai đoạn 1 năm 2017, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) và Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) thực hiện việc vẽ bích họa với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và nghệ sĩ Hàn Quốc.
Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng trên cơ sở chương trình "Đưa nghệ thuật vào không gian sống" do UN-Habitat phối hợp thực hiện với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và các thành phố tại Việt Nam từ năm 2015, là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Nhóm họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và Viện Nghiên cứu mỹ thuật công cộng Lee Gang Jun (Hàn Quốc) đã cùng nhau thể hiện 19 tác phẩm. Thông qua các tác phẩm này, người xem cảm nhận những ký ức về Hà Nội, về những nét xưa cũ mà người Hà Nội vẫn còn lưu giữ trong cuộc sống ngày nay. Đó là bức ảnh về phố Hàng Mã dịp trung thu xưa, là hình ảnh Bách hóa tổng hợp ở phố Tràng Tiền, là một ngôi nhà trong phố cổ với nét xé dọc, là một góc phố cổ với những gánh hàng rong, là hình ảnh một học sinh kéo cặp sách vào sân trường...
Trong quá trình thực hiện, các nghệ sĩ cũng tương tác với người dân để tạo ra một không gian văn hóa nghệ thuật đường phố nhằm thu hút người dân và du khách, trở thành một điểm nhấn văn hóa tại phố cổ Hà Nội. Chính bởi vậy, ngay trong lễ khai trương, rất đông người dân Hà Nội và du khách đến thưởng lãm các tác phẩm tại đây.
Đây cũng là dự án thí điểm đưa nghệ thuật công cộng vào cuộc sống nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị của khu phố cổ Hà Nội đồng thời tạo không gian công cộng mới cho nhân dân, du khách. Dự án góp phần vào việc phát triển văn hóa, xã hội, du lịch của thủ đô Hà Nội, đồng thời là dịp để các tác phẩm nghệ thuật công cộng gần gũi hơn với công chúng.
Ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: Đây là chương trình giao lưu văn hóa nhằm phát huy giá trị các vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên, làm phong phú thêm các hoạt động trao đổi nghệ thuật, tạo môi trường văn hóa mới, sáng tạo và nhân dân cùng tham gia thực hiện một dự án vì cộng đồng.
Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc quảng bá, tổ chức và duy trì các hoạt động để nâng cao giá trị không gian văn hóa nghệ thuật bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng, đồng thời nghiên cứu định hướng tổng thể toàn tuyến 131 vòm và không gian kề cận của hai bên mặt tuyến vòm nhằm phát huy giá trị di sản vòm đường sắt đô thị Nam cầu Long Biên.
Tin, ảnh: Đinh Thuận/TTXVN