Sống đã rồi mới... làm nghệ thuật
Điên trong đam mê...
Khác với một số nghệ sĩ, sau ngày khai mạc triển lãm thường bỏ mặc những “đứa con tinh thần” của mình lơ lửng treo mình trên những bức tường, ai đến xem không cần biết, Đào Anh Khánh từ ngày khai mạc triển lãm đến nay, ngày nào anh cũng thức dậy rất sớm, lái xe từ Ngọc Thụy, Long Biên vào nội đô, nhâm nhi cà phê rồi đáo qua bảo tàng.
Đào Anh Khánh vẫn diện nguyên bộ đồ xanh nõn chuỗi như hôm khai mạc, mái tóc dài nhuộm vàng nửa đầu, pha chút sắc tím vẩy chéo một bên mặt trông cứ như một nhân vật trong phim kiếm hiệp.
Chân dung tự họa
Đó chỉ là vài mẩu vụn về cái gọi là điên của Đào Anh Khánh. Còn xem tranh của anh, người phàm nghĩ cũng cho là anh bị điên khi treo hơn 500 bức tranh chật kín hai phòng trưng bày của bảo tàng. Một phòng trưng toàn những tác phẩm mang gam màu lạnh, bàng bạc, nhờ nhợ, mờ mờ, ảo ảo còn phòng kế bên trưng toàn những tác phẩm mang gam màu nóng, rực rỡ, chói lòa...
Hai phòng tựa như hai cực của Trái đất, nhưng tựu trung, người xem đọc được những mảng miếng trong thi pháp sáng tác của nghệ sĩ họ Đào. Đó chính là sự đa nghĩa cuộc sống của chính tác giả lộ ra trên chính vẻ đẹp đa hướng, đa sắc thái trên cơ thể cũng như sự giao hòa của những “người đàn bà” trong thế giới yêu đương. Những người đàn bà trong thế giới yêu đương ấy của Đào Anh Khánh hầu hết đều nude, không hở bầu ngực thì lộ cặp mông, còn một số khác về “vùng kín” của phụ nữ được Đào Anh Khánh đưa vào tranh một cách biến hóa như thể là “biểu tượng trung tâm của vũ trụ”.
Nhiều người nói với Đào Anh Khánh hôm khai mạc: “Bị điên sao mà phải trưng hết 500 tranh ra cho thiên hạ? Bày vài cái là được rồi. Còn đâu để dành cho “cuộc điên” khác”. Đào Anh Khánh - khác với vẻ bề ngoài, nói năng nhỏ nhẹ, giọng tâm tình như chẳng biết giận ai bao giờ: “Đã điên là phải điên cho rực rỡ. Một năm tớ “quất” được cả hơn 500 bức thì cũng có thể lặp lại “kỳ tích” ấy trong năm tới...”.
Điên trong cuộc đời
Đào Anh Khánh đã điên khi bỏ ngành công an để điên với nghệ thuật hơn 50 năm, biến chính tên mình thành một “thỏi nam châm” hút công chúng và giới nghệ sĩ đã, đang và sẽ còn bị hút vào những sự kiện mà anh tổ chức hoặc mới chỉ dừng lại trên ý tưởng.
Lần đầu tiên sau nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật mới có triển lãm đầu tay tại một bảo tàng danh giá nhất nước cũng là lời chia tay của anh với người yêu nghệ thuật. Nhưng chia tay không có nghĩa là kết thúc, bởi sau triển lãm này, Đào Anh Khánh phải “điên” với những lo toan khác cho dự án lớn nhất cuộc đời làm nghệ thuật của mình mang tên Thung lũng gầm trời sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tại Lương Sơn, Hòa Bình.
Hiện Đào Anh Khánh đang cố gắng vận động và hy vọng ở cả sự chung tay đóng góp của cộng đồng trong và ngoài nước cho dự án này. Nhưng như anh nói: “Có điên mới ngồi chờ sung rụng. Tôi vẫn phải là người chủ động và trước mắt là trông chờ vào chính mình dù nó mong manh”.
Rồi Đào Anh Khánh trần tình về lý do vì sao anh quyết định trưng bày tất cả 500 bức tranh, không giữ lại bức nào cho “những cuộc điên khác” như bạn bè anh góp ý: “Nói thật, tôi cần tiền để đầu tư cho Thung lũng gầm trời. Vì thế, trưng ra hết để ai mua được bức nào, bán bức ấy. Giữ lại cho triển lãm sau có giúp tôi có tiền đâu... Tôi luôn tin tranh của tôi sẽ bán được vì bấy lâu nay tôi có tiền sống và làm nghệ thuật phần lớn là nhờ tiền bán tác phẩm”.
Hóa ra Đào Anh Khánh không điên, dù có phần gàn dở, ảo tưởng khi theo đuổi một dự án được cho là vượt quá khả năng của một cá nhân nghệ sĩ. Anh đủ tỉnh táo để phân biệt rất rõ nghệ thuật và đời sống, đang nhìn thế giới xung quanh một cách đơn giản hơn chứ không nhìn nó một cách điên đảo và hành xử theo sự điên đảo.
Vì như thế, Đào Anh Khánh không xứng là “người điên” mà sẽ là tên ngốc trong cuộc đời lẫn làm nghệ thuật!
Phạm Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần