‘Sống chung với mẹ chồng’: Phim Việt 'hiếm' hấp dẫn từ đầu đến... phút cuối!
(Thethaovanhoa.vn) – Phim Sống chung với mẹ chồng đã khép lại nhưng có lẽ những dư âm về bộ phim vẫn còn trong lòng nhiều khán giả. Lâu lắm mới có một phim Việt dài tập được chiếu trên truyền hình có hiệu ứng dư luận tốt như vậy.
- Bảo Thanh, Anh Dũng ‘đổi đời’ nhờ phim ‘Sống chung với mẹ chồng’
- Phần tiếp theo của ‘Sống chung với mẹ chồng’ là ‘Con dâu bá đạo’?
- ‘Sống chung với mẹ chồng’ tập 34: ‘Mẹ chồng tai quái’ Lan Hương nói gì về cái kết?
Phim Việt “làm mưa làm gió” trên truyền hình
Tháng 3/2017, khi ê kíp giới thiệu phim Sống chung với mẹ chồng với báo giới, bộ phim không gây ấn tượng quá nhiều.
Tuy vậy, khi trailer chính thức của bộ phim được tung ra lại ngay lập tức gây sốt cộng đồng mạng. Sau 25 giờ, trailer được 3,6 triệu lượt người xem với hơn 50.000 lượt like, khoảng 50.000 lượt share cùng hơn 30.000 lượt bình luận.
Một số trích đoạn hấp dẫn phim Sống chung với mẹ chồng (Nguồn: VFC)
Và khi phát sóng những tập đầu tiên, Sống chung với mẹ chồng với những tình huống được cho là kịch tính tới mức phi lý đã “làm mưa làm gió” trên sóng VTV cũng như các diễn đàn mạng.
Từng tình huống phim được chia sẻ, tranh luận nhiều không ngớt trên mạng xã hội. Những trích đoạn giới thiệu trước mỗi tập phim mỗi khi tung ra lại được sự quan tâm nồng nhiệt từ khán giả. Tên phim liên tục xuất hiện trong danh sách những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google trong ngày…
Để đáp ứng nguyện vọng, sự chờ đợi của khán giả với bộ phim, Đài truyền hình Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng lên 3 tập/tuần chứ không phải 2 tập như dự tính từ trước.
Sự quan tâm của khán giả nhiều tới mức, khi phim hoãn lịch phát sóng để truyền hình trực tiếp các sự kiện quan trọng, không ít khán giả đã phản ứng tiêu cực, cho rằng nhà đài đã cố tình trì hoãn… để tăng sức hút của bộ phim.
Sau cùng, ê kíp đã quyết định sản xuất thêm hai tập cuối, kéo dài bộ phim, thay đổi một số tình tiết để đáp ứng sự mong đợi của khán giả.
Sống chung với mẹ chồng trở thành số ít những phim Việt khiến khán giả xôn xao, chờ đón từng tập, không kém những phim truyện dài tập, kịch tính của các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines… từng gây sốt thời gian qua.
Chủ đề muôn thuở, vì sao phim vẫn 'hot'?
Còn nhớ, trong ngày ra mắt phim, đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ rằng, bộ phim Sống chung với mẹ chồng nói về những xích mích “muôn thuở” khi nàng dâu ở chung nhà với gia đình chồng. Đề cập tới chuyện muôn thuở, không còn mới - lạ, vì sao Sống chung với mẹ chồng vẫn hot?
Màn ảnh Việt từng có những phim về mẹ chồng, nàng dâu như: Blog nàng dâu, Người đẹp Tây Đô, Vòng xoáy tình yêu, Tìm chồng cho vợ tôi, hay Mẹ chồng tôi… tuy vậy, có thể nói, Sống chung với mẹ chồng là phim Việt đầu tiên đề cập trực diện, xoáy sâu vào những mâu thuẫn trong mối quan hệ này.
Kịch bản phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết Trung Quốc, tuy nhiên, nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân chỉ giữ lại phần cốt lõi của câu chuyện, từ đó sáng tác những tình huống xuất phát từ đời sống thực, gần gũi với đời thường. Nhiều khán giả xem phim và tâm sự rằng, họ như thấy một phần cuộc đời mình trên màn ảnh.
Tất nhiên, các nhân vật trong phim là hư cấu, mẹ chồng trong phim là tổng hợp rất nhiều kiểu mẹ chồng ngoài đời thực và nàng dâu cũng vậy.
Bộ phim đồng thời cũng gắn vào đó những phát ngôn, những suy nghĩ bao đời nay của người Việt về mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Lúc đầu, bộ phim nhận rất nhiều lời chỉ trích của khán giả, rằng “cả bộ phim không có một nhân vật nào tử tế”, hay “tình huống phim quá phi lý, xoáy sâu vào mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu”…
Tuy vậy, phim chọn cách giải quyết vấn đề, cởi các nút thắt trong phần cuối, các nhân vật trong phim sau cùng cũng đã nhận ra những sai lầm trong quá khứ để sống tốt cuộc sống hiện tại. Từ đó, mỗi khán giả cũng rút ra cho mình những bài học cuộc sống ý nghĩa.
Thành công của bộ phim không thể không kể đến vai trò quan trọng của dàn diễn viên diễn xuất nhập vai, thể hiện được đúng bản chất của nhân vật.
Chắc hẳn khán giả sẽ khó quên bà mẹ chồng tai quái nhất màn ảnh Việt do NSND Lan Hương đảm nhiệm, nàng dâu Minh Vân (do Bảo Thanh đóng) cũng “không phải vừa đâu”, Thanh - người đàn ông nhu nhược, mãi không trưởng thành (do Anh Dũng đóng), hay ông bố vừa nghiêm khắc, vừa tâm lý nhưng cũng rất hài hước do NSƯT Công Lý đảm nhiệm…
Ở gần cuối phim, “soái ca” Sơn (do Việt Anh đóng) cũng làm “say lòng” nhiều khán giả nữ yêu thích theo dõi bộ phim.
Sức hút của bộ phim khiến khán giả nhầm lẫn và gọi các diễn viên bằng tên họ trong phim, các diễn viên tham gia Sống chung với mẹ chồng không phủ nhận, được nhiều khán giả biết đến và nhận thêm những cơ hội công việc mới, tốt đẹp hơn.
Tất nhiên, Sống chung với mẹ chồng không phải bộ phim hay một cách hoàn hảo. Phim có những điều khiên cưỡng, nhiều tình huống được đẩy lên kịch tính đến tàn nhẫn. Chẳng hạn như việc mẹ chồng can thiệp thường xuyên, thô bạo vào đời sống riêng tư của vợ chồng con trai; những lời mắng mỏ con dâu sau lưng và ngay trước mặt đều quá đáng; đặc biệt là tình huống khi bà mẹ chồng dùng mọi cách để trì hoãn việc trả tiền bà đã vay con dâu nhưng không được, bà ném tiền vào người con dâu rồi đuổi đi…
Hay như ở phần cuối của bộ phim, khi xây dựng nhân vật Sơn, khán giả nhận rõ sự khiên cưỡng và có phần quá “vi diệu” khi để Sơn là một nhân vật vô cùng hoàn hảo (vừa đẹp, giỏi, giàu, lại vô cùng tâm lý) đến với Vân. Khi Vân cần giày thì Sơn có giày, khi cần xe thì có xe, khi cần gặp người thì ngay lập tức xuất hiện…
Kết
Cuộc sống vốn không có điều gì toàn vẹn, không có ai hoàn hảo, thế nên kỳ vọng một bộ phim mà đáp ứng được mong mỏi của tất cả mọi người thì quá khó.
Dù phim có rất nhiều điểm khiến khán giả chưa hài lòng, nhưng phần đông khán giả theo dõi bộ phim trả lời “Sống chung với mẹ chồng là bộ phim đáng xem, hay và có nhiều bài học cuộc sống”.
Thật ra, việc khán giả quan tâm theo dõi, chờ đợi, bàn luận đến tập cuối bộ phim đã là điều minh chứng Sống chung với mẹ chồng là số ít phim Việt hấp dẫn, đáng xem rồi!
Tiểu Phong. Ảnh: Hoàng Dương