Sống chậm cuối tuần: Đọc thơ của danh thủ Ba Đẻn
(Thethaovanhoa.vn) - Từ một danh thủ sau khi từ giã sân cỏ, anh đã chuyển từ "viết bằng chân" sang "viết bằng tay" những bài thơ theo kiểu rất "Ba Đẻn", chẳng giống ai, nhưng đầy ấn tượng. Tôi đã bị nhiễm "virus Ba Đẻn". Sau khi đọc thơ anh xong, bây giờ tôi đi trên phố Hà Nội, tôi luôn thấy những cây cột đèn khóc: Có khi nào em về qua nơi ấy/ Em sẽ thấy cột đèn có nước mắt rơi.
Mến mộ tài đá bóng của Ba Đẻn (tức Thế Anh) từ nửa thế kỷ qua, nhưng Xuân Tân Sửu này, tôi mới “kiến kỳ hình” danh thủ lẫy lừng này qua Cao Cường - em trai anh và cũng là một danh thủ lẫy lừng như anh. Đúng là "trời sinh một cặp".
Cao Cường thì tôi cũng mới "kiến kỳ hình" vài năm gần đây, qua quán Coffee 69 Lý Nam Đế thân quen. Cao Cường đúng là một danh thủ hào sảng. Bức ảnh nổi tiếng mà nhà nhiếp ảnh Phan Sang chụp cú vô-lê của anh đã cùng anh đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Đến bây giờ, ở tuổi "ăn chơi giai đoạn cuối" như anh thường đùa, Cao Cường vẫn cao to, hào sảng như xưa. Nên duyên lúc nào thì được gặp gỡ nhau lúc ấy. Và nhanh chóng trở thành bạn bè.
Với Ba Đẻn cũng thế. So với em trai Cao Cường, Ba Đẻn trông "dị" hơn. Dáng dấp của một danh thủ đá cánh lừng lẫy của bóng đá nước nhà thế kỷ trước đã lướt đi theo thời gian, để lại hôm nay dáng dấp "bùi bụi" của một thi nhân "phiêu lãng".
Mà đúng thế, tôi hoàn toàn bất ngờ khi đọc những bài thơ của danh thủ Ba Đẻn. Đã qua "thất thập" rồi nhưng trong "lão thực" vẫn có một "lão nhi" thật hồn nhiên và giản dị. Thơ Ba Đẻn cũng thế. Hồn nhiên và giản dị. Cuộn trào và lai láng. Ngập tràn chất "trai phố cổ". Rất xì-tin (style). Nhưng rất riêng Ba Đẻn. Đúng là thơ của một "con chiên ngoan đạo môn túc cầu":
“Khi xưa tôi viết bằng chân - cũng nhiều tác phẩm trên sân để để đời - ngày nay tôi viết bằng tay - cũng nhiều người mến hàng ngày được xem - bây giờ tôi lại rất thèm - một đôi mắt đẹp qua rèm mi cong - hỡi ai thương nhớ chờ mong - đừng hờn giận nữa cho lòng tôi êm”.
Cũng là chữ "thèm" mà sao chữ "thèm" trong văn cảnh này khiến ta đọc mà có cảm giác "ứa nước miếng". Chỉ thế thôi đã thấy một Ba Đẻn "hào hoa phong nhã", một Ba Đẻn "dào dạt ái tình" đến thế nào.
Nhưng đấy mới là khẽ "trình bày hoàn cảnh". Bóng đá thực sự thấm vào thơ Ba Đẻn đến mức độ nhuần nhuyễn như biết "đớn đau như da thịt, biết chảy ra như máu” như thế này:
“Anh tâng bóng qua đầu rồi lên trán - anh lắc mông động tác giả qua người - anh dốc bóng xuống biên - anh co chân ngoặt lại - anh cứa lòng khi rơi chiếc lá vàng”.
Trong bóng đá, cú đá má trong thường được gọi là đá "khứa lòng". Cao Cường bảo thế. Nhưng trong thơ thì Ba Đẻn đã biến "khứa lòng" thành "cứa lòng". Thật vậy, ở đời, sống mà không "cứa lòng" mình sao thấu hiểu được "nhân tình thế thái", sao có thể sáng tạo được nghệ thuật? Sao có thể làm thơ. Cứa lòng có tầm vóc tên của tập thơ Ba Đẻn. Cứa lòng sẽ đến trên tay bạn đọc vào lúc bạn thấy cần đọc nó.
***
Xuyên suốt trong cảm hứng thơ của Ba Đẻn là những bộc bạch của anh với những người tình, những cuộc tình đắm đuối cùng thất lỡ. Năng lượng yêu trong tâm hồn là một năng lượng yêu siêu phàm. Có lúc đầy điên dại. Bởi thế, nó cứ cuộn trào qua tất cả những non nớt, vụng dại của từ ngữ. Nó vượt tất thảy các rào cản của thi pháp, của cấu tứ, của kỹ thuật. Nó nhanh chóng tìm tới đích "tốc độ chóng mặt" của những "cơn yêu" chóng mặt, tái nhợt hạnh phúc và khổ đau.
Những cuộc tình không tuổi:
“Những cuộc tình cứ nhảy nhót trong ta
Nó huyền ảo như là đang có thật
Sự mộng mơ men tâm hồn ngây ngất
Như một anh già say rượu lảo đảo thơ
Về hưu rồi cũng rảnh rỗi hàng giờ
Thơ thẩn vẩn vơ ngoài thời gian đi nhậu
Các bạn tôi ơi! Bạn tâm tình có thấu
Hãy giúp cây cổ thụ này giữ mãi lá màu xanh
Để được nghe tiếng chim hót trên cành
Để được thấy trời xanh trong lành đầy ánh sáng
Để cuộc đời vui vì có bầu có bạn
Để có những mối tình tưởng tượng đẹp như mơ
Để được đắm chìm ân ái với nàng thơ
Và được ngắm hàng giờ
Hoàng hôn dần dần xuống”
Cái khẩu khí vừa "phản kháng số phận" vừa "công khai tàn lụi" thật hào sảng, thật dễ thương. Dễ thương không chịu nổi. Tôi thích cái thành thực của Ba Đẻn. Ở thời đại này, không ít người muốn quên đi cái quá khứ đồng áng của mình, muốn mua bằng được những danh xưng mà vốn thực chất mình không thể nào có để làm "tiền cảnh" với đời. Ba Đẻn gọi mình là nông dân Hà Nội:
“Mình chỉ là người nông dân Hà Nội
Gieo những niềm vui nơi quán nhậu vỉa hè
Những nụ cười tươi và cuộc đời thanh thản
Như những trưa hè nghe những tiếng ve
Mình rất vui vì có nhiều bè bạn
Đối diện tâm tình chén chú chén anh
Rồi cùng hát như chưa bao giờ được hát
Níu kéo tuổi già nhớ tiếc tuổi xanh
Ôi tuyệt quá người nông dân Hà Nội
với cốc bia hơi vàng óng long lanh
hình ảnh đẹp với dáng đứng trong lành
rất hiện hữu người nông dân Hà Nội”.
Là "nông dân Hà Nội" nhưng có lúc Ba Đẻn chợt kiêu sa "Trai phố cổ": "Trai phố cổ vẫn nói năng nhỏ nhẹ". Nhưng đúng thật, nếu không là "trai phố cổ" thì không thể viết ra bài thơ tình độc đáo này:
“Nơi góc phố con đường nhỏ ấy
Hôm vừa rồi anh lại mới qua
Nơi ngày xưa chúng mình từng hò hẹn
Nơi của tình yêu cứ mỗi buổi chiều tà
Cây cột đèn vẫn ngắm nhìn cây sữa
Trải bao tháng ngày vẫn xanh biếc thủy chung
Chúng vô tri mà sao yêu nhau thế
Sao mình không yêu cho đến tận cùng
Không yêu nữa phải chăng là số phận
Thích sự đổi thay hay trắc ẩn cuộc đời
Có khi nào em về qua nơi ấy
Em sẽ thấy cột đèn có nước mắt rơi”
Với thi ảnh cuối bài này, Ba Đẻn đã tự cấp cho mình chứng chỉ "thi sĩ".
Hóa ra Ba Đẻn và Nguyễn Trọng Tạo là bạn thơ của nhau từ lâu. Có lẽ họ còn hợp nhau nữa vì luôn sống "một mình". Và chất thơ Ba Đẻn đã khiến cho họ thành "bạn thơ" của nhau. Đọc những vần thơ Ba Đẻn vĩnh biệt Nguyễn Trọng Tạo chợt thấy ứa nước mắt vì cảm động:
"Bạn đã đi rồi ư? Tôi thật không ngờ - Mình vừa chuyện trò mới ngày nào gần lắm - Cùng ăn trưa bên Hồ Tây bảng lảng - Tiếng cười vui nhớ lại chợt nhói nhói đau".
- Nhà thơ Đặng Đình Hưng – một cuộc cách tân thơ âm thầm
- Nhà thơ Đoàn Vị Thượng: Lao động văn chương như một 'lực điền'
- Nhà thơ Trúc Thông: Ở nơi chân trời những cuốn sách
Họ yêu nhau hơn cả mọi người yêu!
Có cảm giác Ba Đẻn cứ liên tục yêu, yêu để không cho mình có lúc trống trải, cô đơn hoàn toàn. Yêu để trốn chạy cô đơn. Nhưng không cô đơn hoàn toàn làm sao có thể sinh năng lượng sáng tạo như bậc tài danh Đặng Đình Hưng đã đưa ra như "Thuyết tuyệt đối" của mình. Bởi thế, như người sợ ma cứ la hét lên khi qua nghĩa trang, Ba Đẻn sợ cô đơn đến mức cứ cuộn trào thơ tình không bờ bến. Nhưng "ngày lắm mối, tối nằm không" như các cụ đã phán. Cuối cùng thì cô đơn vẫn là người bạn hàng đêm của Ba Đẻn:
“Trời trở lạnh ôm những cơn gió lạnh
Một mình tôi ôm chiếc bóng của tôi
Căn gác nhỏ gió lùa qua khe cửa
Chăn đệm im lìm ôm chiếc gối đơn côi
Em như cơn gió của mùa Thu Hà Nội
Thổi qua hồn thời gian ngắn mà thôi
Đông đã đến và mùa Thu đã chết
Hoa lá lại chờ mùa Xuân đến sinh sôi
Căn gác nhỏ im lìm trong phố nhỏ
Vang tiếng dương cầm giai điệu Sô-panh
Đôi mắt buồn đắm chìm sóng nhạc
Và tiếng thở dài qua khe cửa xanh”.
***
Đọc thơ Ba Đẻn, thấy tự hào cho làng "túc cầu Việt". Trên thế giới, có biết bao người làm bao nghề khác nhau, trong đó có cả nhà thơ như thủ thành J. Bats của đội tuyển Pháp, nhưng vì yêu bóng đá - môn nghệ thuật của đôi chân cùng quả bóng, họ đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và trở thành danh thủ.
Nhưng với Ba Đẻn thì là ngược lại. Từ một danh thủ sau khi từ giã sân cỏ, anh đã chuyển từ "viết bằng chân" sang "viết bằng tay" những bài thơ theo kiểu rất "Ba Đẻn", chẳng giống ai, nhưng đầy ấn tượng. Và thậm chí, đầy ám ảnh. Rồi mọi người sẽ đọc Cứa lòng của Ba Đẻn nay mai. Nhưng tôi thì đã bị nhiễm "virus Ba Đẻn" sau khi đọc thơ anh xong, bây giờ tôi đi trên phố Hà Nội, tôi luôn thấy những cây cột đèn khóc. Và tệ hại hơn là tôi bắt đầu không hôn như Heinrich Heine, như Boris Pasternak, như Phùng Quán mà hôn như Ba Đẻn:
“Em trong trắng một tờ giấy trắng
Anh trong trắng một vì sao băng
Một hôm vì sao băng
Rơi trên tờ giấy trắng
Hai đôi môi chạm lại
Người ta bảo là hôn”.
Nguyễn Thụy Kha (nhà thơ, nhạc sĩ)