Sơn lại Bưu điện TP.HCM: Chỉ thay đổi thói quen thị giác mà thôi…
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua, việc sơn mới Bưu điện TP.HCM đã gây sự chú ý lớn từ truyền thông với rất nhiều ý kiến không đồng tình. Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh (giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM) lại có ý kiến trái chiều với dư luận. Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với anh để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này…
* Thưa anh, từ góc độ thị giác, anh đánh giá màu sơn mới của Bưu điện TP.HCM là ổn hay không?
- Với một công trình có tính cách di sản và biểu tượng như Bưu điện TP.HCM thì việc ổn hay không ổn phải xét từ nhiều góc độ. Đầu tiên phải trả lời cho được câu hỏi tại sao người ta có nhu cầu sơn lại? Kế đến, đơn vị đảm trách việc sơn lại đó đã nhận chỉ đạo từ chủ quan của một vài người, hay từ khách quan của vài hội động thẩm định có chuyên môn, có thẩm quyền? Cuối cùng là phải xét đến tính xuyên suốt trong lịch sử, xem xét thử công trình vốn có màu gì, qua thời gian đã biết đổi màu ra sao, và hiện nay cần sơn màu gì là phù hợp?
Từ góc độ cá nhân tôi thấy màu sắc mới của Bưu điện TP.HCM khá gần với tinh thần thiết kế của người Pháp thời ấy, nơi màu vàng đất, màu xanh lá cây đậm, màu trắng… được phối kết với nhau để “ăn-xăm” với cây cối, môi trường xung quanh. Còn việc mới sơn thì màu sắc sẽ tươi, sẽ đậm hơn, cảm giác “không như cũ” là đương nhiên, nhưng nếu chúng ta nghĩ đến độ lùi, sự phai màu theo thời gian, thì chỉ vài năm sau mọi thứ sẽ bình thường thôi. Hơn nữa, trong quan hệ với các công trình xung quanh, Bưu điện TP.HCM có tính độc lập nhất định, nên màu sắc mới không ảnh hưởng nhiều đến tổng thể.
* Xung quanh màu sơn mới này có nhiều dư luận khác nhau, mà dường như phàn nàn nhiều hơn ủng hộ, anh lý giải điều này thế nào?
- Mấy chục năm qua người dân đã quen với màu sơn của bưu điện, dù thực chất màu đó có khác biệt với thiết kế gốc, nên thay đổi lớn nhất vẫn là thay đổi thói quen thị giác, dẫn tới khen chê. Trên thế giới cũng vậy, khi nhiều công ty thay đổi logo, nhiều công trình thay đổi màu sắc cũng nhận về những ý kiến phàn nàn, nhưng chỉ một thời gian sau thì những phàn nàn đó vơi đi, nếu thay đổi đó hợp lý. Quan trọng nhất trong các thay đổi này vẫn là bắt được nhịp cầu từ lịch sử cho đến đương thời, có khi phải nệ cổ, có khi phải cập nhật, nhưng cũng có khi phải thỏa hiệp giữa cũ và mới.
Trước đây, việc tu bổ và sơn mới của vài công trình tại TP.HCM như Trường PTTH Marie Curie, Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai, Trường PTTH Trần Đại Nghĩa… cũng đã bị phàn nàn, giờ thì đã quen. Nếu nhìn tổng thể các công trình được Pháp xây dựng gần như cùng thời với Bưu điện TP.HCM, thì màu sơn này phản ánh được phong cách chung, khá đặc trưng.
* Ở trên anh có đề cập đến độ lùi, theo anh đoán thì cần lùi bao lâu là đủ quen?
- Cái này rất khó nói, nó phụ thuộc vào tâm lý của từng độ tuổi, từng lớp người, nơi mà quan niệm về sự bảo thủ và cách tân là khác nhau.
Bưu điện TP.HCM chỉ sơn lại cho giống với màu gốc cách đây hơn 120 năm, nhưng thời ấy chủ yếu nhiếp ảnh, in ấn đen trắng, những con người thời ấy đã qua đời, nên thói quen thị giác cũng gần như biến mất. Chính vì vậy, màu sơn mới hiện nay có thể không làm hài lòng thói quen thị giác của tầng lớp trung niên, lớp tuổi, nhưng với đa số trẻ mới sinh hoặc tiểu học thì gần như không có vấn đề gì. Khi chúng lớn lên, nghĩa là 15, 20 hoặc 30 năm nữa, chúng sẽ quen với màu sơn hiện nay, chúng cũng sẽ ra sức bảo vệ thói quen đó, nếu bị thay đổi.
Chính vì vậy, với các công trình công cộng như Bưu điện TP.HCM, mỗi lần sơn sửa mỗi lần khó, không chỉ làm cho đúng quy trình, mà cũng phải lựa loại sơn đủ độ bền màu sắc theo thời gian.
Màu mới hiện nay là màu gốc của công trình? |
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa